Thứ Bảy, 27/7/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 30/10/2021 9:0'(GMT+7)

Phục hồi hoạt động du lịch an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình, xác định giải pháp để từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình, xác định giải pháp để từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19

ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG DO ĐẠI DỊCH 

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn từ 10 - 12% trong giai đoạn trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, dịch bệnh đã khiến ngành Du lịch Thành phố gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các chỉ tiêu năm 2020 và 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

So với năm 2019, khách quốc tế đến Thành phố năm 2020 giảm 84,8%; khách du lịch nội địa giảm 51,5%; tổng thu du lịch giảm 39,6%. Trong 9 tháng năm 2021, không có khách quốc tế mới đến Thành phố; khách du lịch nội địa giảm 31% so với 9 tháng năm 2020 và giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch 9 tháng năm 2021 giảm 31% so với 9 tháng 2020, giảm 62% so với cùng thời gian năm 2019. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2021, các doanh nghiệp lữ hành đầu ngành của Thành phố đã thiệt hại trên 363 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do các đoàn hủy chuyến du lịch. Trên địa bàn Thành phố hiện chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành hoạt động cầm chừng, trong đó, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2021, đã có gần 200 doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Đối với các địa điểm tham quan, ngoài nguyên nhân do diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nhiều nơi hầu như bị “đóng băng”, thì gánh nặng về chi phí duy trì hoạt động cũng là lý do khiến một số điểm tham quan phải tạm ngưng hoạt động từ tháng 8/2020. 
Đối với các cơ sở lưu trú, đã có hơn 50% cơ sở hạng 3 sao và tương đương phải tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao, 5 sao thì hoạt động cầm chừng. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu lưu trú 9 tháng năm 2021 giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%... Hoạt động của các đơn vị vận tải khách du lịch cũng giảm từ 60 - 80% so với năm 2019.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“AN TOÀN TỚI ĐÂU MỞ CỬA TỚI ĐÓ”

Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, việc phục hồi du lịch được Thành phố Hồ Chí Minh xác định là “đầu kéo” cho sự phục hồi của các ngành nghề khác, đồng thời là “mắt xích” quan trọng để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế nói chung. Do đó, trước bối cảnh được từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, các “vùng xanh” dần được mở rộng, ngành Du lịch Thành phố đã chủ động tham mưu, nỗ lực mở lối đi “bình thường mới” với kế hoạch phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. Theo đó, với nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”, Sở Du lịch Thành phố đã xây dựng lộ trình, xác định giải pháp phục hồi hoạt động du lịch với 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến 31/10/2021), mở du lịch nội vùng đối với “vùng xanh” và thí điểm du lịch liên tỉnh. Các hoạt động du lịch được triển khai là dịch vụ lữ hành; dịch vụ lưu trú; hoạt động tại các điểm tham quan. Phát triển các sản phẩm du lịch như khu di tích lịch sử địa đạo Bến Dược, Bến Đình, Vườn Lan Huyền Thoại, làng trái cây Trung An, khu du lịch Vàm Sắt, chiến khu Rừng Sác, bảo tàng 3D. Khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại Thành phố có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

 Ngày 30/9, hoạt động du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh dấu sự quay trở lại sau một thời gian ngưng trệ với tour thí điểm đến vùng đất Thép - Củ Chi của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist dành cho hơn 150 y, bác sỹ tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại quận 6. Chương trình được tổ chức đảm bảo an toàn, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, khách chủ yếu tham quan tại những điểm du lịch ngoài trời hoặc các điểm dã ngoại tại địa đạo Củ Chi, địa phương đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19, thuộc “vùng xanh” của thành phố.

Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 đến ngày 31/12/2021), đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương nhưng vẫn chủ yếu trên địa bàn “vùng xanh”. Phát triển thêm các dịch vụ lưu trú và tham quan theo hình thức kết hợp (combo), tham quan Thành phố bằng xe bus 2 tầng. Phát triển các sản phẩm theo hình thức khép kín như Thảo Cầm Viên, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Bảo tàng Áo dài, Công viên Văn hóa du lịch Suối Tiên... Khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Giai đoạn 3 (trong năm 2022), mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia. Khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.

Để kế hoạch phục hồi du lịch được triển khai, thực hiện đúng lộ trình, phát huy kết quả, đảm bảo thích ứng an toàn trong bối cảnh “bình thường mới”, chính quyền và ngành Du lịch Thành phố xác định một số nội dung, giải pháp cơ bản sau: 

Thứ nhất, xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành Du lịch; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn Thành phố; chủ động kết nối bước đầu với các tỉnh, thành, vùng lân cận để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương. 

Bước đầu, Thành phố đã làm việc với một số tỉnh, vùng Đông Nam Bộ để thí điểm hợp tác, mở các tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín từ giữa tháng 10/2021; tiến tới phối hợp với các tỉnh Nam Trung Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long chuẩn bị cho lộ trình giai đoạn 2 từ đầu tháng 11 đến cuối năm 2021.

Xác định du lịch đường sông là một trong những thế mạnh, là tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch riêng có, các sở, ngành chủ động đề ra các kế hoạch, giải pháp để xây dựng sản phẩm du lịch cũng như hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch đường sông. Đây là một trong những sản phẩm du lịch có tính an toàn và hấp dẫn cao khi du khách được hòa mình trong thiên nhiên không chỉ ở đích đến mà còn trên cả hành trình, trong không khí trong lành và tươi mát của gió từ sông, từ biển. Khai thác, xây dựng các chương trình tham quan bằng đường sông đi Cần Giờ 2 ngày 1 đêm; các chương trình tham quan theo hướng Bạch Đằng - Củ Chi kết nối với Bình Dương; tuyến Bạch Đằng - Quận 7 - Cần Giờ... nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho du khách.

Thứ hai, ngành Du lịch tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch; phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.

Thứ ba, phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động ngành du lịch. 

Thứ tư, đối tượng tham gia là những khách du lịch có mã QR xanh hoặc xuất trình một trong các giấy tờ như: là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm); kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ, VẬN ĐỘNG

Cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy sức mạnh tối đa các nguồn lực của toàn thành phố; linh hoạt, sáng tạo, kiên quyết hơn nữa trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, vận động cho kế hoạch phục hồi du lịch cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được cấp ủy, chính quyền Thành phố đề ra. Theo đó, trước mắt ngành Du lịch sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan thành phố trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm chung tay quảng bá cho Thành phố nói chung và du lịch nói riêng. Tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện báo chí truyền thông, internet và mạng xã hội. Chủ động và khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của Thành phố. Vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực thông qua các hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, trong đó, lực lượng lao động ngành Du lịch đã tiêm đủ liều đạt trên 80%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để ngành Du lịch Thành phố vững tin trở lại với quỹ đạo hoạt động.

Linh hoạt trong triển khai các hình thức “vouchers” - khuyến mãi đa dạng, phù hợp, hấp dẫn nhu cầu của nhiều người trong bối cảnh bình thường mới; tăng cường thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và các điểm đến trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, cùng với việc áp dụng “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch” do chính quyền Thành phố ban hành, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với nhiều đối tác cung ứng dịch vụ xây dựng các sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng trong thời gian tới theo tình hình thực tế về kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh chất lượng sản phẩm dịch vụ thì sự cẩn trọng, nghiêm túc trong phòng, chống dịch bệnh, sự an toàn của du khách chính là những thông điệp hữu hiệu nhất, tạo hiệu ứng tuyên truyền, quảng bá tốt nhất cho hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới./.   

Minh Hoàng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất