Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT,
chiều 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm rõ một số vấn đề về giáo
dục mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.
Phó Thủ tướng cho biết, bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam xếp
hạng khoảng 130 nhưng giáo dục ở vị trí 60-70 trên thế giới, cao hơn so
với các nước có trình độ tương đương. Điều đặc biệt là giáo dục phổ
thông ở nhóm 50 trên thế giới. Có những báo cáo của các tổ chức quốc tế
như PISA, OECD còn xếp Việt Nam ở vị trí cao hơn. Nhưng giáo dục đại
học, cao đẳng kém hơn và ở vị trí 70-80, nhiều chỉ số ví dụ như các chỉ
số về nghiên cứu còn thấp.
“Điều đó có nghĩa giáo dục của chúng ta dù còn rất nhiều điều không
hài lòng nhưng cũng phải đánh giá đúng những nỗ lực của ngành giáo dục,
không chỉ một vài năm qua mà trong suốt cả quá trình. Đổi mới cũng là
một quá trình mà có những việc chúng ta làm ngày hôm nay nhưng phải 10
năm sau mới có kết quả”, Phó Thủ tướng nói.
Trong các khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế đối với về giáo dục
Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết có 2 điểm đáng lưu ý liên quan đến bậc
phổ thông và đại học (ĐH).
Cụ thể, đối với giáo dục phổ thông cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục
cho đồng bào dân tộc thiểu số như ý kiến của nhiều ĐBQH. "Chúng ta đã
cố gắng nhưng tới đây sẽ phải có những chương trình, chính sách cụ thể
hơn để giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số tốt hơn”.
Giáo dục ĐH phải tự chủ và tăng cường kiểm định
Về giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng đề cập đến đánh giá của nhiều tổ chức
quốc tế cho rằng, ở Việt Nam trình độ nhân lực càng cao thì kỹ năng so
với mặt bằng thế giới càng kém. Cụ thể, 80% nhân lực ở vị trí quản lý
chưa đạt yêu cầu; cán bộ kỹ thuật làm trực tiếp phải đào tạo tiếp, tùy
từng ngành nghề là từ 40-60%; lao động giản đơn có khoảng 20% cần đào
tạo tiếp.
Trong rất nhiều nguyên nhân như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời,
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên nhân kiểm định chất lượng
trong quá trình học và kiểm định chất lượng đầu ra chưa tốt. Tới đây
ngành giáo dục phải khắc phục theo hướng khuyến khích các trường ĐH tự
kiểm định, có các trung tâm kiểm định độc lập, công khai kết quả.
Chưa thực hiện tốt triết lý giáo dục
Về ý kiến một ĐBQH đặt vấn đề có hay không có triết lý
giáo dục Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định triết lý giáo dục Việt Nam
nằm ở mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”; mục tiêu xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở
Đức-Trí-Thể-Mỹ; có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm quốc
tế.
Ngay trong đề án phê duyệt chương trình, sách giáo khoa
mới đã nói tương đối đầy đủ mục tiêu cấu thành nên triết lý giáo dục của
Việt Nam đó là nhằm xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở
Đức-Trí-Thể-Mỹ, hướng tới công dân toàn cầu, khuyến khích sáng tạo, phát
huy tài năng sáng tạo của học sinh, giáo viên… Truyền thống giáo dục
của Việt Nam là nhân văn, yêu thương con người, khai mở trí tuệ, có tinh
thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với ý thức quốc tế, bây giờ là công dân
toàn cầu.
“Chúng ta có triết lý giáo dục vấn đề khâu thực hiện chưa tốt”.
|
“Gần đây nhiều trường ĐH đã đi đầu, chủ động phối hợp với các trung
tâm kiểm định, kể cả nước ngoài và trong nước để xây dựng các chương
trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các nước tiên
tiến. Có những trường đã tham gia vào việc xếp hạng, “xếp sao” của các
trường ĐH trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ ĐH được đẩy mạnh toàn diện cả về chuyên môn, tài chính, tổ chức nhân sự.
Phó Thủ tướng làm rõ: Tự chủ tài chính không có nghĩa Nhà nước cắt
toàn bộ ngân sách, không đầu tư cho các trường ĐH, bởi có những quốc gia
như Đức, Pháp, Nhà nước vẫn lo 80-90% ngân sách hoạt động của trường.
Tự chủ ở đây thực chất giảm bớt can thiệp hành chính không cần thiết vào
công việc của nhà trường trong một môi trường giáo dục và khoa học. Yêu
cầu đi kèm với đó là chính sách bảo đảm sự tiếp cận đối với giáo dục
trình độ cao của người nghèo, của đối tượng yếu thế thông qua nhiều
chính sách trong đó có chính sách học bổng. Tất cả các hoạt động của nhà
trường tuyển sinh, đầu ra, đầu vào kể cả danh sách các cựu sinh viên
làm việc ở đâu đều phải được công khai minh bạch. Các quy chế phải rõ
ràng cụ thể, bàn bạc dân chủ để cả nhà trường học sinh và toàn xã hội
giám sát.
Từ những kết quả đạt được bước đầu của 15 trường ĐH thực hiện thí
điểm tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiều ngành,
nhiều cấp là cơ quan chủ quản của các trường ĐH trong quá trình bỏ cơ
chế chủ quản, thực hiện tự chủ ĐH.
Sớm ban hành phương án hoàn chỉnh về thi THPT quốc gia
Về kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề luôn
được toàn xã hội quan tâm, Nghị quyết 29 cũng xác định đổi mới thi cử là
khâu đột phá để lan tỏa sang các khâu khác trong đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là khâu làm xã hội bức xúc nhất, bất
cập nhất.
“Chúng ta có quá nhiều kỳ thi. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT hình
thức và không trung thực nên nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết. Thi
vào ĐH, CĐ quá căng thẳng dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ, sau khi
thi đỗ ĐH thì học sinh có tâm lý buông lơi. Câu hỏi đặt ra làm thế nào
để có một kỳ thi trung thực khách quan, đánh giá toàn diện và tuyển sinh
vào ĐH không quá căng thẳng ở mức không cần thiết”, Phó Thủ tướng nêu
vấn đề và cho biết nhiều nước đã “giải bài toán” này bằng nhiều cách
khác nhau.
Có nhiều nước tổ chức kỳ thi hình thức đánh giá năng lực như ĐH quốc
gia Hà Nội đã thực hiện; tổ chức thi tự luận hoặc thi trắc nghiệm, nhưng
đa số thi quy mô lớn là trắc nghiệm.
Nói về lý do chưa thể tổ chức ngay một kỳ thi trắc nghiệm đơn giản
như các nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không thể thay đổi đột
ngột với học sinh và phụ thuộc cả quá trình đổi mới trong giảng dạy, học
liệu, phương thức…
Phó Thủ tướng ví dụ về quá trình đổi mới thi cử giống như việc sửa
một ngôi nhà. Lý tưởng nhất là chúng ta xây một ngôi nhà mới trên mảnh
đất cũ nhưng lại không có chỗ ở khác nên vẫn phải ở đó để con cháu học
hành, sinh hoạt, vẫn tiếp tục sửa nhà, phải qua nhiều bước. Nhìn lại quá
trình đổi mới thi cử thì từ năm 2015 tốt hơn trước đó rất nhiều, năm
2016 tốt hơn nữa và năm 2017 có những đổi mới rất căn bản về phương thức
thi theo trắc nghiệm. Bộ GD&ĐT đã ghi nhận ý kiến của học sinh,
sinh viên, giáo viên, chuyên gia và cũng khẳng định sẽ tiếp tục lắng
nghe dư luận để ra đề bảo đảm kỳ thi sẽ trung thực, đơn giản, bớt áp lực
hơn cho xã hội.
Phó Thủ tướng cho biết thêm mặc dù tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là
thẩm quyền của Bộ GD&ĐT nhưng Chính phủ cũng đã bàn vì đây là vấn đề
liên quan đến toàn xã hội.
“Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT chỉ đạo công bố ngay đề mẫu sau
khi có phương án thi trắc nghiệm năm 2017 và sẽ phải ra thêm 2 đề mẫu
điều chỉnh căn cứ trên những phản hồi của dư luận”, Phó Thủ tướng nói và
khẳng định: Thi trắc nghiệm hay tự luận không có phương pháp nào là
toàn diện. Một môn thi có thể soạn dưới trắc nghiệm tự luận, ba môn cũng
có thể và như thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như
nhiều nước khác thì một bài thi có thể tích hợp tất cả nội dung kiến
thức bậc học phổ thông. Vấn đề nằm ở trình độ ra đề, vốn đã được Bộ
GD&ĐT chuẩn bị hơn 10 năm và ĐH quốc gia Hà Nội đã được chỉ đạo thí
điểm 2 năm qua. Kết quả phổ điểm cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tin
tưởng được bằng sự tập hợp nỗ lực của ngành giáo dục sẽ có một kỳ thi
trung thực, khách quan, rất nhẹ nhàng.
Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội có ý kiến kết luận và Bộ trưởng Bộ
GD&ĐT cam kết sớm ban hành đề án ổn định thi sau cùng là như thế
nào, từ bây giờ đến lúc đó qua bao nhiêu lần thay đổi.
“Giống việc sửa một ngôi nhà trong một số năm thì nhân dân rất muốn
biết cuối cùng ngôi nhà đó như thế nào. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ
GD&ĐT sớm ban hành đề án, muộn nhất là trước kỳ thi THPT quốc gia
2017 để không chỉ chuẩn bị cho kỳ thi năm 2018 mà cho những năm tiếp
theo”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với việc tuyển sinh của các trường ĐH, Phó Thủ tướng khẳng định
theo Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ hoàn toàn, vì vậy,
không thể tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia. Ngược lại nếu tổ
chức một kỳ thi THPT tốt, khách quan, có sự phân hóa tương tự kết quả kỳ
thi của ĐH Quốc gia Hà Nội thì đa phần các trường ĐH sẽ dùng kết quả
này để tuyển sinh ĐH.
Nâng chất lượng đầu vào chỉ là một phần, quan trọng là phải đổi mới giảng dạy, kiểm định chất lượng ĐH.
Cử giáo viên đi tiếp khách là rất không tốt
Gửi lời chúc mừng và tri ân tới tất cả các thầy cô giáo, nhất là
những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhân ngày 20/11,
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt chia sẻ với những ý kiến của ĐBQH cũng
như nhân dân liên quan đến vụ việc của các cô giáo ở Hà Tĩnh bị buộc đi
tiếp khách.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là một vụ việc rất không tốt, không chỉ
với giáo viên mà tất cả cán bộ, nhân viên nữ. Nếu chúng ta không có
những thái độ kiên quyết sẽ có những biểu hiện manh nha khác. Ví dụ có
một vài cơ quan đến ngày lễ, ngày kỷ niệm thì yêu cầu cán bộ nhân viên
nữ đứng ra làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết. Cái này
chúng ta phải chấn chỉnh cho thực chất./.
Theo Chinhphu.vn