(TG) - “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” là chủ đề của Hội thảo khoa học toàn quốc diễn ra vào ngày 19/12 tới đây, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.
Thông tin tại buổi Họp báo chiều 17/12, TSKH. Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) cho biết, việc tổ chức Hội thảo nhằm hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu:
Một là, đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến thực tiễn văn học, nghệ thuật trên tất cả các phương diện từ tổ chức, quản lý đến đầu tư, sáng tạo, giao lưu và quảng bá văn học, nghệ thuật từ khi ban hành chủ trương (tính từ dấu mốc năm 1997) đến nay.
Hai là, phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế của chủ trương trên từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật cụ thể; nêu và lý giải các hiện tượng, các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm lý luận và thực tiễn.
Ba là, đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; góp phần xây dựng định hướng phát triển văn học, nghệ thuật và dự báo xu hướng vận động, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ tiếp theo.
Kết quả của Hội thảo là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức những nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Theo ông Đinh Hữu Bảo, Chánh Văn phòng Hội đồng, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 67 tham luận của các tác giả. Về cơ bản, các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo. Trong đó, có nhiều tham luận chất lượng tốt, tập trung phân tích thấu đáo thực trạng và đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Dự kiến sẽ có khoảng 250 đại biểu tham dự Hội thảo, gồm đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội./.
Thế Hoàng