“Trước đây có những phong trào mà khi tham gia, nhiều người còn có tâm lý làm cho có lệ. Nhưng với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng tôi cảm nhận được tất cả đều đồng tâm thực hiện bằng cả tấm lòng!”.
Đó là suy nghĩ chung các cá nhân điển hình được tuyên dương trong Chương trình giao lưu “CNVC-LĐ với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Liên đoàn Lao động TP.HCM vừa mới được tổ chức.
1- “Sáng nay, nhặt được 5.000 đồng trong lớp, em nộp cho cô để trả lại bạn bị mất”, “Giờ ra chơi, thấy trước phòng học có ai vứt bịch ni lông, em đã nhặt bỏ vào thùng, sau đó, em còn thấy bạn A. ăn bánh xong rồi xả rác ra sân, em nhắc bạn lượm bỏ vô giỏ rác”… Những dòng nhật ký ấy là của các em bé chưa đầy 10 tuổi. Kể chuyện về lớp 3A của mình, cô Tống Thị Kiểm, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 7, TPHCM không giấu vẻ tự hào.
Từ khi nhà trường phát động thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lớp 3A của cô giáo Kiểm đã có nhiều hoạt động hết sức sáng tạo. Những việc làm tốt và chưa tốt, những biểu hiện ngoan và chưa ngoan được cô và trò cùng viết vào một quyển nhật ký treo trang trọng trong góc học tập của lớp.
Hàng tuần, vào giờ sinh hoạt lớp, cô trò lại đem ra đọc lại để tuyên dương, khen thưởng hay nhắc nhở, phê bình. Chưa hết, với sự hướng dẫn của cô Kiểm, các em còn thi kể chuyện, làm thơ về Bác. “Từ ngày toàn trường phát động thi đua làm theo lời Bác, học trò của tôi ngoan hơn, trung thực và chăm học hơn” - cô Kiểm kể.
Chuyện của các em học sinh là vậy. Còn cô Kiểm, từ ngày có phong trào học và làm theo gương Bác, bản thân cô thấy mình phải có trách nhiệm quan tâm, mở lòng hơn đối với phụ huynh học sinh và anh chị em đồng nghiệp. “Nhiều khi giữa đêm khuya, tôi nhận được điện thoại… tâm sự của phụ huynh học sinh. Nhiều chị đơn thân nuôi con nên rất hoang mang, lo lắng khi con có biểu hiện không ngoan. Thấu hiểu điều đó, tôi luôn cố gắng lắng nghe để chia sẻ, động viên các chị cùng với nhà trường giáo dục các em” - cô Kiểm nói.
2- Từ năm 2006, anh Phạm Thanh Sơn được giao thêm nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực kê khai, kế toán, tin học ở Chi cục Thuế quận 1. Ở cương vị mới, Sơn quyết tâm cải tiến phương pháp làm việc. Anh Sơn để ý thấy người dân sau khi đăng ký kinh doanh tại phòng Kinh tế lại phải sang Chi cục Thuế đăng ký mã số thuế, thời gian tổng cộng mất cả chục ngày.
“Tôi thấy rằng có nhiều thông tin trên giấy phép kinh doanh trùng hợp với thông tin trên mã số thuế nên có thể dùng chung dữ liệu từ phòng kinh tế. Nhờ vậy, không chỉ giúp người dân đỡ tốn công đi lại mà thời gian cấp mã số thuế cũng giảm chỉ còn 30 phút”, anh Sơn nói.
Từ chỗ phải huy động 15 người đảm nhận việc cấp mã số thuế, khi ứng dụng công nghệ thông tin, nhân sự cho khâu này giảm còn 3 người. Có một điều đặc biệt là “nhân lực” của Đội Kê khai Kế toán tin học của Sơn phần lớn là các bạn khuyết tật, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
“Biết các bạn có sức khỏe không tốt, tôi cố gắng sắp xếp từng bạn vào những vị trí phù hợp với khả năng của mình. Như bạn Oanh bị nhiễm chất độc da cam được bố trí nhiệm vụ “quét” bản kê hóa đơn mua vào, bán ra. Anh Vũ bị liệt chân do sốt bại liệt nhưng có trình độ về tin học nên được giao nhiệm vụ viết phần mềm quản lý hồ sơ kê khai thuế, phục vụ cải cách hành chính” – anh Sơn cho biết.
|
Đại diện BTC tặng hoa các điển hình công nhân viên chức lao động với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
3- Làm việc trong một công ty ngoài quốc doanh, không có thời gian và điều kiện để tham gia những cuộc thi tìm hiểu, kể chuyện về Bác, anh Nguyễn Duy Bảo, CN Công ty cổ phần Kỹ thuật mới đã làm theo gương Bác theo cách của mình. Đảm trách nhiệm vụ ở bộ phận in ấn, anh luôn tìm cách đặt mẫu sao cho tiết kiệm giấy in được nhiều nhất. “Công việc tưởng đơn giản nhưng phải động não, nếu không tính toán thì lượng giấy in lỡ dở sẽ rất nhiều” - Bảo nói.
Không chỉ phấn đấu cho riêng mình, Bảo còn vận động anh em CN tái sử dụng giấy, tính toán sát vật tư, nguyên liệu để giảm giá thành sản phẩm. Còn anh Châu Tiên Thức, Phó giám đốc Công ty nhựa Phước Thành thì học tập theo gương Bác bằng cách dồn sức chăm lo cho CN. Không chỉ tổ chức lớp bổ túc văn hóa cho CN nâng cao trình độ, anh Thức còn chủ trương cùng ban lãnh đạo công ty xây nhà lưu trú cho CN.
Bằng những việc làm thiết thực, cô Kiểm, anh Sơn, anh Bảo, anh Thức đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tấm gương của Bác sẽ là ngọn đuốc soi đường cho họ bước tiếp trên chặng đường sắp tới. Phát biểu tại buổi tuyên dương, đồng chí Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM nhấn mạnh: “TPHCM bước vào năm mới trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Đây là thời điểm để TP biến thách thức thành thời cơ và mỗi đảng viên phải gương mẫu, ra sức sống, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, là ngọn cờ đầu trong việc tập hợp, thu hút quần chúng thi đua hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”. /.
(Theo: Mai Hương/SGGP)