Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 20/2/2018 9:31'(GMT+7)

Phương thức quản lý thống nhất, có tính đột phá trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Triển khai quyết liệt phương thức quản lý hệ thống 

Phóng viênĐồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2017? 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, sự cộng tác của các Ban Đảng, các bộ, ngành Trung ương và Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, nhìn lại một năm đã qua, chúng tôi vui mừng và tự hào trước những kết quả nổi bật. Thứ nhất, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thiết lập và triển khai phương thức quản lý hệ thống, vừa đảm bảo tính thống nhất vừa có sự phân cấp, giao quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc phát huy tính chủ động, sáng tạo. Công tác chung của Học viện và hơn 40 đơn vị trực thuộc đã được lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất theo những quy trình, chuẩn mực chung; có sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát; gắn kết quả công việc với trách nhiệm giải trình của từng cá nhân. Việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt phương thức quản lý hệ thống trong hơn một năm qua là giải pháp căn bản, có tính đột phá, mang lại sức sống, khí thế vận động mới trong toàn hệ thống Học viện. 

Thứ hai, trong năm 2017, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức 70 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; 91 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung; 8 lớp hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị; 26 lớp bồi dưỡng chức danh dành cho cán bộ của Việt Nam; 5 lớp bồi dưỡng chức danh và 1 cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. 

Đặc biệt, Học viện không chỉ quan tâm đến số lượng học viên mà đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, trước hết là đổi mới nội dung chương trình. Năm 2017, Học viện đã tiến hành xây dựng mới khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng chức danh đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ đào tạo của Học viện. Chương trình đào tạo được biên soạn theo hướng cắt bỏ các nội dung trùng lặp; cập nhật các nội dung trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; bổ sung những nội dung mới, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực và trong nước đang tác động đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. 

Công tác quản lý đội ngũ giảng viên cũng được quy chế hóa, tăng cường kỷ luật phát ngôn và đạo đức nhà giáo. Quản lý hoạt động học tập và rèn luyện của học viên được đổi mới, chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường kỷ luật học đường, nâng cao ý thức tự quản của cán bộ lớp và của học viên, tăng cường tính chuyên nghiệp của các đơn vị quản lý đào tạo. 

Thứ ba, Học viện đã chuyển mạnh sang chú trọng kết hợp giữa nghiên cứu với giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. Các chương trình nghiên cứu khoa học được triển khai đồng bộ, quy mô lớn và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”. Trong năm 2017, Học viện đã tổ chức những Hội thảo quy mô lớn, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khoa học như: Hội thảo “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực: giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại (1917-2017)” và Hội thảo quốc tế “55 năm quan hệ hữu nghị, đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào”. 

Đặc biệt, Học viện đã tạo dựng một hình ảnh mới thông qua nhiều hoạt động hợp tác quốc tế hết sức sôi động; từ việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế cho đến việc thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu lớn như: Chương trình “Đối tác chia sẻ kinh nghiệm vì tầm nhìn Việt Nam (DEEP)” hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc và các đối tác xây dựng “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam”; phối hợp với Viện Hành chính công Hàn Quốc (KIPA) và Ngân hàng thế giới xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả chính phủ"…

Bên cạnh đó, năm 2017 Học viện đã trực tiếp hướng dẫn, giúp các địa phương sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Học viện đã tổ chức các cuộc Hội thảo về công tác nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam để phục vụ tổng kết Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo kiến nghị có chất lượng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Chỉ thị quan trọng này. 

Thứ tư, công tác trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có bước chuyển tích cực rõ rệt, hiệu quả và trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Học viện. Trong gần hai năm qua, Học viện đã tổ chức hơn 35 đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác trường chính trị; tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03-9-2008 của Ban Bí thư về các trường chính trị, trên cơ sở đó trình Ban Bí thư dự thảo quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Điểm nhấn trong năm 2017 là việc tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VI - 2017 tại Nghệ An và Đăk Lăk. Hội thi có ý nghĩa thiết thực đối với toàn bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống trường chính trị, trường bộ, ngành trong cả nước, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị, trường bộ, ngành. 

Bồi dưỡng giảng viên trẻ cả về kiến thức thực tế và chuyên môn 

Phóng viênLà đơn vị duy nhất có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học cho hệ thống chính trị, những kết quả của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đạt được trong những năm qua đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, luôn tồn tại những vấn đề chưa thực sự hoàn thiện. Ở cương vị người đứng đầu, xin đồng chí chia sẻ về những điều đồng chí còn chưa thấy “ưng ý” trong năm vừa qua? 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Hiện nay, tổ chức, bộ máy của hệ thống Học viện vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo. Chức năng, nhiệm vụ giữa một số đơn vị làm công tác chuyên môn và công tác quản lý chưa được phân định rõ. Để khắc phục vấn đề này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện năm 2018 là triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, trong đó sẽ cơ cấu lại, sáp nhập một số đơn vị để phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ được giao và đảm bảo sự quản lý hệ thống, đồng bộ, liên thông trong toàn Học viện. 

Ngoài ra, cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật của Học viện hiện vẫn còn lạc hậu, thiếu so với yêu cầu công việc nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý hệ thống và việc triển khai chủ trương tăng cường các lớp học theo hệ tập trung. Bởi vậy, trong năm 2018 Học viện sẽ tập trung nguồn lực, chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng cơ bản, đặc biệt là những dự án xây dựng ký túc xá cho học viên tại Học viện trung tâm và các Học viện khu vực để đáp ứng yêu cầu trên. 

Chương trình đào tạo của Học viện tuy được điều chỉnh nhưng vẫn còn những nội dung nặng về lý luận, chưa theo kịp với thực tiễn sinh động đang thay đổi nhanh chóng hiện nay. Việc cập nhật, biên soạn những giáo trình mới và đưa vào giảng dạy còn chậm; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, thiếu sự tương tác, trao đổi, thảo luận giữa giảng viên với học viên. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trong năm 2018 của Học viện là hoàn thành việc xây dựng và đưa vào triển khai Đề án "Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế” đồng thời từng bước thực hiện việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo của Học viện. 

Tình trạng ngại học, lười học tập lý luận chính trị để nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng chưa được khắc phục. Tuy công tác quản lý học viên đã có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc phối hợp giữa Học viện với cấp ủy cử cán bộ đi học chưa thành nền nếp, nội dung rèn luyện của học viên chưa được chú trọng. Đại đa số học viên có ý thức chấp hành tốt song vẫn xuất hiện tình trạng đối phó của một bộ phận nhỏ học viên đối với kỷ cương, kỷ luật của nhà trường. Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục tăng cường quản lý học viên một cách chặt chẽ và toàn diện, không chỉ về tinh thần, thái độ học tập mà cả về văn hoá ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày phù hợp với chuẩn mực của văn hóa Trường Đảng. 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của Học viện tuy đông về số lượng nhưng còn mỏng về chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có xu hướng ngày càng giảm dần, ngay cả ở những lĩnh vực đặc thù riêng có được xem là thế mạnh của Trường Đảng gây ra sự hẫng hụt. Để khắc phục điều này, chúng tôi đang triển khai Đề án: "Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó chú trọng việc bồi dưỡng các giảng viên trẻ cả về kiến thức thực tế và chuyên môn. 

Chú trọng những vấn đề mới 

Phóng viênNăm 2018 đánh dấu hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, để sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực cấp cao cho Đảng, xin đồng chí cho biết Học viện sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm nào? 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Được sự phân công của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Học viện đang xây dựng nội dung chương trình và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Theo đó, cách thức tổ chức các lớp dự nguồn lần này sẽ có nhiều đổi mới. Các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ chiến lược ở cấp Trung ương sẽ được tổ chức tại Học viện trung tâm; còn các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh sẽ được tổ chức tại các Học viện khu vực. Nội dung của chương trình bồi dưỡng chú trọng những vấn đề mới, gắn với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và Việt Nam như: phát triển bao trùm và bền vững; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển kinh tế số; cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả… 

Tuy nhiên, các chương trình sẽ được thiết kế khác nhau và chọn lọc phù hợp với từng đối tượng học viên. Ví dụ, các chương trình dành cho cán bộ dự nguồn ở Trung ương cần nhằm trang bị các kiến thức mang tính vĩ mô, chiến lược; trong khi các chương trình dành cho cán bộ dự nguồn ở địa phương cần chú trọng các vấn đề cụ thể và thực tiễn hơn. 

Việc khảo sát thực tế nước ngoài và mời chuyên gia quốc tế giảng bài cũng khác trước. Học viên các lớp dự nguồn khi ra nước ngoài học tập sẽ tập trung khảo sát, tìm hiểu các mô hình, kinh nghiệm phát triển cụ thể. Bài giảng của các chuyên gia quốc tế cần xuất phát từ những vấn đề mà Việt Nam quan tâm, đồng thời cần chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm tốt, bài học hay của phía nước ngoài. Học viện hiện đang làm việc với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Viện Nhân sự quốc gia Nhật Bản và Học viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản (GRIPS) về những vấn đề này.

Hòa chung với không khí phấn khởi và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2018 - năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng là Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Phóng viênTrân trọng cảm ơn đồng chí./.

Theo TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất