Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 26/5/2019 14:4'(GMT+7)

Ngăn chặn triệt để tôm càng đỏ

Lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu hủy tôm càng đỏ ở Lào Cai.

Lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu hủy tôm càng đỏ ở Lào Cai.

Việc ngăn chặn sự xâm nhập của tôm càng đỏ vào trong nước; xử phạt nghiêm những đơn vị thu mua, tiêu thụ; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của tôm càng đỏ, đang được các địa phương đẩy mạnh.

Từ đầu tháng 5 đến nay, tại Lào Cai liên tiếp xảy ra các vụ vận chuyển trái phép tôm càng đỏ qua biên giới vào trong nước tiêu thụ. Ngày 19/5, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tổ công tác của Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phát hiện và thu giữ 75 kg tôm càng đỏ được cất giấu, ngụy trang trong các thùng đồ chơi trẻ em.

Trước đó, ngày 11/5, tại bờ sông Nậm Thi, lực lượng chức năng của Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng phát hiện, bắt giữ lô hàng gồm 15 thùng xốp, chứa tổng cộng 300 kg tôm càng đỏ, do một nhóm người vận chuyển.

Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 13 đến 19/5, đơn vị này và Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Lào Cai đã bắt giữ bảy vụ buôn lậu tôm càng đỏ qua biên giới, với tổng trọng lượng gần một tấn. Số tôm càng đỏ nêu trên lập tức được đưa đi tiêu hủy toàn bộ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lào Cai Nguyễn Xuân Nhẫn phân tích: "Thực tế, tôm càng đỏ chất lượng thịt kém, không ngon, ít thịt, chủ yếu là vỏ giáp xác. Một số người dân do hiếu kỳ, tò mò cho nên mua để dùng thử với giá từ 230 đến 250 nghìn đồng/kg".

Tôm càng đỏ hiện không chỉ được buôn bán tại một số chợ, mà còn được rao bán trên mạng khiến địa bàn xuất hiện của chúng rất khó được kiểm soát. Mặc dù nhiều địa phương hiện chưa thông báo ghi nhận sự xuất hiện của tôm càng đỏ nhưng rất có thể, chúng đang âm thầm được giao dịch qua mạng, tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có ba cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc gồm Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), cùng rất nhiều đường mòn, lối mở dọc theo tuyến biên giới. Ðây thật sự là địa bàn dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng vận chuyển hàng hóa qua biên giới, tuồn vào trong nước tiêu thụ.

Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh Cao Xuân Luật khẳng định: Ðến thời điểm này chưa phát hiện được vi phạm về kinh doanh, vận chuyển tôm càng đỏ, song chúng tôi xác định không thể chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.

Còn ở Ðà Nẵng, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, hiện chưa phát hiện tôm càng đỏ. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã sớm chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ngày 23/5, Sở NN và PTNT thành phố tham mưu lãnh đạo UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ. Trong đó nêu rõ, nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác hại đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, ngành nông nghiệp sẽ chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát chặt chẽ địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển và nuôi tôm càng đỏ ở thành phố. Khi phát hiện tôm càng đỏ trên thị trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định về bảo vệ đa dạng sinh học.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT thành phố) Võ Thị Mộng Thu thông tin: Trong thời gian qua, Chi cục đã tăng cường kiểm tra, rà soát các quận, huyện và cơ sở kinh doanh nhưng chưa phát hiện tôm càng đỏ trên địa bàn thành phố.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN và PTNT Trần Ðình Luân nhấn mạnh: Bộ đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán tôm càng đỏ trái pháp luật hiện nay. Nếu phát hiện tôm thoát ra ngoài môi trường cần tổ chức bao vây và tiêu diệt, giống như trong trường hợp cuối năm 2016, lực lượng chức năng đã bao vây tiêu diệt tôm càng đỏ ở Ðồng Tháp. Ðồng thời có thể sử dụng biện pháp phun thuốc để bảo đảm không con nào còn sống. Ðặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về đối tượng gây hại tôm này, nguy cơ của nó đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Ngày 21/5, đại diện Tổng cục Thủy sản đến tỉnh Lào Cai kiểm tra việc tôm càng đỏ xâm nhập nội địa để đề ra giải pháp ngăn chặn. Theo đó, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lào Cai tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu; các lực lượng liên quan phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm việc buôn bán tôm càng đỏ tại các chợ, nhất là chợ đầu mối như Cốc Lếu, Kim Tân, Cam Ðường ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ðẩy mạnh tuyên truyền mức độ nguy hại về tôm càng đỏ ngay tại khu vực cửa khẩu; kiểm soát chặt chẽ việc lây lan và phát tán tôm càng đỏ ra môi trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh cần tăng cường kiểm soát hiệu quả việc mua bán tôm càng đỏ trên mạng xã hội.

Tỉnh Lạng Sơn có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường... kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Hồi 13 giờ 50 phút ngày 25/5, tại km16 quốc lộ 1A, tổ công tác Ðội Tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô-tô khách BKS 29B-135.04, do Ðoàn Ðại Hiệp, SN 1982, trú tại xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) điều khiển. Trên xe chở ba thùng xốp, bên trong chứa 49 kg tôm hùm đất. Bước đầu lái xe khai: nhận ba thùng xốp nêu trên tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ðồng Ðăng (Cao Lộc), của một người đàn ông không rõ tên tuổi gửi về Ðồng Kỵ (Bắc Ninh) với giá 100 nghìn đồng/thùng.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu các đội quản lý thị trường cơ sở nhất là những địa phương có cửa khẩu tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống siêu thị, cửa hàng, hộ kinh doanh thủy, hải sản, khách sạn, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt tại các địa phương là Hạ Long, Móng Cái, Vân Ðồn, Cẩm Phả, Uông Bí…

Phó Chi Cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) Ngô Hồng Hải cho biết: Ðể ngăn chặn tình trạng buôn lậu nói chung và việc vận chuyển, buôn bán tôm càng đỏ vào nội địa, chúng tôi đã bố trí lực lượng chốt chặn ở những khu vực xung yếu, đồng thời tăng cường kiểm soát vào các giờ cao điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, vận chuyển.

Tại khu vực bán hàng thủy sản trong chợ biên giới Hoành Mô, các tiểu thương đều đồng ý ngăn chặn tôm càng đỏ phát tán trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một hộ kinh doanh thủy sản kể: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã hiểu rõ tác hại của sinh vật ngoại lai này và cam kết tuyệt đối không tham gia kinh doanh, buôn bán./.

Tôm càng đỏ còn gọi là Tôm hùm đất, tiếng Anh là Crawfish hay Redclaw, và tên khoa học là Cherax quadricarinatus; là một loài tôm nhiệt đới, thường có mầu xanh sẫm và nâu đỏ, khả năng sinh sôi nảy nở cực nhanh. Đây chính là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm đã từng gây hại ở Trung Quốc.

Thật ra từ năm 2012, Việt Nam đã nuôi thử loài tôm này tại một trạm thực nghiệm ở Phú Thọ nhưng về sau thấy chúng nguy hiểm quá cho nên dừng lại ngay.

Tôm càng đỏ nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm, cá nhỏ. Chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là vi-rút gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm.

Từ năm 2013, Nhà nước đã đưa loài này vào danh sách sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu.

GS. Nguyễn Lân Dũng

Nhóm PV (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất