Thứ Hai, 23/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 15/5/2014 21:26'(GMT+7)

Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”, với sự góp mặt của đông đảo các nhà quản lý văn nghệ, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học trong cả nước.

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; GS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đồng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: sau gần ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với văn học thế giới. Bên cạnh nhiều thành tựu, đời sống văn học cũng còn tồn tại những hạn chế, nảy sinh một số vấn đề, hiện tượng mới phức tạp...

Hội thảo lần này góp phần tổng kết, luận giải, đánh giá thực tiễn văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới (1986-2016), từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn mới trên các mặt sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giao lưu, quảng bá văn học.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong ba mươi năm qua, sáng tác văn học đã thu được nhiều thành tựu chú ý. Nét nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và tâm lý con người hiện đại. Phần lớn các cây bút đều có ý thức gắn bó sâu sắc với số phận dân tộc và thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước, vừa chú ý những đề tài mang tính thời sự, vừa tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn học dân tộc từ nhãn quan nghệ thuật hiện đại.

Nhìn một cách tổng thể, có hai hướng đổi mới cơ bản trong văn học Việt Nam ba thập kỷ qua là: đổi mới trên nền truyền thốngđổi mới theo hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây.

Lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đều có ý thức lấy tư tưởng mácxít làm tư tưởng chủ đạo, tích cực giới thiệu và vận dụng nhiều lý thuyết hiện đại để hiện đại hóa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Nhiều hướng nghiên cứu mới đã được vận dụng và thu được kết quả tích cực như thi pháp học, phân tâm học, cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn... Lực lượng phê bình văn học tuy còn mỏng nhưng đã cập nhật khá tốt thực tiễn văn học sôi động và phức tạp.

Công tác chỉ đạo, quản lý văn học cũng có nhiều đổi mới hết sức căn bản, tạo động lực cho văn học phát triển. Đánh giá về tình hình văn học, nghệ thuật trong khoảng 10 năm qua (1998-2008), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định: “trong bối cảnh tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, trình độ dân trí của nhân dân ta từng bước được nâng cao, nhu cầu văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, các phương tiện truyền bá ngày càng hiện đại, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, những đặc điểm mới, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn có những hạn chế, yếu kém đan xen nhau”. Có thể nói về cơ bản, nhận định này không chỉ bao quát được mười năm văn học mà rộng hơn, bao quát được những đặc điểm cơ bản nhất của sự nghiệp đổi mới văn học trong ba mươi năm qua.

Các báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung vào 2 chủ đề gồm: Đổi mới lý luận và nghiên cứu văn học; Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học. Trong chủ đề “Đổi mới lý luận và nghiên cứu văn học”, nổi bật là những tham luận “Phải vận dụng lý luận văn học nước ngoài để nghiên cứu phát triển lý luận văn học Việt Nam từ di sản đến hiện trạng” của Giáo sư Phương Lựu; “Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Nhìn từ lý thuyết hệ hình” của Phó Giáo sư Tiến sỹ Đỗ Lai Thúy; tham luận “Về một hướng tiếp cận khả thi trong nghiên cứu văn học” của Giáo sư Tiến sỹ Lộc Phương Thủy...

Với chủ đề “Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học” có các tham luận tiêu biểu như “Đổi mới và truyền thống trong văn học Việt Nam hiện nay” của Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Anh Đào; “Dân chủ hóa - Xu hướng vận động và thành tựu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới” của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Long; “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa: Nhiệm vụ gìn giữ và kiến tạo bản sắc dân tộc” của Thạc sỹ Trần Thiện Khanh...

Là bộ phận nhạy cảm nhất của văn hóa, mục tiêu tổng quát để phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng một văn học nhân văn, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đó là nền văn học đa dạng, phong phú, thể hiện được cốt cách, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu đó, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp. Đó là:

Thứ nhất, nền văn học Việt Nam phải là nền văn học nhân văn, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm văn nghệ của Đảng làm nền tảng tư tưởng, đồng thời, phát huy cao nhất bản sắc văn hóa, tiếp thu hợp lý tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu có, phong phú thêm cho nền văn học dân tộc.

Thứ hai, tôn trọng tự do sáng tác của nhà văn, tôn trọng mọi tìm tòi, thử nghiệm cá nhân, tránh định kiến hẹp hòi, tránh quy chụp. Cần thiết phải tạo lập được môi trường thuận lợi  để nhà văn phát huy cao nhất tài năng và tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật và nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới dân tộc. Tăng cường hơn nữa tính đối thoại vì mục đích truy tìm chân lý, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức tư tưởng và nghệ thuật.

Thứ ba, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, đẩy mạnh công tác dịch thuật văn học, chủ động giới thiệu tinh hoa văn học nhân loại (cả sáng tác lẫn nghiên cứu) nhằm nâng cao chất lượng và trình độ hội nhập, nâng tầm văn hóa nhà văn và khuyến khích vai trò tích cực của công chúng tiếp nhận. Cần xây dựng và phát triển chiến lược quảng bá văn học hợp lý, nâng cao vị thế và ảnh hưởng của văn học Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Thứ tư, cần ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách hợp lý về văn học, nghệ thuật, đầu tư thích đáng cho hoạt động văn học, khuyến khích tài năng văn học, khuyến khích tìm tòi đổi mới vì mục tiêu phát triển văn học dân tộc.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác phê bình văn học. Công trình phê bình văn học không chỉ đơn giản là chuyện khen chê, sai đúng mà quan trọng hơn là khuyến khích chiều sâu khái quát của phê bình, chú ý đẩy mạnh tính chuyên nghiệp của hoạt động văn học  và hoạt động phê bình.

Thứ sáu, đổi mới phương thức quản lý văn học, có cơ chế quản lý văn học thích hợp, cởi mở. Song song với việc yêu cầu các nhà hoạt động văn học phải có nâng cao trình độ văn hóa, trau dồi nghề nghiệp, say mê sáng tạo cần phải có chính  sách bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ quản lý để tránh những hiện tượng bất cập trong đánh giá, thẩm định văn học, cản trở sự phát triển của văn học và tính độc đáo của lĩnh vực sáng tạo các giá trị tinh thần. Giải thưởng văn học của Nhà nước phải tôn vinh đúng tài năng, đúng giá trị nhằm tạo nên thái độ trọng thị tài năng của xã hội, coi tài năng văn học và tài năng trong các lĩnh vực khác là tài sản của quốc gia.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất