PHÁT HUY MẠNH MẼ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong từng thời kỳ của cách mạng, Hội LHPN Việt Nam đã có cách thức tổ chức, vận động, phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp nên đã phát huy được mạnh mẽ vai trò của phụ nữ. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Hội đã vận động chị em tích cực hưởng ứng phòng trào thi đua yêu nước nhằm "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trong suốt những năm kháng chiến, phụ nữ cả ở vùng hậu phương và vùng tạm bị chiếm hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm nhiệm vụ hậu phương; tham gia du kích, dân công, giao liên, nuôi giấu cán bộ, quyên góp tài chính, lương thực... góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, Hội phát động phong trào “Phụ nữ 5 tốt” (1961 -1964), đặc biệt là phong trào “Ba đảm đang” (3/1965) đã khơi dậy mạnh mẽ tình thần yêu nước, yêu CNXH của phụ nữ, cổ vũ chị em tự cường phấn đấu vươn lên gánh vác việc nước, việc nhà, vượt qua khó khăn gian khổ, hăng hái đứng lên quyết tâm bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đã đóng góp những thành tích to lớn cho sự nghiệp cách mạng. 7 vạn phụ nữ đã đạt danh hiệu phụ nữ 5 tốt, gần 4 triệu phụ nữ đạt danh hiệu Ba đảm đang, gần 2 nghìn phụ nữ được nhận huy hiệu Bác Hồ, gần 20 triệu phụ nữ tham gia đấu tranh chính trị và hơn 2 triệu lượt phụ nữ đấu tranh vũ trang trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968(1) là những minh chứng sống động cho sức mạnh, sự đoàn kết của phụ nữ thời kỳ này.
Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh, Hội đã phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội bằng các cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”; phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.
Đặc biệt, trong những năm gần đây Hội đã phát động phụ nữ cả nước tích cực thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” bằng cuộc vận động “Xây dựng gia đành 5 không 3 sạch”; hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng cuộc vận động phụ nữ học tâp, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… Thông qua các phong trào, cuộc vận động, Hội đã tiếp tục phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội
Nhiệm kỳ 2017 - 2022 là nhiệm kỳ quan trọng, đánh dấu sự phát triển của Hội LHPN Việt Nam cũng như sự đoàn kết, tiến bộ, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ cả nước. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và phải trải qua vô vàn khó khăn do hệ lụy của đại dịch Covid - 19, Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ cả nước vẫn tiếp tục khẳng định vai trò và sự cống hiến không ngừng nghỉ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm công dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hàng triệu phụ nữ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tham gia các cuộc tham vấn chính sách, đối thoại với người đứng đầu; hăng hái tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Năm 2021, lần đầu tiên sau 45 năm, nước ta đã đạt tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội trên 30%.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, phụ nữ thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Thông qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội LHPN Việt Nam, hội viên, phụ nữ đã được cung cấp kiến thức, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, phát huy khả năng và năng lực của mình trong khởi sự kinh doanh. Gần 164 nghìn tỉ đồng được các cấp Hội vận động đã hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 87 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử. Cũng nhờ vậy, các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ ngày càng có tiềm năng, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và bắt kịp với sự chuyển động của kinh tế quốc gia lẫn khu vực. Nhiều chị em đã tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chủ lực, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và đưa nông nghiệp thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những năm gần đây.
Thông qua việc đổi mới công tác tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, tính tự chủ của phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng tiếp tục được nâng cao. Hội viên, phụ nữ chính là những thành phần tích cực và quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, các hoạt động của hội viên, phụ nữ tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được thực hiện đa dạng, sáng tạo, tạo ra sự thay đổi trong ý thức, trách nhiệm đối với môi trường. Gần 17 nghìn công trình, phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường do các chi Hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở.
Chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Hội LHPN Việt Nam khởi xướng, vận động xã hội cũng như phụ nữ cả nước thực hiện không chỉ góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà còn giúp phụ nữ thể hiện được sức mạnh cộng đồng của mình với nhiều mô hình an toàn được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, 2 năm gần đây, trong cuộc chiến chống Covid - 19, phụ nữ Việt Nam đã góp mặt trên hầu hết các đội hình ở tuyến đầu: bác sĩ, nhân viên y tế; các nhà khoa học nữ tham gia vào công trình nghiên cứu vắc xin; nữ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tại các điểm kiểm soát, khu cách ly đến những hội viên, phụ nữ, cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở tham gia các tổ y tế; tổ phòng, chống Covid tại cộng đồng, thành lập những mô hình hiệu quả, hỗ trợ sâu sát vào đời sống của nhân dân như mô hình “Đi chợ giúp dân”; Gian hàng 0 đồng”; “Bếp cơm mùa dịch”; “Chuyến xe yêu thương vì miền Nam ruột thịt”,…. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ của phụ nữ cả nước, Hội LHPN Việt Nam cũng đã vận động được nguồn lực trị giá gần 482 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, trong đó trên 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương với các chương trình thiết thực, ý nghĩa như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Vì nụ cười phụ nữ”, “Kiên cường Việt Nam”, “Mẹ đỡ đầu”.
Cũng trong nhiệm kỳ này, Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu đề xuất thành công 3 Đề án của Chính phủ là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938); Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” (Đề án 1893); 3 chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến Phụ nữ là Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây đều là những Đề án, chương trình quan trọng, có ý nghĩa tới sự phát triển, nâng cao năng lực cho phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được tiềm lực, khả năng của mình trong tương lai.
Những nỗ lực, đóng góp của hội viên, phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 85 Huân, Huy chương các loại; 53 Cờ thi đua Chính phủ, 328 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
|
KHƠI DẬY MẠNH MẼ TIỀM NĂNG, SỨC SÁNG TẠO, Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, TINH THẦN ĐOÀN KẾT CỦA PHỤ NỮ
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027 diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 3 năm 2022 tại Thủ đô Hà Nội mở ra bước khởi đầu của một giai đoạn mới mà ở đó, quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phong trào thi đua và cuộc vận động đều xoay quanh chủ thể hội viên, phụ nữ- được xác định là nhân tố sống còn của tổ chức Hội.
Lần đầu tiên Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo, trong đó đáng chú ý là các quan điểm: “Lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội…. chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.… Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả….”
Để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, Đại hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không gồm: Không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Từ việc xác định hội viên, phụ nữ là nhân tố sống còn, nhiệm kỳ này là Hội sẽ tập trung vào các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trọng tâm là:
Thứ nhất, xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Vận động phụ nữ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khuyến khích phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực… Kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ đặc thù. Tổ chức thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025; dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”. Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo hướng phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ và tổ chức Hội.
Thứ hai, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; vận động xã hội xây dựng cộng đồng an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Thí điểm và nhân rộng các mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, kiến nghị, giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”; Hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; Phát huy vai trò, thế mạnh của Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ nữ doanh nhân. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án/chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tập trung hỗ trợ phụ nữ phát huy nội lực, giúp nhau giảm nghèo bền vững; Nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, tiết kiệm, tài chính vi mô. Mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động.
Dự kiến cuối nhiệm kỳ cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án và 2 chương trình có tác động rộng đến các đối tượng phụ nữ, giúp giải quyết một số vấn đề đặt ra đối với các nhóm phụ nữ đặc thù, góp phần thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu của chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.
5 chính sách dự kiến là:
(1) Chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. (2) Ứng dụng kết quả đề tài độc lập cấp quốc gia “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp hỗ trợ và bảo vệ một số nhóm phụ nữ đặc thù” để xây dựng và đề xuất Chương trình/đề án/chính sách đặc thù bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư. (3) Đề xuất chính sách hoặc đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ. (4) Đề xuất và thực hiện đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 – 2030”. (5) Đề án chuyển đổi số Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030
2 chương trình dự kiến là:
(1) Chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số; (2) Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới cho 3.500 cán bộ nữ.
|
Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” của Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, chắc chắn rằng, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh tập thể và khát vọng vươn lên, đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
Hà Thị Nga
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
-------------
(1) Ban Tuyên giáo Trung ương - Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển, Sổ tay Báo cáo viên năm 2015, tr.245