Chủ Nhật, 6/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 2/3/2012 22:0'(GMT+7)

Phòng, chống AIDS, ma túy và mại dâm: Không làm hời hợt, hình thức

 

Tại Hội nghị, báo cáo của các bộ ngành đều đánh giá, hoạt động phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, các vấn đề trên vẫn đang là thách thức lớn, ngày càng nhức nhối trong xã hội.

Tình hình buôn bán ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và hoạt động ngày càng manh động, tinh vi hơn. Bộ Công an cho biết, năm 2011 đã phát hiện, bắt giữ 18.623 vụ, 26.687 đối tượng có liên quan đến tội phạm ma túy (nhiều hơn 2.500 vụ và 3.190 đối tượng so với năm 2010), thu giữ 309,16kg + 36 bánh heroin; 76,2kg thuốc phiện; gần 7 tấn cần sa tươi và 500kg cần sa khô, 121,38kg và 365.998 viên ma túy tổng hợp.

Về tình hình dịch HIV/AIDS, tính đến ngày 31/12/2011, cả nước có 197.335 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 48.720 người ở giai đoạn AIDS. Riêng năm 2011, cả nước phát hiện thêm 14.125 trường hợp nhiễm HIV, 6.432 bệnh nhân AIDS và 2.413 trường hợp tử vong được báo cáo.

Đối với công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 14.802 trong tổng số ước tính trên 30.000 người. Công tác cai nghiện và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng đang được tiến hành cho 36.163 người nghiện ma túy, trong đó số tiếp nhận mới là 32.537 lượt người. Có 24.269 lượt người cai nghiện tại trung tâm, 8.266 lượt người cai nghiện tại cộng đồng.

Nhân rộng mô hình điều trị bằng Methadone

Qua khảo sát thực tế, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Chuyên gia của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đề nghị cần nhân rộng mô hình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Liệu pháp này đang phát huy hiệu quả, giảm chi phí và nguồn lực của Nhà nước gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm hơn. Đến nay, đã có 11 tỉnh với 41 điểm cấp phát Methadone cho 6.400 người nghiện tham gia điều trị.

GS. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Đảng đối với công tác này; gắn việc phòng, chống với xoá đói giảm nghèo ở từng địa bàn dân cư cụ thể.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV, nhất là các cháu nhỏ để có cơ hội làm việc, học tập, hoà nhập cộng đồng, có giải pháp động viên những người nhiễm nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Qua thực tiễn công tác, các đại biểu cho rằng, địa phương nào mà cấp uỷ Đảng, chính quyền nhìn nhận rõ tình hình để có biện pháp quyết liệt thì nơi đó sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được các tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, nơi nào lơi lỏng thì tình hình ngày càng phức tạp. Đặc biệt, phải kiên quyết chống bệnh thành tích, quan liêu dẫn đến không nắm rõ tình hình, số liệu báo cáo chưa sâu sát, không thống nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, nhấn mạnh những kết quả đạt được góp phần thiết thực vào thành tựu kinh tế, xã hội chung của đất nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa thật sự ổn định, bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng cho rằng, sau 4 năm triển khai thí điểm, Chương trình điều trị Methadone đạt được kết quả tốt. Thời gian tới, cần mở rộng chương trình này với mục tiêu đến năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng Methadone cho khoảng 80.000 người tại 30 tỉnh, thành, cũng như đẩy mạnh xã hội hoá chương trình này.

Huy động nguồn lực, tích cực phòng chống

Về tệ nạn và tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm có xu hướng tăng, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế; thực hiện chưa quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên; nhất là chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền còn hình thức, chưa phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Việc rà soát, báo cáo số liệu, tình hình chưa thống nhất, đầy đủ, chính xác. Tổ chức bộ máy còn yếu, phân công thiếu cụ thể, phối hợp chưa chặt chẽ…

Vì vậy, về trọng tâm công tác năm 2012, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách nghiêm túc, không qua loa, hời hợt, hình thức, tập trung vào một số nội dung lớn như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch đã đề ra; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của các cấp, các địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và phối hợp liên ngành; tăng cường huy động các nguồn lực đối với công tác này.

Đặc biệt, nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về vấn đề này để tạo nhận thức và chuyển biến mới trong toàn xã hội.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chủ đề công tác năm 2012 đối với lĩnh vực này là “Củng cố kiện toàn, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực, tích cực phòng chống”.


Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất