Thứ Hai, 9/12/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 17/4/2024 16:33'(GMT+7)

Phát triển văn hóa đọc ở Thành phố Hồ Chí Minh

TẠO DẤU ẤN RIÊNG, THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI DÂN THÀNH PHỐ

Được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phát triển hoạt động văn hóa đọc. Nhiều sự kiện tiêu biểu, trọng tâm, mang dấu ấn riêng được tổ chức đã thu hút đông đảo người dân Thành phố tham gia.

Hằng năm, Thành phố đều có kế hoạch chỉ đạo phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Từ đó, các cấp, các ngành đều triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn về sách, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc; tạo cơ hội cho các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành có dịp giao thương, quảng báo thương hiệu và xuất bản phẩm. Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày sách, gặp gỡ nhân chứng, tác giả, tác phẩm, tuyên truyền, giới thiệu sách mới, luân chuyển sách về các đơn vị, doanh trại quân đội, Ban chỉ huy quân sự ở một số quận, huyện. Sở Giao thông - Vận tải tổ chức nói chuyện chuyên đề về sách, tuyên truyền trong lĩnh vực giao thông vận tải gắn với văn hóa đọc cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú như hội sách trực tuyến, mô hình thư viện thông minh, sách dành cho người khiếm thị.

Không gian đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Không gian đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Có thể khẳng định, những hoạt động phát triển văn hóa đọc ở Thành phố trong thời gian qua có sự đầu tư nghiêm túc và quy mô. Các sự kiện được tổ chức không chỉ đơn thuần là các lễ hội, hội chợ tập hợp nhiều gian hàng bán sách, mà đó thực sự là những không gian thưởng thức văn hóa cho người dân Thành phố.

Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua là sự ủng hộ, hợp lực của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, những chuyên gia, trí thức, người yêu sách. Các nội dung quan trọng như chủ đề sách, cách thiết kế không gian, bày trí, các hoạt động phát triển văn hóa đọc đều được tham vấn các tập thể, cá nhân có liên quan. Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố luôn quan niệm đây là những đồng tác giả của các hoạt động nêu trên. Từ đó, đã tạo nên những trải nghiệm thú vị về sách cho người dân và du khách tới Thành phố. Tiêu biểu là các hoạt động như Lễ hội Đường sách Tết nguyên đán; Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Hội sách Thiếu nhi, Công bố 10 đại sứ văn hóa đọc Thành phố nhiệm kỳ 2023 - 2024, Giải thưởng Sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, Lì xì sách Tết…

Hướng đến mục tiêu lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã chủ trì tham mưu, cung cấp, trang bị bổ sung 72.000 cuốn sách lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cho các cơ sở trên địa bàn Thành phố. Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tiếp tục chủ trì, trang bị bổ sung gần 13.000 quyển, tiếp tục trang bị 10 tủ sách “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” cho thư viện các trường tiểu học ở 5 huyện ngoại thành. Từ đó, góp phần làm phong phú tủ sách ở cơ sở, nâng cao dân trí ở các huyện ngoại thành, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Cùng mục tiêu nêu trên, trong năm 2023, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng hơn 10.000 quyển sách tới 20 thư viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố. Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn Thành phố phối hợp với Quỹ Xã hội từ thiện Tâm nguyện Việt trang bị 100.000 cuốn sách cho cộng đồng. Đây cũng là các hoạt động đầu tiên hướng đến xây dựng công trình “Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở” trên toàn địa bàn Thành phố và là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để có cơ sở tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố những chủ trương, chính sách về nâng cao tầm quan trọng của sách, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã công bố kế hoạch khảo sát tỷ lệ đọc sách của người dân, học sinh, sinh viên; tiến hành khảo sát tại Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện khác. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đầu tư cho ngành Xuất bản bằng cơ chế đặt hàng để có xuất bản phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại và chương trình đưa sách về cơ sở. Trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 179 hoạt động về triển lãm, hội chợ xuất bản của các đơn vị xuất bản, phát hành. Đặc biệt, có nhiều lễ hội sách mang tính quốc tế như Những ngày Văn học Châu Âu, Tuần lễ sách Nga, Tuần lễ sách và văn hóa Nhật, Tuần lễ sách Manga… đã trở thành hoạt động thường niên được tổ chức tại Đường sách Thành phố. Số lượng xuất bản phẩm phát hành là 3.723 tựa sách (gồm tựa sách mới và tựa sách tái bản), với hơn 5 triệu bản in, 1.384 tựa sách điện tử với hơn 2,8 triệu lượt người dùng.

Trong năm 2023, được sự phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản ở các nước Đông Nam Á và các hoạt động diễn ra bên lền. Ngành Xuất bản Thành phố lần đầu tiên có gian hàng trưng bày tại Hội sách Quốc tế Frankfurt lần thứ 75.

CHỌN VĂN HÓA ĐỌC LÀ CÔNG TRÌNH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ tới tham quan, tìm hiểu về sách. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ tới tham quan, tìm hiểu về sách. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục phát triển văn hóa đọc ở Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cấp các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo sân chơi sàn giao dịch bản quyền để tháo gỡ và hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị xuất bản ở Thành phố nói riêng và cả nước nói chung về đích càng sớm càng tốt trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Song song với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản, phát hành; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng, phương pháp đọc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đang tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố nhiều chủ trương quan trọng. Trong đó, chọn văn hóa đọc là 1 trong 2 công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình bao gồm 2 nội dung lớn là: Thứ nhất, trang bị 5 triệu cuốn sách cho cơ sở (bao gồm thư viện các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố và thư viện 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức). Thứ hai, xây dựng thêm các không gian sách, đường sách tại các khu vực theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của Thành phố, góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân. Tiếp tục đầu tư, phát triển Đường sách Thành phố trở thành địa chỉ tiêu biểu, đặc trưng cho hoạt động văn hóa, du lịch và hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc của Thành phố.

Tiếp tục triển khai khảo sát đánh giá tỷ lệ bản sách đọc trong 1 năm của người dân, nhất là học sinh thành phố. Từ đó, có những căn cứ để tham mưu những chính sách thúc đẩy văn hóa đọc trong người dân, trong trường học và tham mưu đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030 để trở thành chỉ tiêu phấn đấu của toàn hệ thống chính trị trong 5 năm sau. Đây cũng là cơ sở để tham mưu những chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn cho văn hóa đọc của Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh có 2 nhà xuất bản trực thuộc; 4 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài, 28 văn phòng đại diện của các nhà xuất bản Trung ương và địa phương, hơn 141 cơ sở phát hành sách và trên 1.000 cửa hàng sách. Đây là tiền đề để tạo nên một thị trường sách sôi động với gần 15 triệu dân của Thành phố.

 

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất