Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 1/8/2022 8:28'(GMT+7)

Phát huy sức mạnh của công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới

Nhìn lại chặng đường vẻ vang của công tác tuyên giáo 92 năm qua, chúng ta thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng và nhân dân. Thời gian qua, ngành Tuyên giáo không ngừng đổi mới, ngày càng nâng cao chất lượng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen với những thách thức, khó khăn. Trên thế giới, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy nhiên, tình hình đại dịch COVID-19 mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá là “sự kiện lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai” vẫn diễn biến phức tạp ở một số nước với những biến thể mới của Omicron. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc tác động lớn vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Ở trong nước, những tháng đầu năm 2022, do tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đến nay về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn phải chủ động phòng, chống những biến thể mới. Kinh tế - xã hội sau 2 năm khó khăn đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt trên 6%, lạm phát cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, y tế, thể thao... cơ bản đã trở lại hoạt động bình thường, nhất là Việt Nam tổ chức thành công vang dội SeaGames 31 và xếp hạng  Nhất toàn đoàn với tổng số Huy chương Vàng cao nhất trong lịch sử tổ chức Đại hội Thể thao các nước Đông Nam Á.

Trên tinh thần đó, công tác tuyên giáo thời gian qua đã đạt được những kết quả to lớn. Đó là: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức theo Kế hoạch số 13-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” có hiệu quả, nhất là biểu dương, nhân rộng những điển hình tốt, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở các cấp, các ngành, địa phương; tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và cấp uỷ trên lĩnh vực tuyên giáo. Trên cơ sở đó, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp uỷ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng góp phần đưa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và cấp uỷ đi vào cuộc sống. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch. Đặc biệt, toàn ngành Tuyên giáo đã tập trung hướng dẫn, triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa - văn nghệ, dư luận xã hội. Công tác khoa giáo không ngừng được đẩy mạnh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương, nhất là triển khai các hoạt động gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, chuyển đổi số trong các lĩnh vực đang được triển khai mạnh mẽ.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (1). Để thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, công tác tuyên giáo cần phải tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức theo các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền khát vọng vươn lên và ý chí quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, hệ thống chính trị và của toàn dân ta phấn đấu lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng hàng ngàn năm của dân tộc ta.

Thứ hai, tiếp tục tập trung tuyên truyền với nhiều cách làm sáng tạo trong đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Thứ ba, tập trung tuyên truyền các giải pháp có tính khả thi để phát triển kinh tế - xã hội đạt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra cho các giai đoạn năm 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ở các cấp, nhất là của người đứng đầu theo phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Các cán bộ, đảng viên và người lao động thể hiện nhận thức và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng việc làm thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “Nói đi đôi với làm”; Lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở đánh giá kết quả làm theo”(2).

Thứ năm, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng nhiều hình thức đổi mới, nhất là của các cơ quan báo chí và truyền thông nhằm góp phần tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền phương châm của đồng chí Tổng Bí thư: “Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”(3).

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền về bốn nguy cơ đã được Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII xác định, trong đó, chú trọng ngăn chặn nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là nguy cơ kinh tế dễ dẫn tới rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà các chuyên gia thế giới và trong nước đã cảnh báo. Đồng thời, cần đẩy mạnh tập trung tuyên truyền năm vấn đề bức xúc của xã hội ta hiện nay liên quan đến tư tưởng, tính mạng sức khoẻ của nhân dân là: An toàn thông tin mạng; An toàn thông tin dịch bệnh; An toàn môi trường; An toàn giao thôngAn toàn vệ sinh thực phẩm để công tác tuyên giáo ngày càng có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế và uy tín của ngành Tuyên giáo trong Đảng và xã hội.

Thứ bảy, công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới phải tăng tính đối thoại, thuyết phục, tránh tiến hành một chiều trong học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng như việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị báo cáo viên ở cấp Trung ương và các địa phương. Chúng ta cần thực hiện tốt phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng chính là chống lại kẻ thù” để phòng, chống việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng có hiệu quả.

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo là dịp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của ngành; đồng thời, tiếp tục tinh thần tiến công cách mạng để tiếp tục xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng trước yêu cầu mới.

 

TS. Bùi Thế Đức

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội. 2021, t.I, tr.181.

(2) Nguyễn Trọng Nghĩa: Học và làm việc theo Bác bằng việc làm thiết thực, Tạp chí Tuyên giáo số 5/2021.

(3) Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới, Báo Nhân dân, ngày 1/7/2022.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất