Thứ Hai, 9/12/2024
Lý Luận
Thứ Bảy, 23/7/2022 8:59'(GMT+7)

Tập trung dân chủ - nguyên tắc căn bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Duy Linh

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Duy Linh

ĐỔI MỚI, CỤ THỂ HÓA TRÊN CƠ SỞ GIỮ VỮNG NGUYÊN TẮC

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam quy định 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động, bao gồm: tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tập trung dân chủ được xem là nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác.

Tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa hai mặt tập trungdân chủ tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện là tiền đề của tập trung; tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc này chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của tập thể trong hoạt động của Đảng.

Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc này, chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị Đảng được tiến hành dân chủ, bàn bạc công khai, quyết theo đa số, dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành cơ bản công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh, những tổ chức cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời...

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá, khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, “…đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng(1)”.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng đã cơ bản bảo đảm tính bao quát, toàn diện, đầy đủ và phù hợp. (...); các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc”(2).

Những kết quả của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhiệm kỳ Đại hội XII được thể hiện trên các khía cạnh:

Một là, trong việc ban hành các chủ trương, đường lối. Các chủ trương, chính sách của Đảng đều được công bố rộng rãi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho ý kiến. Những chủ trương lớn trước khi ban hành đã được thảo luận dân chủ, rộng rãi từ cơ sở. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định các dự thảo đều phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân góp ý.

Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó quy định rõ việc trước khi ban hành và trong quá trình thực thi các chủ trương, chính sách đều được lấy ý kiến giám sát và phản biện. Đối với những vấn đề lớn, nhạy cảm đều được xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo cao cấp có kiến thức lý luận và thực tiễn đã nghỉ hưu...

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều chủ trương, định hướng lớn của Đảng đã phải qua rất nhiều vòng tọa đàm, hội thảo, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn... Nhiều nội dung được công bố dân chủ rộng rãi, công khai, có nhiều ý kiến tham gia góp ý trước khi ban hành, nên khi thực thi đã nhận được sự đồng tình khá cao của người dân và xã hội.

Hai là, dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy ngày càng dân chủ hơn; góp ý, phản ánh của đảng viên được các tổ chức Đảng lắng nghe và sửa đổi cho phù hợp. Nhiều quy định của Đảng được ban hành hoặc tiếp tục thực hiện có hiệu quả như: việc phê bình, chất vấn tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp; chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; việc thực hiện chế độ thông báo, báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đi vào nền nếp, từng bước có chiều sâu; các quyết định kỷ luật đảng viên được bàn bạc công khai, dân chủ, quyết định theo đa số và thông báo rộng rãi...

Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có nhiều chỉ thị, quyết định được ban hành góp phần cho quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thuận tiện, dễ dàng hơn. Điển hình như “Quy chế làm việc mẫu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương” (kèm theo Quyết định số 168 QĐ-TW), ngày 28/12/2018 của Ban Bí thư, đã xác định rõ chế độ công tác, thẩm quyền, trách nhiệm của thường trực, thường vụ cấp ủy, nhất là của bí thư cấp ủy đối với cấp ủy; khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực của người đứng đầu cấp ủy hoặc lợi dụng tập thể để quyết định những vấn đề trái thẩm quyền theo quy định.

Ba là, dân chủ trong công tác cán bộ. “Trong nhiệm kỳ, để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được quy định cụ thể hơn(3)”. Đã có rất nhiều văn bản liên quan đến dân chủ trong công tác cán bộ được ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XII, như: Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 24- KL/TW, ngày 15/12/2017 về nguyên tắc điều động, phân công bố trí công tác đối với cán bộ diện Trung ương quản lý; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/2/2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền... Đặc biệt, để chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó xác định rõ quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự với những quy trình dân chủ, chặt chẽ, phát huy trí tuệ và sự đồng thuận của tập thể.

THỰC HIỆN NGHIÊM TẬP TRUNG DÂN CHỦ ĐỂ XÂY DỰNG ĐANG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Bên cạnh những kết quả đạt được, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “...Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”(4). Vẫn còn tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dân chủ trong Ðảng và trong xã hội vẫn còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở một số cấp, số ngành có lúc không nghiêm. Còn thiếu những quy chế cụ thể bảo đảm phát huy thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Việc thực hiện nội dung tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi còn “lúng túng” do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Có những cấp ủy, tổ chức Đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, để xảy ra những sai phạm khuyết điểm kéo dài gây mất đoàn kết nội bộ, khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân bất bình, bức xúc.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.201 tổ chức đảng và 1.224.146 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên, trong đó có 23.432 đảng viên là cấp ủy viên. Các cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên(5). Đa số các vi phạm, khuyết điểm của những cán bộ chủ chốt phải xử lý từ mức kỷ luật trở lên đều liên quan đến vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nhằm khắc phục những hạn chết, bất cập để phát huy tốt hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, một số giải pháp cơ bản cần được tiếp tục quan tâm thực hiện là:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải luôn xác định việc thực hiện tốt nguyên tắc này là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng đoàn kết thống nhất trong các tổ chức Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận đối với những chủ trương, chính sách và các quyết sách được ban hành và thực thi. Dân chủ phải dưới sự chỉ đạo của tập trung và tập trung trên tinh thần dân chủ. Kiên quyết khắc phục cả hai khuynh hướng: hoặc là áp đặt tập trung mà không lắng nghe dân chủ; hoặc là dân chủ quá trớn, dân chủ cực đoan không tuân thủ nghị quyết, Điều lệ Đảng và vi phạm pháp luật.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải nằm trong tổng thể thống nhất việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Mỗi cấp ủy Đảng phải thực chất đề cao tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để “đấu tố”, “hạ bệ” nhau.

Thứ ba, cụ thể hóa, làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới. Đối với các khâu, quy trình - từ việc ban hành các chủ trương, chính sách đến công tác cán bộ - cần cụ thể hóa bằng các quy trình, các bước tiến hành. Việc ban hành và thực thi các chỉ thị, nghị quyết cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên thông.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng ta không phủ nhận, đã có những Đảng Cộng sản trên thế giới thoái hóa, biến chất; đã có những đảng viên có quyền lực ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra mất dân chủ trầm trọng - biến quyền lực được ủy quyền trở thành quyền lực cá nhân, “lợi ích nhóm”... Tổng kết lý luận, thực tiễn cho thấy, sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô có nhiều sai lầm, trong đó có sai lầm nghiêm trọng là xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình cải tổ. Những “ví dụ cụ thể” nêu trên là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch gieo rắc hoài nghi, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo và nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, để đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải “nằm lòng” những hiểu biết căn bản về nội dung nguyên tắc, về tính biện chứng giữa tập trungdân chủ và ngược lại.

Tập trung dân chủ là: “Sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong một mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, chứ không phải chỉ là tập trung hoặc là dân chủ. Hai mặt đó tuy mâu thuẫn nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau làm thành một nguyên tắc hoàn chỉnh. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung, cũng như tập trung là cơ sở, là cái đảm bảo cho dân chủ được thực hiện. Không nên hiểu dân chủ là “tính từ” của tập trung hoặc tập trung là “tính từ” của dân chủ. Tuyệt đối hóa một mặt nào đều dẫn đến những sai lầm nguy hiểm, có hại cho sự lãnh đạo và sức mạnh của Đảng”(6).

Thứ năm, mở rộng dân chủ đi liền với tăng cường kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trong Đảng. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Xác định đúng những nội dung cốt lõi đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ trong Đảng. Hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị./.

TS. VŨ TRUNG KIÊN
Học viện Chính trị khu vực II

______________________

(1) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.73, 90.

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.267, 268.

(5) http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/ban-bi-thu-to-chuc-hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-nhiem-ky-ai-hoi-xii-cua-ang.

(6) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng chỉnh đốn Đảng, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2012, tr.346 – 347.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất