Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, mối quan hệ với Liên Xô (nay là Liên bang Nga) là hết sức đặc biệt. Đó là mối quan hệ tin cậy dù trải qua không ít sóng gió, thăng trầm. Tuy về mặt ngoại giao, mối quan hệ này được chính thức xác lập từ ngày 30/1/1950 nhưng trước đó, những kết nối tư tưởng và văn hóa giữa hai quốc gia đã được đặt nền móng qua hai nguồn mạch chính: những người cộng sản tìm đường cứu nước và quy luật giao lưu văn hóa(1).
Ở nguồn mạch thứ nhất, ngay từ những năm đầu thế kỉ XX, trong thời gian làm thợ ảnh tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã đọc L.Tolstoy và Người tự nhận mình là “học trò nhỏ” của nhà văn Nga vĩ đại. Cũng ở Paris, Nguyễn Ái Quốc bị thuyết phục bởi Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin in trên báo Nhân đạo Pháp tháng 7/1920. Tiếp theo Nguyễn Ái Quốc, những nhà cách mạng Việt Nam theo học tại Đại học Phương Đông (1923 - 1930) chính là những người tiếp xúc sớm nhất với văn học và văn hóa Nga. Về sau, đây sẽ là nguồn mạch chính, khi ý thức hệ marxism được truyền bá vào Việt Nam, kéo theo đó là sự xâm nhập mạnh mẽ của tư tưởng văn học marxism qua các bài viết của Hải Triều và nhóm nghệ thuật vị nhân sinh trong thập niên ba mươi của thế kỉ XX.
Nguồn mạch thứ hai nằm trong logic của tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, về thực chất, là quá trình dịch chuyển từ khu vực ra thế giới, mà biểu hiện cụ thể và trực tiếp là giao lưu văn hóa Đông - Tây. Trong hình dung của giới nghệ sĩ, trí thức chịu ảnh hưởng Tây học Việt Nam đầu thế kỉ XX, văn học Nga là một bộ phận của văn học phương Tây cần được tiếp thu, học tập. Tuy nhiên, do rào cản ngôn ngữ, việc truyền tải văn học Nga vào Việt Nam giai đoạn này chủ yếu được thực hiện qua tiếng Pháp và tiếng Trung. Bên cạnh những công trình dịch thuật, giới thiệu, trong lĩnh vực sáng tác, một số nhà văn cũng thừa nhận họ đã từng chịu ảnh hưởng (mà trước hết là mô phỏng, phóng tác) văn học Nga như trường hợp Hồ Biểu Chánh, Vũ Bằng...(2)
Giao lưu văn học Việt - Nga được phát triển mạnh từ sau 1945, khi thiết chế xã hội cũng như thiết chế văn hóa Việt Nam và Liên Xô đều vận hành trong quỹ đạo của hệ tư tưởng marxism. Ngay trong thời kì kháng chiến chống Pháp, lượng tác phẩm văn học Nga được dịch khá nhiều. Thi phẩm Đợi anh về của K.Simonov (Tố Hữu dịch qua bản tiếng Pháp) đã trở thành một hiện tượng văn học nổi bật và được nhiều người yêu thích.
Từ khi Hiệp định hợp tác văn hóa Xô - Việt được kí kết (1957) cho đến giữa những năm 1980 được coi là thời hoàng kim của văn học Nga Xô-viết ở Việt Nam. So với các quốc gia khác, số lượng ấn phẩm văn học Nga Xô-viết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam nhiều hơn hẳn. Không chỉ lĩnh vực văn học mà hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa, hội họa, điêu khắc… đều được quan tâm. Có thể lí giải cho hiện tượng bùng nổ này qua các lí do chính sau đây:
Thứ nhất, trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam, Liên Xô là nước ủng hộ Việt Nam nhiều nhất, toàn diện nhất. Nếu Liên Xô được coi là “thành trì” của phe xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam được coi là “tiền đồn” chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Cuộc chiến tranh Việt Nam vừa là biểu hiện sinh động của phong trào đấu tranh dân tộc, vừa là nơi trực tiếp diễn ra sự đối đầu giữa hai ý thức hệ. Mối quan hệ toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam giai đoạn này chính là nền tảng để thúc đẩy giao lưu văn hóa, trong đó có việc giới thiệu và quảng bá văn học.
Thứ hai, sự tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa, văn học Nga đối với Việt Nam, về bản chất, là tiếp nhận, ảnh hưởng mang tính tự nguyện, khác hẳn với sự áp đặt/ cưỡng bức văn hóa. Nó xuất phát từ niềm tin chân thành về một nước Nga “thiên đường” của đông đảo người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Cho dù trong thời điểm hiện nay, có thể có người coi đó là niềm tin “ngây thơ” nhưng phải thừa nhận niềm tin ấy đã từng hiện lên như một sự thật lịch sử.
Thứ ba, cùng với sự mở rộng các mối quan hệ, tiếng Nga trở thành ngoại ngữ quan trọng nhất trong các trường học và giao dịch quốc tế. Văn học Nga chiếm một thời lượng lớn trong học đường. Đây chính là môi trường hết sức thuận lợi để văn học Nga gieo vào nhiều thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu đất nước, con người, văn hóa Nga.
Thứ tư, đông đảo trí thức, nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở Nga chính là đội ngũ chuyển tải, giới thiệu văn học Nga vào Việt Nam một cách hiệu quả. Rất nhiều người sau thời gian học tập và sinh sống ở Nga đã tự nguyện coi nước Nga là quê hương thứ hai của họ. Nhiều học giả, nghệ sĩ Nga cũng đến Việt Nam để tìm hiểu văn hóa và văn học Việt Nam. Chính từ những nhịp cầu văn hóa này mà dần hình thành một đội ngũ dịch giả và đội ngũ Nga học khá đông đảo. Đó là Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Đăng Bảy, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Hải Hà, Vũ Thế Khôi, Lê Đức Mẫn, Phan Hồng Giang, Đào Tuấn Ảnh, Nguyễn Huy Hoàng... Đồng thời, các nhà Việt Nam học người Nga cũng coi nghiên cứu văn học và văn hóa Việt Nam là niềm say mê suốt đời họ như N.Nikulin, Marian Tkachev, T.Filimonova, V.Sokolov... Bằng tất cả sự nhiệt tình, các nhà Nga học và Việt Nam học đã có nhiều đóng góp quan trọng cho mối giao lưu văn hóa nồng thắm giữa hai nền văn học trong nhiều thập kỉ.
Giao lưu văn hóa là mối tương tác hai chiều, trong đó phải thừa nhận ảnh hưởng của văn học Nga đến văn học Việt Nam là vô cùng to lớn. Điều này có lí do của nó: văn học Nga, đặc biệt giai đoạn “thế kỉ vàng”, “thế kỉ bạc”, là nền văn học hàng đầu thế giới với những đại thụ như A.Pushkin, M.Lermontov, I.S.Turgenev, L.Tolstoy, F.Dostoievsky, N.Gogol, A.Chekhov, M.Gorky, A.Blok, Yesenin, I.A.Bunin… Đến nay, hầu hết những kiệt tác văn học Nga nổi tiếng thế giới đã được dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ. Tiếp xúc với những tác phẩm văn học kinh điển Nga, người đọc Việt Nam cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn và tính cách Nga. Đó chính là những nhân tố sâu xa thắp lên tình yêu nước Nga xa xôi dù rất nhiều người trong số họ chưa một lần đặt chân đến xứ sở bạch dương. Đồ sộ và tinh tế, đôn hậu và nhân văn, đa dạng về thi pháp nghệ thuật… là những nhân tố cơ bản khiến cho nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam ngưỡng mộ và học tập. Bên cạnh văn học Nga cổ điển, nhiều sáng tác nổi bật trong văn học Nga thời Xô-viết cũng được giới thiệu rộng rãi và được đón nhận nồng nhiệt. Tình yêu tổ quốc, những hình tượng nghệ thuật nói về tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng cách mạng… chính là những chủ đề mang tính giáo dục cao. Đây là sự cộng hưởng mang tính “thời sự” rõ nét giữa văn học Việt Nam thời chiến và văn học Nga thời Xô-viết. Bởi thế, sáng tác của những nhà văn tiêu biểu trong thời đại Xô-viết đã ảnh hưởng đến nhiều người viết lẫn người đọc Việt Nam. Đó là trường hợp M.Gorky, V.Mayakovsky, M.Sokolov, Fadeev… Trong số các tiểu thuyết Nga thời Xô-viết, Thép đã tôi thế đấy của N.Ostrovsky đã trở thành sách gối đầu giường của thế hệ trẻ bởi sức hấp dẫn của lí tưởng cách mạng, sống cao đẹp, tâm hồn trong sáng toát lên từ nhân vật chính Paven Corsaghin. Bên cạnh tính sử thi mãnh liệt, những sắc thái trữ tình và say đắm trong văn học Nga cũng tạo ảnh hưởng lớn, đặc biệt là sáng tác của K.Paustovsky, Olga Berggolts… Văn học thiếu nhi Nga cũng được bạn đọc Việt Nam yêu thích, trong đó đáng chú ý là bộ ba tự thuật của M.Gorky, Cánh buồm đỏ thắm của A.Grin… Nhà xuất bản Kim Đồng trở thành chiếc cầu nối hết sức hiệu quả để dịch và giới thiệu sách cho bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Sau này, trong bối cảnh lịch sử văn hóa mới, nếu những tác phẩm văn học quá đậm tính thời sự trong thời đại Xô-viết không còn hấp dẫn thế hệ trẻ, nhất là những người chưa từng trải qua chiến tranh, thì những kiệt tác như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina của L.Tolstoy, Tội ác và trừng phạt, Những kẻ tủi nhục của F.Dostoevsky, thơ của A.Pushkin, A.Blok, S.Yesenin… vẫn được yêu mến và ngưỡng mộ. Đó cũng là quy luật và sự tồn tại bất chấp thời gian của những kiệt tác văn học.
Cũng cần nói thêm rằng, nếu ở miền Bắc Việt Nam từ 1945 - 1975 văn học Nga được dịch và giới thiệu nhiều vì có sự gần gũi về ý thức hệ và mối quan hệ “anh em” trong phe xã hội chủ nghĩa, thì ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 văn học Nga vẫn được dịch và giới thiệu với sự góp sức của nhiều dịch giả như Nguyễn Hiến Lê, Tràng Thiên (Võ Phiến)… Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, đặc biệt văn hóa Mĩ, việc giới thiệu văn học Nga Xô-viết ở các đô thị miền Nam Việt Nam, tuy không nhiều, đã góp phần tạo nên sự đa dạng của đời sống văn học. Lí giải về điều này, có thể nghĩ đến ba lí do cơ bản: thứ nhất, đó là một hình thức để “hiểu Liên Xô” qua ngả đường văn học; thứ hai, tìm đến cảm giác “lạ” trong thực đơn tinh thần; thứ ba, khả năng “hữu xạ tự nhiên hương” của văn học Nga, đặc biệt văn học thế kỉ XIX với hai nhân vật khổng lồ là L.Tolstoy và F.Dostoevsky(3). Sự khác biệt trong tiếp nhận văn học Nga ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu khi nó chịu sự quy định của điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau(4).
Không chỉ ảnh hưởng về sáng tác mà ảnh hưởng về lí luận, phê bình văn học Nga Xô-viết ở Việt Nam cũng rất đậm nét, đặc biệt ở miền Bắc. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, những tư tưởng văn nghệ marxism và lí luận văn học Nga Xô-viết đã bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam (chủ yếu qua tiếng Pháp) ở những mức độ khác nhau. Sau 1945, ảnh hưởng này ngày càng sâu sắc, đặc biệt là phản ánh luận, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và các phạm trù tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân… Việc tiếp thu lí luận Nga Xô-viết ở Việt Nam bao gồm cả hai bộ phận chính thống và phi chính thống. Nếu như lí luận, phê bình văn học chính thống có tính chất “định hướng” và phục vụ trực tiếp cho đường lối văn học nghệ thuật cách mạng thì lí luận, phê bình phi chính thống ảnh hưởng và du nhập khó hơn nhiều. Điều đó có thể thấy rõ qua sự truyền dẫn và ứng dụng các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hình thức Nga, lí luận của M.Bakhtin, hình thái học của V.Propp, kí hiệu học của trường phái Tatu... Tuy nhiên, theo thời gian, hàm lượng khoa học của bộ phận lí luận văn học phi chính thống tỏ ra ưu trội hơn bởi nó đã sớm thoát khỏi giáo điều, quy phạm. Ảnh hưởng của bộ phận này có thể thấy rõ trong các công trình nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn học đã từng có thời gian tu nghiệp ở Nga như Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Huỳnh Như Phương… Sự khác biệt trong tiếp nhận những tư tưởng học thuật này có thể coi là một hiện tượng thú vị nếu quan sát chúng từ mối quan hệ trung tâm và ngoại biên.
Ở chiều ngược lại, với sự góp sức của đội ngũ dịch giả người Nga và người Việt, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã được dịch sang tiếng Nga, trong đó có những tác phẩm có giá trị lớn như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, thơ Hồ Xuân Hương, sáng tác của Nguyễn Dữ… Sự tương tác hai chiều của mối giao lưu văn hóa Việt - Nga giai đoạn này khá nhanh và hiệu quả. Nếu vào đầu năm 1960, Nhật kí trong tù được dịch (từ chữ Hán) sang tiếng Việt thì tháng 9/1960, tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Nga. Đặc biệt, bộ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập và sáng tác của một số nhà văn Việt Nam hiện đại được dịch sang tiếng Nga đã giúp bạn đọc Nga hiểu Việt Nam sâu sắc hơn.
Vào những năm Liên Xô bước vào cải tổ, cảm hứng perestroika từ nước Nga đã tác động lớn đến khát vọng đổi mới ở Việt Nam, đặc biệt là thái độ nhận thức lại lịch sử, soát xét lại các tương quan giá trị, loại bỏ các giáo điều. Đây là thời kì nhiều tác phẩm có thời bị cấm đoán ở Liên Xô được xuất bản và nhanh chóng chuyển ngữ sang tiếng Việt, trong đó đáng chú ý là Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak, Những đứa con phố Arbat của Anatoli Rybakov, Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov, Truyện ngắn của Ivan Alekseyevich Bunin… Việc bạn đọc Việt Nam háo hức đón nhận các tác phẩm vừa kể trước hết xuất phát từ sự tò mò về số phận long đong của chúng cũng như người sáng tạo ra chúng, sau nữa, quan trọng hơn, họ tìm thấy sự mới mẻ trong các tác phẩm này. Tâm thế tiếp nhận ấy chỉ có thể có được trong bối cảnh dân chủ xã hội được tôn trọng, tinh thần nhận thức lại lịch sử được ý thức sâu sắc và cách tiếp cận mới về văn học được thừa nhận.
Bước sang thời kì hậu Xô-viết, mối quan hệ giữa hai nước Việt - Nga có nhiều thay đổi kéo theo sự sút giảm trong giao lưu văn hóa và văn học. Văn học Nga chỉ được xuất bản cầm chừng. Diện người đọc bị thu hẹp. Văn học đương đại Nga gần như vắng bóng ở Việt Nam. Chiều ngược lại cũng hết sức khiêm tốn. Điều may mắn là ở chỗ, dù văn học Nga không còn ở vị thế thượng phong, nhưng nó vẫn được giảng dạy trong nhà trường ở Việt Nam. Nhiều kiệt tác văn học Nga vẫn được xuất bản, tái bản và vẫn còn đó một lượng độc giả yêu thích văn học Nga. Họ trước hết là những người đã từng có thời gian sống và làm việc ở Nga, coi văn học và văn hóa Nga là một phần không thể thiếu trong hành trang tinh thần của họ.
Ở Việt Nam từ sau 1986, văn học Âu - Mĩ và Trung Hoa ngày càng lấn lướt, chiếm thị phần lớn trong văn học đương đại. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Việt Nam năm 2012 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, mối giao lưu văn học Việt - Nga bắt đầu vượt qua thời trầm lắng. Dù không thể trở lại thời hoàng kim như đã từng có, nhưng chủ trương tăng cường mối giao lưu văn học giữa hai nước là hết sức cần thiết trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, nhất là khi mối quan hệ Việt - Nga đã từng xây đắp được nền móng vững chãi. Trong mấy năm gần đây, giao lưu văn học đã được xúc tiến hiệu quả với sự ra đời của Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga và sự đóng góp tích cực của các dịch giả, các nhà nghiên cứu đến từ phía Cộng hòa Liên bang Nga và Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng vì sự phát triển của mỗi nền văn học. Nó đem đến cho chúng ta niềm hi vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn của văn học Việt Nam và văn học Nga trong bối cảnh lịch sử mới./.
Nguyễn Đăng Điệp
___________________
(1) Theo dịch giả Thúy Toàn, những tiếp xúc đầu tiên với văn học Nga có thể kể đến: 1) Cuộc gặp gỡ giữa vua Hàm Nghi và nữ nhà văn, dịch giả Nga Tatiana Lvovna Shchepkina-Kupernik vào đầu thế kỉ XX nhân chuyến đi thăm Algérie của bà. Sau chuyến đi này, nữ văn sĩ đã cho công bố chùm truyện kí Những lá thư từ phương xa, trong đó có truyện ngắn Hoàng tử Lý Tông với nhân vật chính là vua Hàm Nghi; 2) Nguyễn Ái Quốc đọc L.Tolstoy trong những năm đầu thế kỉ XX khi Người làm thợ ảnh ở Paris; 3) Báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu in bản dịch Phục sinh (từ số 9 ra ngày 10/8/1927 đến số cuối cùng ra ngày 30/5/1928)... Đáng chú ý là trong lần gặp Nguyễn Ái Quốc tại Moscow năm 1923, Osip Mandelstam nhìn thấy “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa, không phải thứ văn hóa châu Âu, mà có lẽ đó là văn hóa của tương lai” (dẫn theo Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2010, t.III, tr.229).
(2) Rõ nhất là trường hợp Người thất chí (1938) của Hồ Biểu Chánh phóng tác Tội ác và hình phạt của F.Dostoevsky; Em ơi đừng tuyệt vọng của Vũ Bằng phóng tác Đêm trắng của F.Dostoevsky…
(3) Ảnh hưởng văn học Nga vào miền Nam Việt Nam (1954 - 1975) có thể tham khảo qua các nghiên cứu của Huỳnh Như Phương, Trần Thị Phương Phương, đặc biệt là các chuyên khảo: Văn học Nga tại đô thị miền Nam 1954 - 1975 của Phạm Thị Phương và Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt Nam của Trần Thị Quỳnh Nga…
(4) Chẳng hạn, trước năm 1975, Liên Xô có bốn nhà văn đoạt giải Nobel: I.Bunin (1933), B.Pasternak (1958), M.Sholokhov (1965) và A.Solzhenitsyn (1970). Trong số bốn nhà văn này, miền Bắc Việt Nam chỉ giới thiệu một người là M.Sholokhov, còn miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 đã giới thiệu cả bốn tác giả. Riêng sáng tác của I.Bunin thì mãi đến những năm 1980 mới được dịch ở Việt Nam (xem thêm: Phạm Thị Phương: Nhà văn Nga trong sự tiếp nhận của độc giả trí thức miền Nam 1945 - 1975, vanhoanghean.com.vn).
(Nguồn: vannghequandoi.com.vn)