Quá khứ không chỉ hữu ích cho ngày hôm nay thông qua những bài học lịch
sử xương máu, mà quan trọng hơn, nếu quên đi quá khứ, quên đi những
người đã nằm xuống, thì cuộc sống hôm nay cũng không còn xứng đáng,
không còn ý nghĩa.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vừa có
những quyết định mới liên quan tới chế độ, chính sách với người có công.
Theo đó, Chính phủ quyết định dành thêm 840 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở
cho thêm 313.707 hộ gia đình người có công. Thủ tướng cũng quyết định
tăng chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương
binh-Liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi
công cho 498 liệt sĩ, trong đó có 94 liệt sĩ hy sinh từ thời kỳ kháng
chiến chống Pháp.
Trên thực tế, trong những năm qua, chúng
ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ
trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng
được hoàn thiện.
Năm 2017 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ
có ý nghĩa rất lớn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm đề xuất
để tổ chức các hoạt động kỷ niệm xuyên suốt, tạo động lực cho toàn dân
chăm lo, tri ân người có công. Trong đó, việc cần quan tâm đầu tiên là
vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa
được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ.
Đặc biệt, trong những ngày này, Thủ
tướng cũng nhiều lần nhắc tới “điều day dứt”, “nỗi đau khắc khoải” trong
lòng người thân các liệt sĩ và trong mỗi chúng ta khi nhiều thương
binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm
được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những
gia đình chưa được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,
hiện có 28.500 trường hợp đang kê khai đề nghị hưởng chính sách người
có công, trong đó 5.900 trường hợp đề nghị công nhận thương binh, liệt
sĩ và người hưởng chính sách như thương binh. Đặc biệt, chiến tranh đã
đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ còn nằm ở nơi
này nơi khác và vẫn còn 300 nghìn liệt sĩ đã quy tập chưa rõ danh tính.
Thật khó có thể dùng từ nào để nói hết
được và cũng không gì bù đắp lại được những cống hiến, hi sinh, mất mát
to lớn của đồng chí, đồng bào. Nhưng đến nay, chúng ta đã thực hiện
chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng, trong
đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000
thương binh, bệnh binh; hàng trăm nghìn người bị địch bắt, tù đày, bị
nhiễm chất độc hóa học… Những con số này đã phần nào nói lên được trách
nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng của các thế hệ hôm nay với những
người đi trước.
Khép lại quá khứ đau buồn, nhưng chúng
ta không lãng quên quá khứ, lãng quên đi những nỗi tiếc thương những
người đã khuất. Quá khứ không chỉ hữu ích cho ngày hôm nay – thông qua
những bài học lịch sử xương máu. Mà quan trọng hơn, nếu quên đi quá khứ,
quên đi những người đã nằm xuống, thì cuộc sống hôm nay cũng không còn
xứng đáng, không còn ý nghĩa. “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị
quên lãng”, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Họ chết cho Tổ quốc
sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non
sông Việt Nam.
Càng thấm thía giá trị của độc lập, tự
do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc, chúng ta kiên quyết bảo vệ những
gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình giữ vững độc lập, tự
do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống
trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những
cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí, đồng bào, đoàn kết một
lòng, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to
đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Đó cũng là nén “tâm nhang” ý nghĩa nhất
với những người đã nằm xuống, với những hi sinh mất mát không gì bù đắp
nổi của những người đi trước!./.
Theo chinhphu.vn