Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 23/10/2021 15:5'(GMT+7)

Luật Điện ảnh cần quy định rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng

Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu thảo luận ở tổ.

Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu thảo luận ở tổ.

Góp ý về Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Công nghiệp điện ảnh và phát triển đất nước có vị trị quan trọng. Nhiều nước đi từ công nghệp điện ảnh để quảng bá đất nước, trong đó ở châu Á có Hàn Quốc đã làm những bộ phim như: Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum… cách đây 20 năm giới thiệu về đất nước, con người Hàn Quốc.

Văn hóa soi đường quốc dân đi - đây là một loại hình văn hóa, nghệ thuật thì có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không? Chủ tịch nước đặt câu hỏi.

Có nhiều yếu tố, trong đó luật pháp phải tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Nếu ra luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật thì đó là vấn đề lớn cần lưu ý.  

Làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam. Giữ được đất nước trong kinh tế thị trường chính là văn hóa, giữ gìn văn hóa thông qua các hình thức nghệ thuật như điện ảnh rất quan trọng.  

Các đại biểu cho rằng, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới.  

Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số, các công nghệ tiên tiến khác trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác, nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị làm rõ hơn nội hàm “Bí mật đời tư của cá nhân” trong Điều 10 của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý tình trạng quay phim lậu, phổ phiến phim lậu trên môi trường mạng để đảm bảo quyền lợi cho nhà sản xuất phim.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo luật định.

Quan tâm đến những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, nhiều ý kiến  đề nghị rà soát, nghiên cứu, giải thích từ ngữ rõ ràng để các quy định bảo đảm chính xác, cụ thể, rõ ràng để tránh cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng Luật không thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cũng chỉ ra thực trạng phổ biến lậu phim rạp trên môi trường mạng hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, thậm chí có nhiều bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta thấy rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần quy định thật rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng. Đối với các quy định về sản xuất phim tư nhân trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo luật đang hơi thiên nhiều về quản lý nhà nước, hơn là khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim.  

Theo các đại biểu, phim tư nhân có nhiều bộ phim có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội, chúng ta nên khuyến khích. Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta cũng không được buông lỏng quản lý, chúng ta cần quản lý chặt về nội dung để đảm bảo nội dung phim không có chứa những nội dung kích động bạo lực, mại dâm… có tác động tiêu cực tới người xem.

Liên quan đến sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì điện ảnh là lĩnh vực đặc thù. Đối với cơ chế đặt hàng, đề nghị nghiên cứu quy định mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, sản xuất phim; cơ chế Nhà nước mua bản quyền một số phim phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.

Một số đại biểu đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.

Đối với quy định về hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 2 như dự thảo nêu, gồm cả hình thức đấu thầu. Theo đại biểu Mai Hoa, việc thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại. Trong đó, chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim Việt Nam. Đồng thời, đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 10 Dự thảo Luật.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất