(TCTG) - Thực tế hiệu quả và cải cách đổi mới tốt hay không lệ thuộc chủ yếu ở năng lực và quyết tâm đổi mới cải cách của người đứng đầu đơn vị, địa phương
Đảng bộ Quận 1 luôn nỗ lực phấn đấu trong đổi mới, cải cách để phục vụ dân ngày một tốt hơn. Tuy có đạt được một số kết quả tích cực nhưng so với yêu cầu một Quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1 vẫn còn lời trách phiền của dân và doanh nghiệp ở đơn vị này, lĩnh vực nọ. Vấn đề là cần cải cách từ đâu? Lĩnh vực, nội dung gì cho thiết thực, khả thi đối với phạm vi một địa phương cấp Quận? Với chủ trương quyết tâm đổi mới cải cách, ngày 08/5/2006, Quận ủy có kế hoạch số 12-KH/QU chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Cán bộ công chức Quận 1 học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhưng chỉ mới triển khai bước đầu. Đến ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, Quận ủy Quận 1 tiếp tục xây dựng hai kế hoạch số 34-KH/QU ngày 09/02/2007 và số 54-KH/QU ngày 06/5/2008 triển khai diện rộng trong toàn hệ thống chính trị của quận, vừa tập trung triển khai điểm ở một số đơn vị. Trong đó giao Ủy ban Nhân dân Quận 1 tiếp tục chỉ đạo cải cách hành chính gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm thực hiện hai chuyên đề: (1) Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu và thực hành tiết kiệm; (2) Sửa đổi lối làm việc, nâng chất đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là số cán bộ phụ trách cấp phòng ban, Bí thư, Chủ tịch Phường để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Từ nhiệm vụ trên, Ủy ban Nhân dân Quận 1 chọn lĩnh vực công tác thuế, lĩnh vực nhà đất và công tác cán bộ là ba nội dung trọng tâm cho cải cách hành chính của Quận 1.
1. Trước hết, công tác thuế là lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây phiền hà nhũng nhiễu, tiêu cực cho dân doanh và doanh nghiệp trong khi những dân doanh và doanh nghiệp là người làm ra của cải cho xã hội và đóng góp ngân sách.
Mục tiêu của Quận 1 là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân doanh và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để đóng góp ngân sách Nhà nước, phấn đấu đưa Chi cục thuế Quận 1 bước vào Câu lạc bộ có số thu ngân sách 1.000 tỷ năm 2006 mà nhiều người cho rằng mục tiêu này là không thể.
Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ, Quận 1 chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu bằng đổi mới cơ chế quản lý và chọn bố trí người đứng đầu có năng lực và có quyết tâm đổi mới cải cách chứ không tập trung chống con người cụ thể, xử lý sự vụ cụ thể vì thực tế không thể làm hết được, chưa kể sự đối phó che dấu của người sai phạm. Quận 1 chủ trương cải cách phải quyết liệt nhưng có lộ trình và phải cố gắng “giữ gìn đoàn kết nội bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình” như Bác Hồ đã dạy vì đã mất đoàn kết thì không còn gì để cải cách nữa. Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo Chi cục thuế xây dựng một cơ chế quản lý, cách làm mới như sau: ban đầu tập trung đầu tư trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn thu, xây dựng phần mềm và nhập dữ liệu, từng bước quản lý nguồn thu qua mạng nên đảm bảo tính công khai minh bạch. Đến nay, 5.500 doanh nghiệp theo phân cấp quản lý Chi cục thuế Quận 1 đã quản lý qua mạng bằng mã vạch 02 chiều, hiện doanh nghiệp tự kê khai tự nộp thuế qua ngân hàng (80%), kho bạc (20%). Đối với hộ kinh doanh cá thể được công khai ổn định thuế 01 năm giúp cho người kinh doanh an tâm phát triển. Mặt khác, hộ kinh doanh nộp trực tiếp tiền thuế vào kho bạc, Chi cục thuế Quận 1 không còn thu tiền mặt nên khó dẫn tới việc viên chức thuế chiếm dụng tiền thuế để tiêu cực, số tiền nộp thuế được nối mạng giữa Kho bạc với Chi cục thuế hàng ngày.
Đồng thời Ủy ban Nhân dân Quận chỉ đạo một số phòng ban đơn vị (Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công ty Quản lý nhà, Kho bạc, …) liên thông với Chi cục thuế để rút ngắn thủ tục, thời gian trong việc đăng ký mã số thuế, nộp thuế trước bạ nhà đất, … Vừa qua Công ty tài chính quốc tế (IFC) đăng ký làm việc và qua kiểm tra quy trình vận hành của Chi cục thuế Quận 1 đã thống nhất đánh giá qua cải cách đã giảm từ 70 - 80% quỹ thời gian của Doanh nghiệp và người dân làm việc với cơ quan thuế Quận 1 so với trước khi áp dụng cơ chế quản lý mới. Năm 2006 và 2007 Chi cục thuế Quận tăng cường kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp nhưng đến 2008 đã thực hiện hình thức doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế, tự chịu trách nhiệm, đã từng bước xây dựng ý thức tự giác của người nộp thuế: “Nộp thuế là yêu nước”, được cả xã hội tôn trọng. Mặt khác, hàng năm Ủy ban Nhân dân Quận đều có tổ chức hội nghị tuyên dương và khen thưởng các doanh nghiệp nộp thuế tốt nhằm động viên, tôn vinh doanh nghiệp và xây dựng tốt mối quan hệ giữa viên chức thuế và người nộp thuế. Nói đến thành công của Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và thu thuế của Quận 1 không thể không nói đến sự đóng góp của 27 em khuyết tật, trong thực tế khi triển khai hệ thống quản lý qua mạng máy vi tính, vấn đề nan giải là kinh phí và nhân sự đâu đề xây dựng phần mềm, nhập dữ liệu và vận hành mạng quản lý này. Ủy ban Nhân dân Quận 1 đã mạnh dạn chi ngân sách địa phương và cho chủ trương để Chi cục thuế Quận 1 tuyển hợp đồng các em khuyết tật có trình độ kỹ sư tin học với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng/người với tổng số ban đầu là 25 em. Vấn đề này vướng quy định về tiêu chuẩn sức khỏe khi tuyển cán bộ công chức và trong thực tế người lành lặn có trình độ kỹ sư tin học thì mức lương 1,2 triệu đồng/tháng/người sẽ không tuyển được, nhưng mức lương cao hơn ngân sách không cho phép, nhất là khi việc cải cách, đổi mới chưa có kết quả?
Thực hiện lời Bác Hồ dạy với tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và tạo điều kiện cho mỗi người có thể đóng góp cho công việc chung, và thực tế công việc đang rất cần đôi bàn tay và cái đầu có hiểu biết về tin học và chuyên môn nghiệp vụ, Quận 1 đã mạnh dạn chi ngân sách và cho chủ trương tuyển người khuyết tật có trình độ tin học vào làm việc ở cơ quan thuế Quận 1 và năm 2007 đã triển khai tuyển nhân viên khuyết tật quản lý mạng cho 10 phường trong Quận 1. Việc này đã mang lại hiệu quả bất ngờ vì các em rất yên tâm và có trách nhiệm trong công việc, không đòi hỏi lương cao như những người có trình độ tương đương. Bác Hồ dạy cán bộ việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, với mục tiêu cải cách để bộ máy ngày càng phục vụ dân tốt hơn, cố gắng lo cho dân. Với kết quả công tác thu ngân sách năm 2005 của Quận 1 là 740 tỷ đồng, năm 2006 là 1.017 tỷ đồng, năm 2007 là 1.560 tỷ đồng và năm 2008 là 2.140 tỷ đồng, nếu so với chỉ tiêu pháp lệnh, mỗi năm Quận 1 đều thu vượt khoảng 300 đến 400 tỷ đồng nhưng cái được lớn ở đây không chỉ là những con số ngàn tỷ nêu trên mà chính là lòng dân, lo cho dân. Thực tế khi có cơ chế quản lý công khai minh bạch hiệu quả thì tham nhũng tiêu cực đã bị đẩy lùi và con số trích % trên số thu vượt đã giúp Quận 1 kết dư ngân sách tốt để đầu tư phát triển chứ không chỉ mong đợi vào con số 10% tiết kiệm theo quy định. Năm 2006 Ủy ban Nhân dân Quận 1 chủ trương miễn thuế cho trên 500 hộ kinh doanh nghèo, khó khăn, năm 2007 miễn 1.000 hộ, năm 2008 miễn, giảm thuế cho 3.200 hộ và trong điều kiện kinh tế suy thoái hiện nay Quận 1 vẫn kiên trì chủ trương này và năm 2009 dự kiến giảm và miễn khoảng 7.000 hộ, đặc biệt là những hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống ở các chợ của quận. Quận 1 nhận thức việc làm này là để chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo, là một hình thức xóa đói giảm nghèo của Quận 1. Về phương pháp quản lý mới Quận 1 chủ trương giữ mức thuế ổn định cho 13.000 hộ kinh doanh cá thể, điều này dẫn đến giảm nhân sự quản lý khu vực hộ cá thể để tập trung nhân sự cho quản lý khu vực doanh nghiệp chiếm 70% nguồn thu.
Bác Hồ dạy cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của công việc nên cải cách công tác thuế của Quận 1 là chủ trương của cấp ủy, điều hành của chính quyền Quận nhưng việc tổ chức thực hiện thành công là do vai trò của người đứng đầu, đó là Chi cục trưởng Chi cục Thuế và tập thể lãnh đạo của đơn vị này.
Cuối năm 2005, Quận ủy và Ủy ban Nhân dân Quận đánh giá năng lực và ý thức quyết tâm đổi mới của đ/c Đặng Khắc Phúc và đã mạnh dạn chọn và thống nhất với lãnh đạo Cục thuế Thành phố đề bạt đồng chí Phúc bố trí phụ trách ngành thuế của quận và từng bước bổ sung nhân sự một số Chi cục phó để có một tập thể lãnh đạo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên kinh nghiệm rút ra là khi đã chọn và bố trí người đứng đầu có năng lực và quyết tâm cải cách, đổi mới thì cấp trên phải theo dõi, ủng hộ, tạo điều kiện và bảo vệ để cán bộ được phân công có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tế, khi có hướng bố trí đào tạo đ/c Phúc với cương vị Chi cục trưởng (lúc đó là cấp phó kiêm Bí thư Đảng bộ Chi cục thuế) trong Đại hội Đảng bộ Chi cục thuế Quận 1, một số đối tượng tiêu cực, không chịu cải cách đã vận động bỏ phiếu đánh rớt đồng chí Phúc tham gia cấp ủy (mặc dù trước đó bỏ phiếu thăm dò phiếu rất cao), Thường trực Quận ủy đã trực tiếp động viên và tạo điều kiện cho đ/c Phúc kiên trì cải cách, lấy hiệu quả công việc để chứng minh và với kết quả năm 2006 Quận 1 bước vào Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng thì con số này đã thuyết phục mọi người đồng tình ủng hộ, đồng thời lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo tích cực xử lý những khiếu nại và tố cáo (nặc danh) nhằm “phá” việc cải cách tại đơn vị này. Năm 2007 Ban Thường vụ Quận ủy đã kiến nghị Thành ủy chỉ định bổ sung Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận 1 vào Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quận tạo điều kiện để đồng chí tiếp tục thực hiện cải cách đổi mới, đảm bảo kết quả thu ngân sách của Quận 1 năm 2008 là 2.140 tỷ đồng, bước vào Câu lạc bộ 2.000 tỷ đồng với vị trí xếp hạng thứ 11 trong 63 tỉnh, thành.
2. Thấm nhuần lời Bác dạy: cán bộ là công bộc của dân, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Quận 1 tập trung cải tiến đổi mới nâng chất công tác giải quyết hồ sơ hành chính để phục vụ cho dân ngày càng tốt hơn. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều hoạt động liên thông để giảm thời gian đi lại, giảm giấy tờ phải nộp, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ, kể cả thực hiện dịch vụ công qua mạng (như: cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trích lục các giấy tờ hộ tịch, đăng ký lao động, đăng ký mã số thuế, …)
Năm 2007, 2008 các dịch vụ công hầu hết đều giải quyết đúng hạn 100%, đối với hồ sơ nhà đất (hợp thức hóa quyền thuê, chuyển quyền thuê và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) do tính phức tạp về pháp lý, nguồn gốc và quá trình sử dụng nên dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời gắn với trách nhiệm pháp lý cán bộ thụ lý khi xảy ra sai sót yêu cầu tính cẩn trọng trong thụ lý giải quyết nên tỷ lệ hồ sơ nhà đất giải quyết đạt trên 94%. Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ công chức công tác trong lĩnh vực nhà đất (trong năm 2008 hồ sơ nhà đất thụ lý là 9.242 hồ sơ các loại), trong năm giải quyết trễ hạn 328 trường hợp đều có thư xin lỗi dân để được dân thông cảm. Trong tỷ lệ trễ hạn nêu trên có việc do tính phức tạp phải chờ xác minh, có trường hợp chờ ý kiến của cấp trên xem xét vì thẩm quyền và quy trình giải quyết hồ sơ nhà đất không giải quyết khép kín trong hệ thống hành chính của Quận mà còn liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền xem xét của Sở ngành và Ủy ban Nhân dân Thành phố.
3. Bác dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không …”. Quận 1 nhận thức vai trò công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, nhất là khi đã có Nghị quyết, có mục tiêu giải pháp tốt nhưng cán bộ không tốt về năng lực và phẩm chất đạo đức sẽ không làm gì được.
Năm 2008 Quận ủy đã xây dựng và triển khai hai kế hoạch số 50 và 62-KH/QU về nâng cao chất lượng công tác trong cơ quan Quận ủy và hệ thống chính trị của Quận, bước đầu có chuyển biến trong nhận thức và trong cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan đơn vị. Qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, chuyên đề: sơ đồ tư duy, bản mô tả công việc, xây dựng hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, những việc phải làm của từng chức danh cán bộ, mô tả biện pháp cách làm, thời gian hoàn thành, những yêu cầu phải đạt được … đã góp phần nâng khả năng thực hiện và hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ chuyển biến khá rõ nét, tạo nên một phong trào học tập, tự học trong cán bộ công chức. Năm 2009, Quận 1 tiếp tục tập trung đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp ứng xử, xây dựng tác phong thái độ phục vụ của cán bộ công chức khi tiếp xúc, thực thi công vụ với nhân dân, xây dựng tinh thần tự học, tự rèn luyện về năng lực, phẩm chất đạo đức theo tấm gương đạo đức của Bác để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đối với yêu cầu phấn đấu của cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban và lãnh đạo cấp Phường phải tăng cường lắng nghe, tăng cường đi cơ sở, giảm những cuộc họp không cần thiết, dám chịu trách nhiệm và chủ động đề xuất kiến nghị trong xử lý công việc. Việc đánh giá, bố trí cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu, Ban Thường vụ Quận ủy thống nhất chủ trương những cán bộ nào (người đứng đầu) mà hiệu quả công tác hạn chế, có dư luận về năng lực, phẩm chất không tốt, kéo dài không khắc phục thì kiên quyết tìm nguồn và mạnh dạn bố trí, thay thế chứ không chờ có chứng cứ, sai phạm cụ thể. Thực tế hiệu quả và cải cách đổi mới tốt hay không lệ thuộc chủ yếu ở năng lực và quyết tâm đổi mới cải cách của người đứng đầu đơn vị, địa phương. Vấn đề cốt lõi là khi đã chọn và bố trí người đứng đầu có năng lực, có quyết tâm cải cách thì cấp trên phải theo dõi, ủng hộ, tạo điều kiện để cán bộ được phân công có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tế ở Chi cục thuế Quận 1, Thanh tra xây dựng Quận 1, Ban Quản lý dự án Quận 1, … là những điển hình khá rõ nét ở Quận 1 trong quá trình cải cách của địa phương.
Thực tế cải cách hành chính đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ cả trên - dưới (các cấp) và phải có lộ trình, có mục tiêu trọng tâm trọng điểm, và giải pháp thích hợp, đặc biệt là vai trò năng lực và quyết tâm của người đứng đầu. Điều mà Quận 1 băn khoăn, trăn trở thậm chí vướng mắc hiện nay là Bác dạy chúng ta phải chăm lo sức dân và cán bộ làm tốt công tác cũng phải được chăm lo để động viên khích lệ. Tuy nhiên, chế độ chính sách khen thưởng và lương thu nhập hiện nay còn hạn chế, chưa sát hợp với cuộc sống thực tế nhất là giá cả biến động cao ở địa bàn trung tâm như Quận 1. Trong thời gian qua Chính phủ, Thành phố có một số chính sách hỗ trợ nhưng chưa đủ để ổn định, chỉ là biện pháp tạm thời. Có lẽ Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh cần được các cấp xem xét cho phép được thực hiện một cơ chế đặc thù sẽ là điều kiện thuận lợi để Quận 1 tiếp tục đổi mới cải cách và phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Lê Bá Cần (Bí thư Quận ủy quận 1- TP Hồ Chí Minh)