Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 4/8/2014 20:59'(GMT+7)

Phong trào “Ba sẵn sàng” và ý nghĩa lịch sử

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

   

“Ba sẵn sàng” là một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ thành phố Hà Nội - khởi đầu từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó trở thành phong trào thi đua chung của thanh niên, sinh viên thành phố Hà Nội và cả nước.

1. Năm 1964, khi cả nước đang đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: vừa tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn  miền Nam đánh Mỹ; vừa tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III- năm 1960, Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào "Ba bất kỳ- Tam bất kỳ" nhằm khơi dậy và phát triển tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc của thanh niên Hà Nội. Hưởng ứng tinh thần đó, tháng 5/1954, Ban chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội họp và thống nhất đổi tên phong trào "Ba bất kỳ" thành phong trào "Ba sẵn sàng".  Cũng trong tháng 5/1964, tại nghĩa trang Mai Dịch- Từ Liêm- Hà Nội, Ban chấp hành Đoàn Ttrường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chính thức phát động phong trào "Ba sẵn sàng" trong tập thể nhà trường, với 3 nội dung là: (1)- Sẵn sàng nhập ngũ; (2)- Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh; (3)- Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh thực hiện cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, tối ngày 9/8/1964, tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng - Hà Nội, Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" chống Mỹ, cứu nước trong toàn thành phố. Thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” phát triển mạnh mẽ. Ngay trong tuần đầu tiên, tại Hà Nội đã có hơn 80.000 thanh niên đăng ký nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang nhân dân, và trong khoảng một thời gian ngắn con số này lên đến hơn 200.000 người.

Tháng 3/1965, Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, có bổ sung và nâng cao nội dung: vừa chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống. Từ một phong trào phát động trong thanh niên Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố, vùng Đông Bắc Duyên Hải, Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và toàn miền Bắc Việt Nam, trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời đó.

Sau năm 1965, phong trào “Ba sẵn sàng” có thay đổi nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, đó là: (1)- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; (2)- Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào;  (3)- Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.

Phong trào “Ba sẵn sàng” của Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, mạnh mẽ, rộng khắp của thanh niên sinh viên miền Bắc, với những nội dung rất cụ thể. Theo đó: Sẵn sàng chiến đấu (khi Mỹ đánh phá miền Bắc, thì bảo vệ miền Bắc trở thành nhu cầu bức thiết để giữ vững sản xuất, học tập và xây dựng miền Bắc); Chi viện cho miền Nam (hàng nghìn sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội đăng ký lên đường ra trận. Rất nhiều sinh viên cả nam và nữ, đã viết đơn bằng máu gửi lên Đoàn trường, lên Đảng ủy xin vào quân ngũ đi chiến đấu…). Trong đó, có không ít những sinh viên đã có quyết định triệu tập đi học tập ở nước ngoài nhưng vẫn làm đơn tha thiết xin ở lại để vào chiến trường miền Nam...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên. Ngày 26/9/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu cho 21 đoàn viên và thanh niên có thành tích xuất sắc trong phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên Thủ đô Hà Nội [1]. Trước ngày 9/10/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huy hiệu cho 9 thanh niên có thành tích xuất sắc trong phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên Thủ đô Hà Nội. Ngày 14/11/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội "Ba sẵn sàng" của Đoàn Thanh niên Lao động các cơ quan Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Nói chuyện với Đại hội, Người nhắc nhở "các cháu gái phải cố gắng phấn đấu vươn lên hơn nữa"; thanh niên phải đẩy mạnh phong trào thi đua giữa địa phương này với địa phương khác, ngành này với ngành khác, cơ quan này với cơ quan khác để học tập lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: "Phong trào "Ba sẵn sàng" đã có thành tích khá, nhưng phải khiêm tốn, chớ phô trương, hình thức"[2]. Nhân dịp này, Người thưởng Huy hiệu cho 27 cán bộ, đoàn viên, đội viên, thiếu niên có nhiều thành tích trong công tác, lao động và học tập [3].

Tại hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước (tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 6/1/1966, với 650 đại biểu đại diện cho giới trí thức cách mạng trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu tham dự), Người đến dự và nói chuyện với các đại biểu. Trong đó, sau khi gửi lời chào và thăm hỏi các đại biểu; đề nghị các đại biểu hoan hô đồng bào miền Nam anh hùng; nêu những thành tích của quân dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một số cuộc vận động trong phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước. Đó là, "công nhân có cuộc vận động "ba xây, ba chống", nông dân có cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật", phụ nữ có phong trào "Ba đảm đang", thanh niên có phong trào "Ba sẵn sàng", phụ lão ở một số nơi có phong trào "Bạch đầu quân"[4]. Cuối cùng, Người nói: "Những cuộc vận động ấy, nảy nở nhiều con người mới rất anh hùng" và đề nghị: "Anh chị em trí thức ta cũng nên có một Cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung đó".

Thực hiện lời Người, hội nghị quyết định phát động phong trào "Ba quyết tâm" trong giới trí thức với nội dung: (1)- Quyết tâm phục vụ sản xuất và chiến đấu; (2)- Quyết tâm đẩy mạnh cách mạng khoa học- kỹ thuật, cách mạng văn hóa - tư tưởng; (3)- Quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa [5].

2. Phong trào "Ba sẵn sàng" có một sức sống vô cùng to lớn, đi vào thực tiễn cuộc sống, trên mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập… trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và cùng với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam đã khơi dậy, hun đúc và khuyến khích tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy tinh thần "Ba sẵn sàng", trong những năm qua tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Hà Nội nói riêng đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Năm xung phong”; “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Khơi nguồn sáng tạo”; “Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thanh niên tình nguyện”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sáng tạo trẻ”; “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Hướng về biển, đảo quê hương”, v.v.. xứng đáng là lớp người tiếp bước các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phát huy truyền thống “Ba sẵn sàng” và để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và của nhân dân, tuổi trẻ cả nước hướng tới Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, với các tiêu chí nền tảng là “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn” và phấn đấu rèn luyện, thực hiện theo Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, thực hiện Nghị quyết về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013 - 2017”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị..., góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp./.

Ths. Hoàng Ngọc Phương

Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh

-------------------
[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 2008, t.9, tr.302

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. CTQG, H, 2011, t.14, tr.751

[3] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t.9, tr.313

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.9

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.693

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất