Thứ Hai, 30/9/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 10/1/2010 14:54'(GMT+7)

Phổ cập điện thoại

Tôi còn nhớ rất rõ 20 năm trước, khi muốn gọi điện thoại sang Paris (và các nơi khác trên thế giới) chúng tôi đã phải: gọi cho tổng đài gặp cô phụ trách; đọc số điện thoại bên kia và yêu cầu cô kết nối; đợi 45 đến 60 phút họ gọi lại báo đã nối được; cuộc đàm thoại chỉ diễn ra vài ba phút với chất lượng kém xa chất lượng Skype bây giờ và giá thì cắt cổ đến cả chục USD/phút.

Khi đó, điện thoại di động kỹ thuật số còn đang thử nghiệm tại vài nước tiên tiến nhất, ở VN điện thoại cố định dẫu cổ lỗ nhưng chỉ có các đối tượng được ưu tiên, các cơ quan và các quan to mới có. Dân thường đừng có mơ. Chạy và đợi có được điện thoại quả là vô cùng nhọc nhằn và nhiều năm chưa chắc đã có.

Hai mươi năm sau, theo công bố của Bộ Thông tin - Truyền thông vào cuối năm 2009 nước ta đã có 130,4 triệu thuê bao điện thoại với hơn 85% thuê bao di động; đạt tỉ lệ 152,7 máy điện thoại/100 dân; tỉ lệ người dùng Internet đạt 26,2% dân số. Có thể suy ra số thuê bao điện thoại cố định đạt cỡ 21-22 thuê bao/100 dân.

Có thể bàn cãi về con số này, nhưng giả như chỉ có một nửa là con số được sử dụng thực sự trong thực tế, thì vẫn là một bước tiến khổng lồ so với 10, 15 hay 20 năm trước, nói chi so với thời bao cấp.

Năm 2006, Quy hoạch Phát triển viễn thông và Internet của Việt Nam chỉ nêu ra mục tiêu "đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu đạt mật độ điện thoại từ 32-42 máy/100 dân trong đó cố định đạt từ 14-16 máy. Mật độ thuê bao Internet đạt 8-12 thuê bao/100 dân, tỉ lệ sử dụng Internet đạt trên 25-35%". Có thể thấy số thuê bao điện thoại đã vượt xa mục tiêu đề ra.

Với những người dưới 30 tuổi, việc có được một số điện thoại xem ra là chuyện hiển nhiên. Thực ra không nhiển nhiên chút nào. Không có thay đổi tư duy kinh tế, thì không thể. Tất nhiên, chúng ta vẫn chưa hài lòng với dịch vụ điện thoại. Nghẽn mạch, chất lượng chưa tốt, sự lẫn lộn trong tính cước vẫn còn,...

Và việc buộc các thuê bao trả trước phải đăng ký lại (đã hết hạn từ 31.12.2009 và đang gia hạn đến 31.1.2010) cũng gây ra nhiều phiền hà và tranh chấp nhưng sẽ cho số liệu thuê bao chính xác hơn. Bất chấp tất cả những "khó chịu" đó, sự tiến bộ của dịch vụ điện thoại quả là rất to lớn và không cần phải giải thích cho những người đã sống qua thời bao cấp.

Quay sang bàn về con số 130,4 triệu thuê bao. Bộ nói trên 85% là thuê bao di động, suy ra ít nhất phải có 14% thuê bao cố định (tức là cỡ 18,3 triệu thuê bao, đạt ít nhất 21-22 thuê bao/100 dân). Theo số liệu thống kê của ITU, số điện thoại cố định năm 2008 của Việt Nam là 33,98/100 dân, cao hơn mức 21-22 ước tính kể trên; năm đó số điện thoại di động trên 100 dân là 80,37 với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2003-2008 là 91,2%/năm.

Như thế, có thể thấy hai nguồn số liệu không mâu thuẫn nhau (có lẽ ITU lấy số liệu của Bộ) và con số khoảng 111 triệu thuê bao di động (tương đương 130 thuê bao di động/100 dân) cũng không lạ.

Có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới người ta vẫn dùng các chỉ tiêu số thuê bao/100 dân để tính toán và so sánh. Ai cũng biết, con số thống kê thô như vậy tuy quan trọng, song vẫn chưa phản ánh thực sự tình hình phổ cập viễn thông, vì có người có vài chục SIM di động còn có nơi người dân không tiếp cận được đến dịch vụ.

Về các số liệu thống kê tổng hợp, số người không tiếp cận được đến dịch vụ điện thoại (hay không có điện thoại di động) là một chỉ số có giá trị và có thể dễ điều tra hơn (do có số lượng nhỏ; ở nông thôn, vùng xa thì có thể làm ngược lại). Các số liệu tổng hợp có thể được tính khá dễ từ những thông tin chi tiết.

Nếu việc đăng ký lại các thuê bao di động trả trước được tiến hành suôn sẻ, các nhà cung cấp dịch vụ có các số liệu thống kê chính xác hơn. Sẽ có thông tin phong phú hơn nhiều nếu chúng ta có được phân bố thuê bao theo nhiều chiều khác nhau. Thí dụ, theo dân cư: số người có (0, 1, 2, 3, ..., 10,...) điện thoại di động; tương tự với số thuê bao cố định đối với các hộ gia đình và các tổ chức.

Lưu ý rằng chúng ta thống kê cả người không có (0) điện thoại, và con số này có thể có ý nghĩa hơn nhiều về mức độ phổ cập. Cũng có thể xem xét phân bố theo tuổi tác, theo trình độ học vấn, theo địa phương, v.v...

Những thông tin phân bố theo nhiều chiều như vậy là hết sức quan trọng cho hoạch định chính sách và sự phát triển của đất nước. Thí dụ, nên có quỹ phổ cập viễn thông (do các nhà cung cấp đóng theo tỉ lệ doanh thu) để hỗ trợ các nhà cung cấp cạnh tranh nhau phát triển ở vùng sâu, vùng xa, nhằm nâng cao sự phổ cập; và số liệu thống kê sẽ giúp việc hoạch định và thi hành các chính sách như vậy.

Làm sao có được những thông tin chi tiết như vậy? Các nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp thông tin về thuê bao theo quy định của các cơ quan hữu quan. Nhưng không chỉ dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ. Có lẽ có thể lọc ra những số thống kê như vậy từ số liệu điều tra dân số vừa rồi. Cũng có thể tiến hành điều tra mẫu. Như thế, có nhiều nguồn thông tin, để kiểm chứng, kiểm tra chéo.

Theo Nguyễn Quang A
( Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất