Việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư... chưa được thực hiện minh bạch,
công khai thì uy tín, sự kính trọng với người thầy còn giảm sút.
Những vấn đề tiêu
cực trong ngành giáo dục có lẽ nước nào cũng có, kể cả ở những nước
tiên tiến nhất. Nhưng tiêu cực về học thuật về các chức danh trong ngành
giáo dục trở thành những làn sóng có khi âm thầm, có khi trỗi dậy như
đợt phong hàm giáo sư, phó giáo sư 2017 có lẽ chỉ giáo dục Việt Nam mới
có. Rõ ràng, những sự việc như thế này đã khiến uy tín, sự tôn trọng của
xã hội đối với người thầy giảm sút nghiêm trọng.
Người Việt Nam có
truyền thống “tôn sư trọng đạo”, kính trọng người thầy. Những bài hát
xúc động về tình cảm thầy-trò qua bao nhiêu tháng năm vẫn được các thế
hệ cùng nhau hát. Hình ảnh những người thầy, người cô ở mọi cấp học
luôn chiếm được vị trí trang trọng nhất trong lòng mỗi người đã từng cắp
sách tới trường.
Không thể phủ
nhận, đất nước ta có những vị giáo sư, phó giáo sư danh tiếng, mang vinh
quang, tự hào về cho đất nước, giành được sự kính trọng, thương yêu của
những thế hệ học trò. Mỗi hành động, việc làm của họ có ý nghĩa lan tỏa
trong xã hội vô cùng lớn. Nhưng số ấy vẫn rất ít so với lượng phó giáo
sư, giáo sư, những người làm công tác giáo dục hiện nay của đất nước.
Trải qua tháng
năm, sự xoay vần, phát triển của kinh tế - xã hội, sự phát triển của
kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế đã khiến cho nhiều tiêu chí,
chuẩn mực, hành xử của những người làm nghề giáo thay đổi, có những thứ
biến dạng, méo mó, khiến hình thức sự tôn vinh của xã hội với người thầy
có vẻ như rất rầm rộ, nhưng sự trân trọng thực sự thì không còn nguyên
nghĩa. Đâu đó, khi có một người được học vị tiến sĩ, được phong hàm giáo
sư, phó giáo sư lại nhận được cái “bĩu môi” rất dài của đồng nghiệp,
của học sinh, cha mẹ học sinh. Thực tế, đã có quá nhiều vị giáo sư, phó
giáo sư, tiến sĩ là tác giả của những vụ đạo văn nổi tiếng, công luận
phải tốn không ít giấy mực để phanh phui thì họ mới thừa nhận. Sự giả
dối, không dám chịu trách nhiệm từ những người mang danh nghĩa “thầy” đã
khiến nền tảng đạo đức xã hội bị ảnh hưởng. Câu nói “thầy không ra
thầy, trò không ra trò” đã trở nên rất phổ biến, đáng để những người làm
công tác giáo dục phải suy ngẫm lắm chứ.
Tầm tuổi của các
vị được phong hàm giáo sư, phó giáo sư bây giờ chắc chắn vẫn thấm đẫm
những kỷ niệm về tình thầy trò, về sự kính trọng của xã hội đối với
những người làm sự nghiệp trồng người. Những người thầy, cô được kính
trọng vì trình độ chuyên môn, về đạo đức mẫu mực và vì họ có tinh thần
xả thân vì khoa học, vì học sinh thân yêu... Họ đã dạy học sinh những
bài học đạo đức không ai cảm thấy sáo rỗng.
Người ta bảo “con
sâu làm rầu nồi canh”, nhưng những “con sâu” trong hệ thống phẩm, hàm
của chúng ta hiện nay đang quá nhiều, nó khiến niềm tin xã hội bị đánh
tụt một cách nghiêm trọng. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho
những người làm công tác giáo dục một cơ hội sửa sai. Sau đợt rà soát
lại việc xét duyệt để phong hàm giáo sư, phó giáo sư năm 2017, nhiều hồ
sơ đã phải để lại. Đây mới chỉ là rà soát đợt 1 mà số lượng hồ sơ “có
vấn đề” đã như vậy, nếu làm nghiêm túc hơn thì con số đó lớn cỡ nào?
Xã hội vẫn chưa
thể hết nghi ngờ về kết quả rà soát cuối cùng này. Bởi, chính Hội đồng
đó, mới vài ngày trước tuyên bố chắc nịch rằng tất cả các ứng viên đều
đủ tiêu chuẩn, nhưng chỉ sau một đợt “rung lắc” nhẹ đã có bao nhiêu ứng
viên “rụng”. Điều này cho thấy, cách làm của chúng ta vẫn chưa thực sự
minh bạch, công khai và chưa thuyết phục được xã hội.
Chừng nào còn mập
mờ trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư, trong việc đào tạo, cấp
các loại chứng chỉ, văn bằng từ sơ cấp đến tiến sĩ... thì chừng đó niềm
tin, sự kính trọng với những người thầy còn bị ảnh hưởng. Xã hội cần một
sự minh bạch, công bằng để có sự nhìn nhận, đánh giá xứng đáng với
những người thầy chân chính có trình độ, năng lực và đạo đức thực sự./.
An Nhi (VOV)