Thứ Ba, 7/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 7/12/2018 14:58'(GMT+7)

Phiếu tín nhiệm và quyền giám sát của cử tri

HĐND Thành phố Hà Nội thông qua dự thảo nghị quyết kết quả lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: qdnd.vn)

HĐND Thành phố Hà Nội thông qua dự thảo nghị quyết kết quả lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: qdnd.vn)

Tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đang diễn ra, các địa phương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh, thành phố bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một nội dung thực hiện quyền giám sát có ý nghĩa rất quan trọng của HĐND, nơi đại diện cho cử tri đối với những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, sau thành công của lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa qua, dư luận cũng rất đồng tình và thể hiện sự quan tâm với việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh, thành phố lần này. 

Mục đích chính của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm, đồng thời cũng là lời nhắc nhở đối với mọi cán bộ. Mỗi cán bộ qua đây cũng thẳng thắn soi lại mình, tự đánh giá chất lượng những việc mình đã và đang làm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ và rộng hơn là quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc.

Từng có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, nhưng về cơ bản việc làm này tạo hiệu quả và hiệu ứng xã hội tốt.

Trên thực tế, đã có những chuyển biến rất tích cực về hiệu quả công việc mà các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Có những cán bộ lần lấy phiếu tín nhiệm trước kết quả tín nhiệm chưa cao, nhưng ở lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo đã có sự “nhảy vọt” về thứ hạng. Kết quả đó là do người cán bộ ấy biết nhìn nhận ra điểm hạn chế của mình, của ngành mình để nỗ lực cố gắng điều hành, chỉ đạo tốt hơn. Sự cố gắng ấy được các đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận.

Lần này, cử tri cả nước cũng rất chờ đợi có sự thay đổi mạnh mẽ ở đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ được cử tri giao phó. Có thể nói, đây là hình thức giám sát và đánh giá rất hiệu quả quá trình hoạt động của cơ quan dân cử.

Lấy phiếu tín nhiệm không phải để hạ uy tín cán bộ mà nó là biện pháp để đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ. Những cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm cao, đó là sự ghi nhận của cử tri và coi đó là động lực, sự khích lệ để làm việc tốt hơn. Những cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp coi đây là lời cảnh báo để cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, thì đối với HĐND lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Mặc dù mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm là đúng đắn, nhưng đây là việc làm hệ trọng nên cần phải dần hoàn thiện. Với các đại biểu HĐND, những người dùng lá phiếu của mình để đánh giá người khác, phải coi đây là cơ hội, điều kiện để thực hiện tốt hơn quyền giám sát. Lá phiếu là đại diện cho cử tri nên phải công tâm, khách quan, toàn diện với từng cán bộ. Để đánh giá chính xác được cán bộ thì chính các đại biểu HĐND phải nắm chắc được những điểm mạnh, điểm yếu, năng lực lãnh đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ trên các chức danh đảm nhiệm.

Lá phiếu không chỉ là ý chí của người đại biểu mà còn là tiếng nói của cử tri, của nhân dân gửi gắm. Bởi thế, không có chỗ cho cái tôi cá nhân ganh ghét, đố kỵ nhằm hạ uy tín người khác; cũng không có chỗ cho bè phái cục bộ, lợi ích nhóm. Suy cho cùng, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đều hướng đến mục đích cao nhất: Vì lợi ích đất nước và nhân dân.

Hình thức giám sát này chính là cách tốt nhất để động viên, đồng thời để nhắc nhở mỗi cán bộ trong công việc khi đã được dân cử, dân bầu. Bởi vậy, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ cần trở thành việc làm thường xuyên trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị.../.

Nguyễn Tuấn (qdnd.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất