Thứ Tư, 25/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 23/9/2011 23:11'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ phải dài hơi, nâng cao tính ứng dụng

 Phó Thủ tướng biểu dương UBND thành phố đã ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ nhằm đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng thể chế, chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2020. Phó Thủ tướng cho rằng: giảm nhu cầu vốn bằng con đường khoa học công nghệ mới là lâu dài; cần phải nâng đóng góp của khoa học công nghệ lên hàng đầu, tiếp đến mới là năng suất lao động và vốn; giải pháp công nghệ và sản phẩm phải hữu ích với xã hội; muốn đổi mới được công nghệ thì phải xác định sản phẩm đi theo đúng nhu cầu thị trường, phải dự báo sản phẩm đúng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: sau khi định hướng sản phẩm, có nhu cầu thị trường thì mới định hướng công nghệ, trên cơ sở đó lựa chọn công nghệ, chọn mua thiết bị và tiếp tục hoàn thiện công nghệ qua thực tiễn; danh mục các sản phẩm công nghệ của Hà Nội phải mang tính chủ lực, trong số đó chọn lọc một số làm sản phẩm quốc gia.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác và đại diện các sở, ngành, lãnh đạo UBND thành phố đã cùng trao đổi, làm rõ thêm các mô hình đơn vị nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiêu biểu; việc quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ; đánh giá về kết quả đề tài, dự án; những khó khăn trong việc thanh quyết toán kinh phí, chế độ thù lao cho người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quy hoạch sử dụng nguồn ngân sách bố trí cho lĩnh vực này… Hà Nội cũng lý giải việc không sử dụng hết nguồn ngân sách bố trí hàng năm cho lĩnh vực khoa học công nghệ là do yêu cầu đưa ra cho các đề tài chưa phù hợp, không thực hiện được.

Hà Nội đề xuất 17 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển thành sản phẩm quốc gia, trong đó tập trung nghiên cứu, thiết kế trung tâm gia công khuôn mẫu công nghệ cao với phần mềm đồng bộ; xây dựng ngành thiết kế, sản xuất ô tô điện tiết kiệm năng lượng, ô tô tải, ô tô chở người 5 – 7 chỗ có tỷ lệ nội địa hóa cao; chế tạo hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy phát điện sử dụng năng lượng gió… Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu, thiết kế tích hợp hệ thống tự động hóa tòa nhà, hệ thống kiểm soát vé và báo chặng cho giao thông công cộng, hệ thống mạng tự động điều khiển giao thông, thoát nước của thành phố; phát triển công nghiệp phần mềm thành công nghiệp chủ lực sản xuất, gia công các phần mềm phục vụ kinh tế - xã hội và xuất khẩu…

Đối với đề xuất của Hà Nội về cơ chế phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố giai đoạn 2011 – 2020, Phó Thủ tướng cho rằng: cần có cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần xem xét việc phê duyệt, giao đề tài và tài chính, từ đó đổi mới cơ chế tài chính, sử dụng đồng tiền hiệu quả.

Về công việc sắp tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà nước phải giao nhiệm vụ kế hoạch rõ hơn nữa trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Người đứng đầu thành phố hàng năm phải tổ chức gặp gỡ giới khoa học, công bố những đặt hàng của thành phố và giao nhiệm vụ cụ thể, đi kèm với đó là công khai những chính sách khuyến khích họ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Gợi ý về một mô hình gặp gỡ “3 nhà” để cung- cầu gặp nhau, Phó Thủ tướng đề nghị bên cạnh hình thức tổ chức chợ công nghệ quốc gia, gặp mặt giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp hàng năm, một công cụ hết sức quan trọng khác là xây dựng chợ công nghệ trên mạng. Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội nghiên cứu làm trang thông tin điện tử để người có nhu cầu thiết bị công nghệ mới nạp thông tin; người có nhu cầu chào hàng, bán hàng có thể gặp gỡ, giao dịch trên mạng. Các nhà khoa học chỉ cần click chuột là đã biết nhà doanh nghiệp cần gì, có như vậy tốc độ giao dịch mới tăng lên, cung là thật và cầu là từ các phía.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu, giúp Chính phủ có phương cách hữu hiệu trong việc tranh thủ chất xám của các nhà khoa học từ 60 tuổi trở lên, tránh lãng phí nguồn lực, bởi Hà Nội là nơi tập trung nhiều giáo sư nhất. Qua thực tiễn này sẽ giúp Chính phủ khái quát được việc sử dụng nguồn lực để sửa đổi các chính sách cho phù hợp.

Một yêu cầu nữa được Phó Thủ tướng đặt ra với Hà Nội là tăng cường giám sát năng suất lao động của ngành nông nghiệp và cơ khí, giám sát về không khí, nước thải, môi trường, hạn chế dần việc chôn lấp rác thải mà thay vào đó là ứng dụng khoa học công nghệ mới để biến rác sinh hoạt thành những sản phẩm hữu ích. Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng Chính phủ điện tử.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn thừa nhận: hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển của Hà Nội còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh của Thủ đô, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và công tác quản lý còn yếu. Nguyên nhân chính bắt đầu từ nhận thức của người đứng đầu các cơ quan chưa thực sự sâu sắc, chưa thấy rõ vai trò của khoa học nên trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa triệt để. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng chưa đủ độ để khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tế.

Báo cáo của UBND thành phố cho biết, Hà Nội thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đối với hoạt động khoa học và công nghệ; từ năm 2006 – 2010 đã có 54 đơn vị là các sở, ngành, trung tâm, chi cục, viện thuộc thành phố tham gia nghiên cứu 242 đề tài, dự án. Các đề tài, dự án được triển khai nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực, sản phẩm có hàm lượng khoa học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao.

Thành phố đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ với 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Trong 5 năm (2006 – 2010), ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố đạt gần 1.740 tỷ đồng, tăng từ 174,7 tỷ đồng vào năm 2006 lên trên 646 tỷ đồng vào năm 2010, gấp 3,7 lần.

Công tác quản lý về công nghệ trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. 5 năm qua, 162 hồ sơ dự án đầu tư đã được thẩm định công nghệ, trong đó có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao như các công trình nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long – Vân Trì, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn, dự án nạo vét thí điểm hồ Hoàn Kiếm… Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật; cấp mới giấy chứng nhận hoạt động khoa học công nghệ cho 136 tổ chức, cấp giấy đăng ký cho 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên trên địa bàn.

Các hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra, kiểm tra ngày càng được chú trọng triển khai và đem lại hiệu quả cao. Nổi bật là việc triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho tranh thêu Thường Tín, rau hữu cơ Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nhãn chín muộn Hoài Đức, nón chuông Thanh Oai… Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành diễn tập ứng phó sự cố phóng xạ hạt nhân.

Giai đoạn 2011 – 2015, thành phố tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến phục vụ quản lý nhà nước; đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng vào lĩnh vực công nghiệp, đảm bảo các hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế; phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn và các sản phẩm ưu tiên thuộc các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới; giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng về quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, đô thị, làng nghề…/.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất