Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 14/11/2018 15:53'(GMT+7)

Phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi mùa đông đến

Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ là rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch

Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ là rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch

Một số bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ

Viêm xoang cấp: Đối với trẻ nhỏ thì các yếu tố bên ngoài như virut, vi khuẩn... tác động tới cơ thể chính là những yếu tố có thể tác động tới hệ thống hô hấp của trẻ, đặc biệt chính là viêm xoang mũi cấp tính, biểu hiện dễ phát hiện của bệnh này ở trẻ chính là trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi thường chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều, nếu đã biết nói, trẻ có thể kêu nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.

Ho, viêm mũi họng do virut: Đối với trẻ mà bị bệnh do virut gây nên thì sau khi tiếp xúc với virut gây bệnh 1-2 ngày, trẻ bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Ho xuất hiện sau 4-5 ngày do họng bị kích thích. Trẻ nhỏ có thể bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh sẽ khỏi trong khoảng 5-7 ngày. Nên phát hiện và đưa trẻ đi bệnh viện sớm tránh việc có thể gây nên những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp, trẻ thường ho, sổ mũi, vì vậy việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng nhưng phải đúng cách. Cần ngâm lọ nước muối trong nước ấm, tan giá, thử giọt lên mu bàn tay thấy hơi âm ấm là có thể nhỏ mũi cho trẻ. Khi đó, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi cho trẻ, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Viêm thanh thiệt cấp: Nhóm tuổi mắc bệnh thường trong khoảng 2 - 6 tuổi, chủ yếu ở lứa tuổi lên ba. Bệnh đặc trưng là sốt cao, nuốt đau, họng ứ đọng nhiều nước bọt, nổi hạch hai bên cổ, thay đổi giọng nói, mất tiếng, ho khan hoặc ho đàm, khó thở, tư thế ngồi nghiêng về phía trước, thở rít… Bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng, trẻ có khả năng tử vong do suy hô hấp, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Viêm amidan: Đối với trẻ em khi thời tiết thay đổi thất thường hay các yếu tố tác động bên ngoài vào thì trẻ rất dễ bị mắc viêm amidan. Biểu hiện của bệnh chính là những cơn sốt tái đi tái lại, đau họng, sưng amidan, thấy xuất hiện nhiều mủ trắng nằm trong amidan. Bệnh này không khó phát hiện nếu như các bậc phụ huynh để ý tới các biểu hiện của trẻ.

Viêm phổi: Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn nhất là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đờm nhớt ở đường hô hấp, một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ, bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh

Thời tiết chuyển mùa là lúc trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong thời tiết lạnh hiện nay, quan trọng nhất là phải tìm cách giữ ấm cơ thể và bổ sung hợp lý các loại dinh dưỡng cần thiết, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch hô hấp, phòng chống bệnh hô hấp cho bé trong mùa đông.

Giữ ấm đường thở: Khu vực mũi họng là nơi tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân trong không khí như vi khuẩn, virus, bụi, khói… nên cũng là nơi dễ dàng bị kích ứng, viêm nhiễm. Để bảo vệ đường thở, cơ thể có những cơ chế tự nhiên như sinh lớp chất nhày trên niêm mạc chứa yếu tố miễn dịch tại chỗ đặc biệt là IgA, tăng sinh miễn dịch toàn thân có thể huy động đến để bảo vệ vùng mũi họng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, một số yếu tố như không khí lạnh và khô, đồ ăn uống lạnh khi đi vào đường hô hấp sẽ làm giảm tiết chất nhầy trên niêm mạc, dẫn tới giảm khả năng phòng bệnh của cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu, điều này càng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp như: viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa…nên các chuyên gia khuyên cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho bé trong mùa đông bằng các biện pháp như: mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũi kín tai, ăn uống thức ăn, đồ uống ấm. Như vậy, mẹ đã giúp bé giảm thiểu nguy cơ viêm đường hô hấp đáng kể.




Vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường: Vi khuẩn, virus tồn tại ở khắp mọi nơi, sinh sản nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh hô hấp. Vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn, cách duy nhất là phòng bệnh từng ngày bằng cách vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho bé. Với bé lớn, cần rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân kể cả khi không có cha mẹ ở bên. Cụ thể: 1) Cắt móng tay thường xuyên cho trẻ/ với trẻ lớn hơn nên tập thói quen cắt móng tay. 2) Rửa tay cho bé/ hướng dẫn bé rửa tay trước khi ăn và sau mỗi lần vận động. 3) Vệ sinh răng miệng, vệ sinh mũi họng cho bé. 4) Vệ sinh môi trường xung quanh như giường ngủ, phòng vệ sinh… và các đồ dùng thường nhật.

Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ: Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ 0-6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh, phát triển toàn diện nhất. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ. Với bé lớn, chế độ dinh dưỡng hợp lý với các loại thực phẩm đa dạng là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh bữa chính, mẹ nên cho bé ăn thêm các loại trái cây giàu sinh tố như đu đủ, dâu tây, cam,… bằng cách ăn trực tiếp hoặc nước ép lấy nước. Trong đó, cần lựa chọn nhiều loại rau củ giàu vitamin và chất xơ như cà rốt, súp lơ, cà chua, bí đỏ, rau dền,… Các loại rau củ này cũng nên được kết hợp chung với thịt, cá, trứng để bữa ăn của trẻ đầy đủ chất, giúp hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ. Các thực phẩm giàu kẽm như: hải sản, thịt bò, thịt lợn (nạc vai), nấm, rau chân vịt, ca cao, chocolate, hạt bí, các loại đậu… cũng rất có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ khi mùa đông tới.

Tiêm vắc xin: Ngoài các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, có một số loại vắc xin mà các mẹ nên bổ sung thêm cho bé để ngăn ngừa bệnh hô hấp như: Vắc xin phòng Cúm, mỗi năm tiêm 1 lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng 1 tháng để khi vào mùa vắc xin có tác dụng phòng bệnh. Lưu ý không tiêm vắc xin khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ có nhiễm cúm, hoặc đang bị các bệnh nhiễm trùng khác. Vắc xin phế cầu: phòng tránh bệnh hô hấp do phế cầu gây ra, đặc biệt là viêm phổi.

Dùng ly giải vi khuẩn hô hấp: Hỗn hợp ly giải vi khuẩn hô hấp được sử dụng để kích thích miễn dịch hô hấp, chống lại các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp tại châu Âu đã từ lâu. Tuy nhiên, dạng bào chế ngậm hoặc nhai chứa hỗn hợp vi khuẩn hô hấp mới được áp dụng trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Các loại ly giải vi khuẩn bị mất khả năng gây bệnh, chỉ giữ lại vách tế bào, đưa vào trong viên ngậm/nhai giúp kích thích cơ thể sinh miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp. Đặc biệt hỗn hợp ly giải vi khuẩn hô hấp dạng ngậm giúp kích thích sinh kháng thể IgA trên niêm mạc hô hấp do đó tăng gấp 4 lần khả năng phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt trong mùa lạnh.

MH (tổng hợp)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất