Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 1/4/2015 21:36'(GMT+7)

Phê bình 16 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Điểm nổi bật trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 3 tháng đầu năm nay, đó là tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Trong thời gian này, cả nước xảy ra hơn 5.850 vụ tai nạn, làm chết 2.345 người, làm bị thương 5.488 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 731 vụ (11,11%), giảm 82 người chết (3,38%) và giảm 974 người bị thương (15,07%).

Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra trên 2.600 vụ, làm chết 2.284 người, bị thương trên 1.600 người. Va chạm giao thông xảy ra trên 3.100 vụ, làm bị thương nhẹ hơn 3.800 người. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 43 vụ, làm chết 38 người, bị thương 11 người. Tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 23 vụ, làm chết 23 người, bị thương 4 người. Hàng không không có tai nạn và hàng hải xảy ra 3 vụ, không có người chết và bị thương.

Trong quý I năm 2015, có 36 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 12 địa phương giảm trên 20% số người chết là Đồng Nai; Bạc Liêu; Vĩnh Phúc; Lạng Sơn; Đắk Nông; Cao Bằng; Tây Ninh; Hà Giang; Quảng Nam; Sóc Trăng; Bến Tre; Điện Biên. Đặc biệt, Đồng Nai giảm trên 50% số người chết do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 16 tỉnh tăng trên 10% là: Đồng Tháp; Bắc Giang; Hưng Yên; Phú Yên; Hòa Bình; Nam Định; Trà Vinh; Quảng Ninh; Kon Tum; Vĩnh Long; Bắc Kạn; Bình Dương; Hải Dương; Gia Lai; Bắc Ninh; An Giang. Có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã cùng đánh giá những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phân tích những mặt còn hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông, thực hiện mục tiêu giảm từ 5 đến 10% số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2014 ở tất cả các tỉnh, thành phố, giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe ôtô.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận việc quản lý lái xe hiện hết sức lỏng lẻo, từ khâu đào tạo đến khi sử dụng, hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã đều phó mặc cho lái xe tự tung tự tác trên đường.

Ông Thanh đề nghị xem xét kỹ dữ liệu giám sát hành trình để đảm bảo độ chính xác khi xử lý vi phạm; xử lý quyết liệt với nạn lạm dụng chất có cồn rồi tham gia giao thông. Cho lao động công ích 5-10 ngày còn sợ hơn phạt 5-10 triệu đồng, giữ phương tiện, ông Thanh nói.

Phân tích nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra tai nạn giao thông, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chủ yếu, sâu xa nhất là do ý thức của người tham gia giao thông. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho rằng ý thức không thể thay đổi một sớm, một chiều, phải kiên trì, không thể nóng vội.

Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thì thể hiện quyết tâm trong việc chỉ đạo các đơn vị kiểm soát tải trọng xe với cam kết nếu cảng Hải Phòng để xe chất hàng quá tải dứt khoát cách chức Giám đốc. Ông cũng cho rằng địa phương nào Chủ tịch Ủy ban Nhân dân trực tiếp chỉ đạo, quan tâm sẽ không còn xe quá tải. Địa phương nào xe quá tải còn là cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc. Nếu làm quyết liệt, Bí thư, Chủ tịch ra tay, đảm bảo trong quý II/2015 sẽ hết xe chở quá tải.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương 12 tỉnh giảm trên 20% số người chết vì tai nạn giao thông, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai đã giảm trên 50% số người chết do tai nạn giao thông; đồng thời nghiêm khắc phê bình 16 tỉnh còn để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong dịp Đại hội đồng IPU 132, Hà Nội đã lên kế hoạch về phương án đảm bảo an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, đó là tình trạng chở quá tải trọng của xe ôtô tải vẫn diễn biến rất phức tạp, xe quá tải ùn ùn qua các trạm cân từ Huế vào Đà Nẵng vào lúc 3-4 giờ sáng, đặc biệt là tại địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu và các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào.

Một số chủ xe, lái xe vẫn cố tình vi phạm và có nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm, thách thức dư luận, đe dọa nhà báo. Lực lượng tuần tra kiểm soát ở khu vực nông thôn còn mỏng, nghiệp vụ hạn chế; vẫn còn hiện tượng thiếu kiên quyết, xuê xoa đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông…

Nhấn mạnh đến sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, Phó Thủ tướng khẳng định nơi nào Bí thư, Chủ tịch quan tâm, sâu sát, đích thân giám sát, tình trạng chở quá tải trọng sẽ giảm. Bí thư chủ tịch phải ra tay, 3-4 giờ sáng phải ra đường kiểm tra.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xem xét tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trực tiếp gây mất an toàn giao thông; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương tăng cường siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, xây dựng phương án tăng cường vận tải công cộng, khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng thi công các dự án đầu tư xây dựng mới.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương h uy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát theo các chuyên đề và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất