Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/4/2009 22:43'(GMT+7)

Phụ huynh “đau lòng” vì bệnh thành tích trong trường tiểu học

Tôi sẽ phải làm gì để giúp con mình?

Tôi sẽ phải làm gì để giúp con mình?

Những câu chuyện mà tôi kể sau đây, chắc sẽ không lạ lẫm với nhiều bậc phụ huynh đã và đang có con theo học tiểu học. Tuy nhiên, với nhiều người, đó có thể là những câu chuyện tưởng như không hề có thật.

Bệnh thành tích từ Vở sạch chữ đẹp

Năm lớp 1, tôi hoàn toàn yên tâm trao gửi con cho một cô giáo trẻ tâm huyết với nghề. Cháu vui vẻ, hoạt bát và học hành sôi nổi. Tuy nhiên, đến năm lớp 2, khi cháu được chọn vào “lớp A” của trường, mọi chuyện bắt đầu khác đi.

Theo quy định, tất cả sách vở của các cháu học hàng ngày thì cuối buổi đều mang về nhà. Tuy nhiên, có một quyển vở bao giờ cũng để lại lớp, đó là vở chính tả. Cô giáo giải thích rằng, đây là quyển vở để trình với ban giám hiệu và các đoàn kiểm tra.

Hàng ngày, khi viết vào quyển vở này, nếu cháu nào chẳng may viết sai, viết bẩn, cô giáo lập tức “nổi cơn tam bành” xé toạc trước mặt tất cả các bạn trong lớp để “phi tang”. Sau đó, cô yêu cầu học sinh này phải viết lại đến bao giờ đạt yêu cầu mới thôi. Thường thì các tiết học đã kín, nên việc viết lại được thực hiện vào giờ ngủ trưa. Tôi đã chứng kiến cảnh cả lớp đã kê ghép bàn đi ngủ, chỉ còn lại khoảng 4-5 cháu ngồi xổm, kê vở lên một chiếc ghế ở góc lớp để viết.

Mỗi kỳ họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm mang quyển vở này “khoe” với các bố, các mẹ. Ai nấy sung sướng tự hào khi thấy chữ con mình thật đẹp, vở con mình thật sạch, không hề có một nét gạch xóa, không hề có một vết mực lem nhem như chúng ta vẫn thấy ở các quyển vở khác. Những điểm 9, điểm 10 ngạo nghễ trên vở cùng với nét mặt kiêu hãnh trên gương mặt cô giáo được phân công dạy “lớp A”. Còn học sinh thì sao? Các cháu còn quá bé để có thể hiểu và đánh giá được ý nghĩa của những việc làm như thế này.

Càng ngày, tôi thấy bệnh thành tích càng thể hiện rõ, hay nói đúng hơn, vì con tôi đã lớn hơn và hiểu vấn đề nên tôi cũng được thông tin chính xác hơn về “căn bệnh hiểm nghèo” này.

Đến những điểm văn 9, 10

Nghiêm trọng nhất có lẽ là bệnh thành tích trong cách dạy môn văn. Trong các giờ học, cô giáo yêu cầu mỗi học sinh có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép những “câu văn hay, ý văn đẹp” để “lắp” vào các bài văn của mình. Gần đến kỳ thi, cô giáo cho học sinh khoảng 4 đến 5 đề. Lúc đầu các cháu tự làm, sau đó bố mẹ đọc và sửa lại rồi chuyển cho cô giáo (bắt buộc phải có chữ ký của phụ huynh chứng tỏ đã đọc sửa). Lúc này, cô giáo lần lượt đọc, sửa, rồi trả lại cho học sinh. Các em bắt buộc phải học thuộc lòng những bài văn này và đến các kỳ kiểm tra giữa kỳ hoặc các kỳ thi (là những kỳ sẽ tính điểm vào kết quả đánh giá), các em chỉ còn mỗi một việc là chép bài văn này ra. Qua 4 năm học của con tôi, chưa khi nào đề thi lại không trùng với một trong các đề mà cháu đã chuẩn bị.

Có lẽ chính vì thế mà kết quả thi môn văn rất cao. Hồi còn đi học, những bài văn khá nhất của lớp tôi cũng chỉ có thể được chấm đến điểm 7 hoặc điểm 8 là cùng. Điểm 9 văn có lẽ sẽ trở thành hiện tượng đặc biệt. Còn bây giờ, có vô số những bài văn được điểm 9, 10. Tất nhiên, đó là những bài “văn của bố, mẹ”, “văn mẫu” hoặc đôi khi, đó là văn của các cô giáo dạy thêm ngoài giờ.

Có một câu chuyện cười ra nước mắt, đó là trường hợp của cậu bạn học cùng lớp con tôi. Cậu bé này rất có cá tính nên năm học lớp 2, cậu nhất định không chịu làm văn giống như cô yêu cầu, cũng không chịu chép bài của mẹ. Kết quả là cậu được có 6 điểm rưỡi văn và học kỳ đó không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lý do cậu bị điểm thấp là vì khi tả con rùa ở hồ gươm, cậu không chịu chép vào bài cái ý “đầu nó tròn như quả bưởi” - bởi cậu bảo “con có thấy đầu con rùa giống quả bưởi đâu?!”, cùng một số “áng văn hay” như kiểu “mặt trời đỏ như một quả cầu lửa” hay “rặng thông gió thổi vi vu như một điệu đàn bất tuyệt”… mà hầu hết các bạn cậu đều đưa vào bài. Cậu bé sau đó khóc rất nhiều, “ân hận” vì đã không nghe theo cô giáo và mẹ mà “dám” tự làm văn theo ý mình. Sau đó, cả nhà cậu đã ngồi cùng nhau để “nghiêm túc kiểm điểm”. Kỳ thi sau, rút kinh nghiệm, bố cậu, một vụ phó vụ đối ngoại của một Bộ đã đích thân làm sẵn cho con mấy bài văn hay “long lanh”, cậu bé ngoan ngoãn chép vào bài thi và được điểm 10. Cuối năm, cậu đã đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Đến năm lớp 5 thì hầu như cả phụ huynh lẫn học sinh đều đã có đủ kinh nghiệm về việc “phối hợp nhuần nhuyễn” với cô giáo, môn văn không còn là điều đáng lo ngại của giáo viên nữa. Theo cậu con trai tôi, vì cả lớp được cô giáo yêu cầu phải đưa các ý văn, lời văn mà cô đọc cho chép trước vào bài nên lúc thi, rất nhiều bài văn giống nhau. Chưa kể một số bài văn chép 100% trong sách văn mẫu vẫn được điểm 10. “Vì có hàng trăm cuốn sách văn mẫu, cô làm sao mà đọc hết được. Cứ thấy hay là cho 10 thôi” - con tôi nói.

Và không thể ngoại trừ môn toán

Ở tiểu học, nhà trường vẫn có quy định hàng tháng phải có sự xáo trộn các vị trí ngồi học để đảm bảo mắt của các cháu nhìn đều, không bị lệch do ngồi quá lâu ở một vị trí. Lợi dụng quy định này, cứ đến gần kỳ thi, giáo viên bắt đầu trộn những học sinh kém ngồi xen giữa các học sinh giỏi. “Làm như thế để lúc thi, các bạn ấy còn nhìn bài của bạn bên cạnh” – con tôi giải thích. “Thế cô có dặn như thế không?” – Tôi hỏi. “Không ạ, nhưng cả lớp con, ai mà chả hiểu điều ấy”.

Nhưng thực tế có lẽ còn kinh khủng hơn. Kỳ kiểm tra vừa rồi, không hiểu lý do vì sao mà rất nhiều học sinh của lớp làm bài không tốt. Để “khắc phục tình trạng”, cô giáo đã cho những học sinh có sai sót ít sửa luôn trên giấy thi. Còn đối với những bài quá kém, cô giáo thậm chí còn cho mượn một bài tốt để “chép lại”. Các phụ huynh khi biết chuyện, dù lo lắng nhưng vẫn hết sức ủng hộ, bởi nếu con họ không đạt học sinh giỏi liên tục trong 5 năm cấp I, việc xin vào các trường chuyên, lớp chọn của cấp II là vô cùng khó khăn.

Thường ngày nghe con và các bạn kể những chuyện như vậy, tôi đã hết sức hoang mang. Sự lo lắng như thành “bệnh”, tôi thường xuyên căn vặn con: Thế ở lớp, con có nhìn bài của bạn không? Có hỏi bạn không? Có làm sai để cô phải cho sửa lại không? Thực sự là bài điểm 10 này có phải con tự làm không?...

“Phong phú” thêm bởi “điểm thi đua”

Đơn giản nhất và cũng điển hình nhất chính là bệnh thành tích trong việc tính điểm thi đua. Mỗi thứ hai hàng tuần, trong buổi chào cờ, nhà trường sẽ nêu gương những lớp có điểm thi đua tốt và phê bình những lớp có nhiều học sinh vi phạm. Để không ảnh hưởng đến thành tích của lớp, trong buổi họp phụ huynh, cô giáo “tâm sự” về những khó khăn của lớp và mong các bố mẹ ủng hộ bằng cách giục các con đi học đúng giờ. Tuy nhiên, cô cũng nhắc nhở các phụ rằng, nếu cháu nào đi muộn, bố mẹ chịu khó cho con đứng ngoài, hoặc đi lang thang ăn uống… chờ đến qua giờ kiểm tra nội quy mới cho cháu vào lớp để tránh bị phát hiện lỗi. Chuyện này dẫn đến trường hợp nếu bố mẹ không muốn muộn giờ làm thì đành để con tự đứng ngoài cổng trường một mình cho đến khi được vào.

Về đồng phục, lúc nào lớp cũng có một, hai bộ “sơ cua” để lỡ học sinh nào quên không mặc (hoặc do hôm trước tiết trời ẩm ướt chưa kịp khô), sẽ thay. Cô giáo cho biết, vì những bộ quần áo này để lâu không giặt nên có thể “hơi hôi một tí” nhưng các cháu cố chịu vậy. Trong thực tế, nhiều gia đình rất khó khăn trong việc mua đồng phục, vì giá cả tương đối đắt, chất lượng không thật tốt mà các cháu lại nghịch ngợm nên rất dễ rách. Mua nhiều để thay đổi thì tốn, mà mua ít thì không giặt kịp.

Ngoài ra, cô giáo cũng có một vài chiếc khăn quàng đỏ (thực ra chỉ là một mảnh khăn đỏ nhỏ do một chiếc được cắt làm đôi cho đỡ tốn) để cho các em đeo tạm khi trót quên.

Cứ như vậy, trong suốt mấy năm liền, lớp của con tôi luôn có tỷ lệ học sinh giỏi đạt trên 90%, và lớp của cháu cũng luôn là “lá cờ đầu” của toàn trường.

Lúc đầu, tôi cứ tưởng chỉ có lớp của con tôi xảy ra tình trạng này. Tôi hoang mang, lo lắng tâm sự với một số phụ huynh có con học ở các trường khác. Thật bất ngờ, họ cho biết con họ cũng đang học trong tình trạng như vậy và mặc dù ai cũng lo lắng, nhưng không biết làm thế nào. Ngay cả cô bạn tôi là giáo viên cấp I của một trường ở Hà Tây (cũ) cũng khẳng định: Ở đâu mà chẳng thế? Lớp nào, cô giáo nào không làm thế mà để ảnh hưởng đến thành tích của trường là bị phê bình ngay.

Chỉ còn mấy tháng nữa, con tôi sẽ tốt nghiệp tiểu học. Đến giờ phút này, tôi vẫn còn hoang mang không biết kiến thức thật sự mà con tôi có được trong những năm học tiểu học là gì? Liệu cháu có đủ hành trang để bước vào cấp II hay chưa? Nhưng điều tôi thực sự lo lắng, là việc học ở các lớp cấp II thực sự là như thế nào? Liệu bệnh thành tích trong các trường tiểu học có diễn ra ở các cấp học khác hay không? Và tôi sẽ phải làm gì để giúp con mình?

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất