Thứ Tư, 9/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 8/6/2009 12:4'(GMT+7)

Phát triển TP.Điện Biên Phủ phải bảo vệ di tích lịch sử và cánh đồng Mường Thanh

Đại diện đơn vị tư vấn giới thiệu bản đồ quy hoạch chung TP.ĐBP với Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Trinh.

Đại diện đơn vị tư vấn giới thiệu bản đồ quy hoạch chung TP.ĐBP với Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Trinh.

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn (Viện Kiến trúc và quy hoạch ĐT & NT) - đơn vị tư vấn trình bày khái quát thuyết minh quy hoạch chung TP.Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 8 phần: Sự cần thiết phải lập quy hoạch chung xây dựng đô thị; các căn cứ, mục tiêu và nhiệm vụ của đồ án. Phần đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng: TP.Điện Biên Phủ hiện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, phường với diện tích tự nhiên 6.009,05 ha, nằm trong lòng chảo Mường Thanh có độ cao biến thiên từ 473m – 1.048m. Hệ thống các công trình phúc lợi công cộng, hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, viễn thông được đầu tư phát triển. Các công trình nhà ở được đầu tư xây dựng kết hợp kiến trúc hiện đại và truyền thống dân tộc. Thành phố có thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử, tài nguyên cảnh quan môi trường sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá dân tộc... Với điều kiện tự nhiên và ý nghĩa vĩ đại của sự kiện lịch sử, nằm ở vị trí thuận lợi, tương lai có trục đường xuyên Á, TP.Điện Biên Phủ cho phép xây dựng đô thị quy mô lớn, trở thành thủ phủ trung tâm vùng Tây Bắc với sự phát triển KT-XH tổng hợp, chức năng trọng điểm, phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế du lịch, dịch vụ; tạo điều kiện thực hiện đề án nâng cấp thành phố lên đô thị loại II vào năm 2015; xây dựng đô thị hiện đại, văn minh đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống thân thiện, nâng cao vị thế quốc gia trong tiến trình hội nhập, củng cố quốc phòng toàn dân, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Quy hoạch chung TP.Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 2 phương án. Nguyên tắc kiến trúc quy hoạch bố cục theo không gian 5 chiều; giải pháp khai thác, cải tạo địa hình tự nhiên. Nhiều ý kiến tán đồng với phương án 1 (phương án so sánh): Xây dựng cơ quan hành chính, chính trị cấp tỉnh vào khu đô thị phía Đông dài khoảng 2,5km, quy mô hoành tráng với các tiểu khu nhà cao tầng, kết hợp thấp tầng. Khu đô thị hiện hữu chuyển thành đô thị bảo tàng, phục vụ phát triển văn hoá, bảo tồn di tích lịch sử; hoạt động tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp. Từng đô thị nhỏ phát triển thành đô thị độc lập dựa vào hành lang giao thông quốc lộ; các trục mở ra cặp chợ đường biên phía Tây và lên hồ Pa Khoang; đường đối ngoại xuyên Á dự kiến phát triển phía Đông (cả đường sắt và đường bộ). Mỗi khu đô thị hạt nhân có trung tâm hạt nhân liên hệ với thành phố trung tâm bởi các trục tia hướng tâm và liên hệ với nhau bởi đường vành đai. Trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên hiện có xây dựng các cặp chợ đường biên, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng; quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh, công viên, du lịch hang động, vùng cây công nghiệp...

Các ý kiến tham gia tập trung vào các vấn đề quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển mạng lưới giao thông quốc lộ; đường sắt, đường hàng không; bảo tồn văn hoá kiến trúc không gian dân tộc Thái. Cần đánh giá thực trạng đô thị hiện hữu, mở rộng không gian, xây dựng đô thị phát triển tương xứng với tầm vóc, để thành phố trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Tây Bắc, và có mối liên hệ với khu vực Asean. Nghiên cứu phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với xử lý rác thải, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái; xây dựng các điểm vui chơi giải trí, thể thao phục vụ du lịch; phát triển giao thông đối ngoại; tận dụng kết cấu hạ tầng, tôn trọng kế thừa quy hoạch cũ, tránh chồng chéo lãng phí. Một số ý kiến cho rằng, tên quy hoạch nên xác định đến năm 2020, tầm nhìn 2050 để bản quy hoạch khả thi; phát triển mạnh hướng Đông Nam, bám sườn đồi...

Bí thư Tỉnh uỷ Lò Mai Trinh chỉ đạo: Quy hoạch, phát triển đô thị đặc biệt lưu ý bảo vệ các di tích lịch sử; bảo vệ cánh đồng Mường Thanh, không lấy đất di tích, ruộng vào xây dựng kết cấu hạ tầng; giữ gìn, bảo tồn kiến trúc bản sắc văn hoá truyền thống. Ý tưởng quy hoạch tốt, cần tính toán khoa học để quy hoạch trở thành hiện thực. Bố trí sử dụng các công trình cũ cho hợp lý, xây dựng các công trình mới phù hợp điều kiện tự nhiên và yếu tố địa chất, phát huy hiệu quả, phát triển KT-XH; đảm bảo quốc phòng-an ninh./.

(Theo: Báo ĐBP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất