Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 20/7/2017 20:20'(GMT+7)

Giảm nghèo nhanh nhưng khoảng trống phúc lợi ở miền núi lớn

Thiên tai là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ em vào đói nghèo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thiên tai là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ em vào đói nghèo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu phương pháp luật về nghèo đa chiều ở trẻ em và lồng ghép vào nghèo đa chiều quốc gia do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức sáng 20/7, tại Hà Nội.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở trẻ em từ năm 2006 với 15 chỉ tiêu của 7 chiều phúc lợi. Nghèo đa chiều ở trẻ em tại Việt Nam năm 2016 được xây dựng với 19 chỉ tiêu của 8 chiều phúc lợi (dinh dưỡng, y tế, học tập, nhà ở, môi trường, tiếp cận thông tin, lao động trẻ em và bảo vệ trẻ em), nhiều hơn so với 10 chỉ tiêu của 5 chiều phúc lợi của phương pháp nghèo đa chiều quốc gia (y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống, thông tin).

Theo Báo cáo Nghèo đa chiều ở trẻ em Việt Nam 2017, gần 50% trẻ nghèo đa chiều sống trong các hộ gia đình không nghèo tiền tệ. Trẻ em có nhu cầu khác với người lớn, thường có ít ảnh hưởng trong các quyết định mua sắm của hộ gia đình hay phân bổ nguồn lực. Do đó, các yếu tố khiến trẻ dễ bị tổn thương thường dễ bị bỏ qua nếu chỉ tập trung vào chỉ số tiền tệ, phúc lợi.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ dựa vào các chỉ số nghèo cấp hộ gia đình, chúng ta có nguy cơ bỏ qua những trẻ em nghèo và dễ bị tổn thương có thể sống trong các hộ gia đình không nghèo. Nghiên cứu cho thấy, trên 1/4 trẻ nghèo đa chiều sẽ không thể được xác định là nghèo bởi bất kỳ một phương pháp đo lường nào.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, thành viên nhóm nghiên cứu Báo cáo Nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam cho biết, tỷ lệ nghèo đa chiều của trẻ em có sự tác động nhiều từ bốn yếu tố là nghèo tiền tệ, người dân tộc thiểu số, chủ hộ không có giáo dục và hộ gia đình đông con.

Theo kết quả khảo sát, trẻ em từ hộ không nghèo nhưng có nguy cơ nghèo đa chiều hơn cả trẻ em nghèo về chi tiêu (14,1% so với 11,7%) nếu hộ đó là dân tộc thiểu số và không có học vấn, còn hộ kia là người dân tộc Kinh và có trình độ giáo dục cao hơn...

Trong số trẻ em có bốn yếu tố dễ bị tổn thương gồm: Nghèo tài chính, thuộc dân tộc thiểu số, có chủ hộ không có bằng cấp, và sống trong hộ gia đình có quy mô lớn thì tỷ lệ nghèo đa chiều trẻ em của nhóm này trên 50%, trong khi đó, đối với trẻ em không có bất kỳ những thiếu hụt này tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ 1,3%.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Cường cho rằng, các phân tích nghèo đa chiều thông thường có thể bỏ qua sự thiếu hụt trong các lĩnh vực quan trọng nhất đối với trẻ em, chẳng hạn như sức khoẻ, học tập và dinh dưỡng. Điều quan trọng là phải thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra phương pháp để xác định tốt hơn những trẻ em cần để xây dựng chính sách hỗ trợ tốt nhất./.

Hồng Kiều/VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất