Với tinh thần "Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến," toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng.
Năm thứ hai “chung sống” với dịch bệnh COVID-19, ngành văn hóa dường như đã thích ứng nhanh nhạy hơn để vượt qua rất nhiều khó khăn, giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, có dấu ấn.
Điển hình là ngành nghệ thuật biểu diễn đã triển khai rất hiệu quả nhiều chương trình nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Mô hình hoạt động biểu diễn Nhà hát online đã phát 10 số với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” trên các kênh YouTube và nền tảng mạng xã hội.
Đó là báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ngày 6/1. Hội nghị được tổ chức theo hình thức thức trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều dấu ấn trong một năm vượt khó
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, các đoàn nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 50 chương trình, 382 buổi biểu diễn. Một số đơn vị nghệ thuật tại các tỉnh thành đã chuyển đổi hình thức biểu diễn trực tiếp thành sân khấu online, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng và phát sóng trên truyền hình, livestream trên các kênh fanpage, các kênh truyền hình trong nước.
Thứ trưởng nhận định đó là điểm khác biệt nổi bật trong bối cảnh đại dịch kéo dài sang năm thứ hai và tiếp tục diễn biến phức tạp với đợt bùng phát lần thứ tư trên quy mô toàn cầu, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn năm 2020.
“Với tinh thần ‘Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến,’ toàn ngành đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2021,” ông Đông cho biết.
Không chỉ ngành nghệ thuật biểu diễn có sự chuyển hướng, thích ứng hiệu quả với dịch COVID-19, mà ngành thư viện, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hoạt động triển lãm… cũng có nhiều sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng khách đến các điểm di tích, bảo tàng trên cả nước trong năm 2021 đều sụt giảm từ 85-90% so với năm 2019. Song, nhiều đơn vị đã đổi mới sáng tạo hình thức hoạt động, tổ chức chương trình tham quan thực tế ảo 3D, trưng bày trực tuyến để phục vụ khách tham quan từ xa.
Tích cực số hóa
Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương đóng góp của ngành văn hóa, trong năm 2021.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt nhiều chiến lược, chương trình hành động. Sự phối hợp giữa Bộ với các cơ quan, địa phương khác cũng rất nhịp nhàng, đồng bộ nhất là trong việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Triển lãm quốc tế EXPO Dubai 2020...
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại cần có hướng giải quyết phù hợp trong năm 2022. Cụ thể là vấn đề bản quyền liên quan đến Quốc ca. Theo ông Vũ Đức Đam, ngoài việc rà soát các quy định thì Bộ cần thực hiện thu âm nhiều bản phối khí khác nhau.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bộ và các địa phương phải có tiếng nói mạnh mẽ, nghiêm túc hơn bởi di tích văn hóa mà phá đi là không bao giờ có lại được...
Phó Thủ tướng cho rằng việc vô cùng cần thiết là phải tích cực thực hiện là số hóa trong từng lĩnh vực như di sản, bảo tàng, du lịch...
“Năm 2022, ngành phải đẩy mạnh số hóa, tạo được bước tiến mạnh mẽ bởi đây là việc tất yếu. Thế giới đã làm rất mạnh mẽ và thành công, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ đó,” Phó Thủ tướng nói.
Với du lịch, Phó Thủ tướng đánh giá năm 2021 là năm vô cùng khó khăn nhưng những người làm du lịch đã nỗ lực vượt lên. Năm 2022, ngành du lịch cần chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn để mở cửa du lịch.
“Thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch tạm dừng hoạt động để đổi mới thì bây giờ là lúc cấp tập rà soát lại để chuẩn bị, đưa công nghệ vào du lịch để không chỉ là mở cửa đón khách đơn thuần mà còn là thay đổi cách thức quản lý du lịch bằng công nghệ,” ông nói.
Ngoài ra, năm 2022, Việt Nam cũng sẽ tổ chức SEA Games. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục chuẩn bị cho tốt, để tổ chức đại hội thể thao chu đáo, đàng hoàng.
“Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, chúng ta đã thấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy, nhân lên mạnh mẽ. Vậy thì chúng ta phải giữ gìn, phát huy được những điều tốt đẹp đó ngay cả khi dịch được đẩy lùi... Tôi mong rằng ngành văn hóa kế thừa kết quả, thành tựu của năm qua, nhiệm kỳ qua, để tạo ra bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới,” Phó Thủ tướng đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ tiếp tục quán triệt những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề văn hóa, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư đề cập đến việc nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di sản, di tích, xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình.
Toàn ngành sẽ tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa, tạo môi trường văn hóa từ cơ sở, chọn mô hình điểm rồi nhân rộng. Bởi mỗi địa bàn đều có đặc thù, dấu ấn, bản sắc riêng nên các địa phương cần có tiêu chí gia đình văn hóa, khu phố văn hóa phù hợp để có chỉ tiêu phấn đấu.
Để có thể làm được như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện thể chế, cụ thể là dự thảo Luật Điện ảnh; quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Quảng cáo đồng thời hoàn thiện Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030; Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; Đề án xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam và một số chương trình nghệ thuật đỉnh cao…/.
Theo Vietnam+