Bên lề Quốc hội, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh
niên, thiếu niên và nhi đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng báo cáo vẫn thiếu “địa
chỉ” tham nhũng và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
- Ông đánh
giá như thế nào về Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ vừa
được trình bày tại kỳ họp thứ 6 này?
Ông Lê Như Tiến:
Báo
cáo phòng, chống tham nhũng
năm 2013 của Chính phủ được Tổng Thanh tra Chính
phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại Quốc hội cũng đã nêu khá toàn diện bức tranh
về phòng chống tham nhũng.
Báo cáo cũng đã nêu được những nguyên nhân,
giải pháp. Nhưng cái quan trọng nhất hiện nay đó là tôi thấy vẫn thiếu, đó là
“địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ và thiếu trách nhiệm của người đứng
đầu.
Báo cáo có nêu đã xử lý một số người đứng đầu, nhưng mà chỉ rõ “địa
chỉ” là tham nhũng nhiều nhất ở ngành nào? Địa phương nào? Đã xử lý người đứng
đầu ra sao thì chưa thấy đậm nét.
- Vậy, có phải là do luật của chúng
ta chưa hoàn chỉnh, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Về
mặt văn bản pháp luật, chúng ta đã có Luật phòng chống tham nhũng và đã được sửa
đổi năm 2012 và các văn bản pháp lý chúng ta đều có cả.
Về mặt tổ chức bộ
máy, chúng ta đã có từ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng
của địa phương.
Mới đây, đã hình thành Ban Nội chính là cơ quan thường
trực giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương để xử lý tham nhũng.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thành lập Ban Nội
chính. Chưa kể, chúng ta còn có cả một hệ thống bảo vệ pháp luật đó là cơ quan
điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Như thế là hoàn thiện chứ không
phải thiếu. Nhưng tại sao trong thời gian vừa qua, như kết luận báo cáo, của Thủ
tướng Chính phủ, cũng như báo cáo của Chính phủ vẫn nói là chưa chặn đứng và đẩy
lùi được tham nhũng. Vậy vấn đề là vì sao?.
Tôi thấy rằng, nguyên nhân
thứ nhất chính là việc thực thi pháp luật không nghiêm. Chúng ta không thiếu văn
bản pháp luật, thiếu tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, mà chính là thiếu
thực thi thật là nghiêm túc, quyết liệt. Nguyên nhân thứ hai là, vai trò trách
nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức đơn vị, bộ ngành, và các địa
phương trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng chưa thật sự quyết
liệt,làm hết trách nhiệm.
- Một trong những biện pháp được coi là
ngăn chặn tham nhũng đó là kê khai tài sản. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc kê
khai tài sản vẫn chỉ là hình thức, thưa ông?
Ông Lê Như
Tiến: Chúng ta đã tiến hành kê khai tài sản. Tuy nhiên, kê khai tài sản
trong thời gian vừa qua, nhiều người cũng cho rằng làm còn hình thức. Vì, kê
khai tài sản mà không công khai, minh bạch, chỉ để trong hồ sơ của một số người
có trách nhiệm, không công khai để cho cử tri, nhân dân, nơi cư trú, nơi công
tác để người ta biết là chưa thể hiện được hiệu quả. Đó cũng là một trong những
nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt hiệu
quả.
- Vậy theo ông, công tác phòng chống tham nhũng liệu có ngăn
chặn được triệt để trong thời gian tới hay không?
Ông Lê Như
Tiến: Thực ra trong báo cáo của Chính phủ, cũng như báo cáo của Thanh
tra Chính phủ cũng đã nói rất rõ đó là công tác phòng chống tham nhũng rất tinh
vi, phức tạp, không phải dễ gì mà phát hiện được.
Bên cạnh đó, những
người tham nhũng, thường là những người có chức, có quyền, có kinh tế. Họ có thể
thao túng lũng đoạn, tinh vi trong mọi hành vi của họ.
- Ông đánh giá
như thế nào về hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vừa
mới được thành lập?
Ông Lê Như Tiến: Vì là mới nên
tôi thấy là kết quả cũng chưa rõ nét. Nhưng ít nhất cũng đã có sự khởi động bằng
cách tổ chức 7 đoàn của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đi các địa
phương, bộ ngành, nơi có dấu hiệu, yếu tố tham nhũng để xem xét, kiến nghị. Đó
chính là động thái tốt. Nhưng từ động thái đến việc có kết quả cụ thể thì phải
có thời gian.
Xin cảm ơn ông!/.