Chủ Nhật, 21/7/2013 13:23'(GMT+7)
Đồng Tháp: Hạ tầng giao thông nông thôn bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới
Kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng nông thôn mới, trên lĩnh
vực xây dựng hạ tầng giao thông ở tỉnh Đồng Tháp đã có 10 xã đạt tiêu
chí 2 về giao thông nông thôn; trong đó, huyện Tháp Mười thực hiện tốt
công tác này.
Hạ tầng giao thông nông thôn bền vững là tiêu chí
chủ lực của tỉnh được các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh quan tâm
hàng đầu. Hiện toàn tỉnh đã kiên cố hóa hơn 420 km đường giao thông nông
thôn phù hợp với tiêu chuẩn của tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng 223
cầu nông thôn các loại với tổng chiều dài 3.237m và xây dựng 855 cống.
Đây là kết quả của việc thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng
làm”. Điển hình như ông Mai Văn Đâu thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò,
tham gia công tác từ thiện xã hội đã vận động các nguồn lực xây dựng
trên 50 cây cầu ván, 79 cầu bê tông và gần 50km đường giao thông nông
thôn. Cụ ông Phan Văn Giảng (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) mặc dù đã
trên 80 tuổi nhưng vẫn lặn lội vận động được trên 100 triệu đồng để sửa
chữa cầu, đường. Hay như cụ bà Huỳnh Thị Chuyên ở xã Bình Thạnh, huyện
Cao Lãnh trên 70 tuổi, hàng ngày bán từng cuộn lá chuối, mớ rau để dành
dụm góp phần xây dựng cầu đường nông thôn mới…
Hàng năm, từ
nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào phát
triển hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh
tế. Tính đến nay, Đồng Tháp đã có 15 tuyến đường tỉnh được đầu tư đưa
vào phục vụ với tổng chiều dài trên 356 km và 172 cầu. Các tuyến đường
như: ĐT.841 nối thị trấn Hồng Ngự với cửa khẩu quốc tế Thường Phước và
Quốc lộ 30; ĐT.843 nối từ thị trấn Sa Rài - huyện Tân Hồng với thị trấn
Tràm Chim huyện Tam Nông; ĐT.855 nối thị trấn Tràm Chim với Quốc lộ
30... tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn giữa các huyện với tuyến
Quốc lộ và nước bạn Campuchia, qua đó cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát
triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh. Ngoài ra, các tuyến đường nối liền hai
trung tâm kinh tế lớn của tỉnh là thành phố Cao Lãnh và Thị xã Sa Đéc;
nối khu công nghiệp Sông Hậu với Quốc lộ 80; nối khu công nghiệp Sa Đéc
với các cụm công nghiệp xay xát cặp kênh xáng Sa Đéc – Lấp Vò là các
tuyến đường phát triển kinh tế đắc lực của tỉnh.
Bên cạnh đó,
các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh cũng được Trung
ương đầu tư, nhằm phá thế “độc đạo, ngõ cụt” như: nâng cấp Quốc lộ 80,
54, 30 và tuyến N2 thuộc hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh, xuyên
Đồng Tháp Mười và hai công trình được đánh giá là đòn bẩy kinh tế của
Đồng Tháp là cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống dự kiến được khởi công vào
tháng 9 năm nay.
Cùng với sự phát triển tỉnh lộ, quốc lộ và sự
đóng góp tích cực của nhân dân đã góp phần xây dựng hạ tầng giao thông
mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, xe 4 bánh (ô tô) đã đến tận hầu hết các
xã trong tỉnh, góp phần quan trọng đưa công nghiệp vào nông thôn, thúc
đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa trong và ngoài tỉnh; từng bước nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn, tạo tiền đề cho
những bước xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn, xây
dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đồng
Tháp./.
Nguyễn Văn Trí (TTXVN)