Nhằm hướng đến Mục tiêu thiên niên kỷ là đẩy lùi dịch HIV/AIDS vào năm 2015, trong khuôn khổ cuộc họp Ðại hội đồng Y tế thế giới vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam đã trình bày kế hoạch triển khai thí điểm phương pháp điều trị HIV 2.0. Ðây là biện pháp mới có thể giảm gần như hoàn toàn các ca chết người liên quan đến AIDS và giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng phương pháp này.
Theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, Phó Cục trưởng phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế, cho biết: Sau 20 năm, kể từ khi phát hiện người bệnh HIV đầu tiên, hiện công tác quản lý, hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai có hiệu quả trên toàn quốc với 318 phòng khám ngoại trú; 317 phòng xét nghiệm, tư vấn tự nguyện HIV/AIDS; 75 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV tại 49 tỉnh, thành phố...
Từ năm 2008, dịch HIV có xu hướng giảm và về cơ bản, Việt Nam đã kiềm chế tốc độ gia tăng của đại dịch ở mức đạt mục tiêu chiến lược quốc gia đề ra. Hơn 53 nghìn người bệnh AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV. Hiện chín tỉnh, thành phố triển khai chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đối với 3.813 người bệnh. Kết quả nghiên cứu ban đầu tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy, sau 12 tháng sử dụng Methadone, chỉ còn dưới 16% người bệnh tiếp tục sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, hiện dịch vẫn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Tích lũy đến nay, Việt Nam phát hiện hơn 250 nghìn người có căn bệnh thế kỷ, chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, hơn 50 nghìn người đã tử vong và hơn 190 nghìn người có HIV/AIDS còn sống. Hà Nội có số người có HIV nhiều thứ hai toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hải Phòng, An Giang, Sơn Lan, Thái Nguyên... Riêng sáu tháng đầu năm 2011, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, số trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo trên cả nước là 6.146 người, trong đó có 2.477 người bệnh AIDS và 844 trường hợp đã tử vong do AIDS. Các trường hợp có HIV/AIDS chủ yếu được phát hiện ở một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS.
Cũng theo PGS, TS Bùi Ðức Dương, trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, Việt Nam sẽ thí điểm phương pháp điều trị mới 2.0 nhằm tiến tới đáp ứng được cho tất cả những người cần đến các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Ðây là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà nước ta là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm.
Dự kiến phương pháp này sẽ được khởi động vào cuối năm nay tại hai địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV là Ðiện Biên và Cần Thơ. Phương pháp này bao gồm năm phương thức chính: tối ưu hóa công thức điều trị, giảm số lượng viên thuốc, giảm độc tính của thuốc; phát triển công nghệ chẩn đoán mới, đơn giản hóa quy trình chẩn đoán, sử dụng phương pháp chẩn đoán sớm với công cụ chẩn đoán rẻ hơn; giảm giá thành dịch vụ xét nghiệm, thuốc, chi phí cho thầy thuốc và người bệnh; công tác tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẽ được lồng ghép vào hoạt động y tế thôn, bản, xã, phường, cộng đồng, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản...; huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của người có HIV/AIDS. Tại hai địa phương được thí điểm, trước mắt Bộ Y tế sẽ sử dụng test chẩn đoán HIV nhanh và thực hiện lồng ghép dịch vụ cung ứng chẩn đoán, điều trị ngay tại tuyến xã, phường và huyện. Người nhiễm HIV được hỗ trợ tham gia các dịch vụ kết nối chăm sóc điều trị ARV với điều trị bằng Methadone, trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao-su...
TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế
Sử dụng phương pháp điều trị 2.0 sẽ không phải theo dõi phức tạp trong điều trị, điều này dẫn đến tiếp tục giảm chi phí xét nghiệm và theo dõi của người bệnh. Ðiều trị 2.0 sẽ phân cấp điều trị cho người bệnh tới y tế cơ sở gần nơi người bệnh sinh sống và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành. Và như vậy sẽ giảm đáng kể kinh phí đi lại và tiết kiệm được khá lớn nguồn nhân lực y tế. |
Thanh Mai/ Nhân Dân