PGS, TS. Vũ Văn Phúc
(TCTG)- Hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã được toàn thể các thế hệ người Việt Nam sống trong nước và định cư ở nước ngoài hưởng ứng tích cực. Điều đó là cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp và lực lượng to lớn trong nhân dân để tiến hành có hiệu quả Cuộc vận động
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động ngày 3-2-2007, trong bối cảnh đất nước ta sau hơn 20 năm đổi mới, đã thu được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Mục đích của Cuộc vận động là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng và trong xã hội về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được toàn thể các thế hệ người Việt Nam sống trong nước và định cư ở nước ngoài hưởng ứng tích cực. Điều đó là cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp và lực lượng to lớn trong nhân dân để tiến hành có hiệu quả Cuộc vận động.
Những kết quả được thể hiện trên một số mặt cơ bản sau:
Về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Cuộc vận động
- Cấp ủy các cấp đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. Tại Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương làm Trưởng Ban. Tham gia Ban Chỉ đạo có Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo Hướng dẫn của Trung ương, các cấp, các ngành, đoàn thể đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban; thành lập các cơ quan giúp việc, tổ thư ký; xây dựng quy chế hoạt động... Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo các cấp đã từng bước được hoàn thiện, hoạt động đi vào nền nếp, có tác động tích cực đến kết quả Cuộc vận động.
Về tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trong năm 2007, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đã học tập những nội dung cơ bản của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” của Bác. Năm 2008 học tập “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Việc tổ chức học tập theo các chủ đề trọng tâm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn tài liệu, phát hành đến các chi bộ, đơn vị cơ sở. Nhiều ngành, địa phương đã biên soạn và phát hành các tài liệu về Bác Hồ với ngành, địa phương, các gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác..., phục vụ cho Cuộc vận động. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam và nhiều nhà xuất bản đã xuất bản các tài liệu, sách, đĩa CD-ROOM phục vụ cho Cuộc vận động. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên giới thiệu các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ cho báo cáo viên, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả tuyên truyền. Việc học tập được tổ chức theo tổ chức đảng cơ sở đã kết hợp chặt chẽ giữa nghe giới thiệu các chủ đề về nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tổ chức thảo luận; đánh giá tình hình đạo đức, lối sống của cơ quan, đơn vị; cá nhân viết thu hoạch, liên hệ, đề ra các chỉ tiêu phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Bác. Nhiều tỉnh, thành phố có trên 90% cán bộ, đảng viên, công chức tham gia học tập, thảo luận; nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt tham gia học tập cùng với cơ quan. Qua học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động; về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nâng lên, làm cơ sở để mỗi người tự giác học tập và làm theo.
Về xây dưng các chuẩn mực đạo đức cụ thể ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị
Nhiều ngành, địa phương đã xây dựng được các chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với thực tiễn công tác của cơ quan đơn vị, gắn với quy chế thực hành. Nhiều nơi quy định khá cụ thể cho từng nhóm đối tượng, như cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ hưu trí..., phù hợp với từng khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, trường học, sản xuất kinh doanh. Một số cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức báo cáo kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trong chào cờ sáng thứ hai hàng tuần; in, kẻ, treo các khẩu hiệu tuyên truyền, các quy tắc thực hành đạo đức ở cơ quan để nhắc nhở việc thực hiện và để nhân dân giám sát...
Về tổ chức và xử lý các ý kiến góp ý của nhân dân với tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị đã xác định yêu cầu lấy ý kiến nhân dân góp ý cho tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng, ban hành mẫu phiếu xin ý kiến và hướng dẫn cách thức lấy ý kiến quần chúng nhân dân nơi công tác, nơi cư trú. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương nhiều ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo, bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp với đặc điểm của cơ sở. Nội dung, hình thức nhận xét, góp ý của nhân dân cơ bản phù hợp với yêu cầu của Cuộc vận động và có tác dụng động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước. Trên cơ sở kinh nghiệm thu được, năm 2008 Ban Chỉ đạo Trung ương đã hướng dẫn các ngành, địa phương tự xác định nội dung xin ý kiến nhân dân góp ý với cán bộ, đảng viên đang công tác gắn với thực hiện Quy định 76-QĐ/TW về sinh hoạt nơi cư trú (sinh hoạt hai chiều).
Về tổ chức Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và ảnh hưởng sâu rộng của hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ giữa năm 2007 tất cả các ngành, các địa phương đã tổ chức Hội thi cấp cơ sở. Một số ngành, địa phương, đoàn thể, như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo... đã tổ chức Hội thi cho các đối tượng khác nhau. Trong năm 2008, Hội thi cấp huyện, tỉnh thành phố đã được tổ chức ở tất cả các ngành, địa phương phục vụ cho công tác tuyên truyền ở ngành, địa phương và chọn người dự thi chung khảo toàn quốc.
Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 5 hội thi chung khảo khu vực (có một hội thi dành cho người Việt Nam ở nước ngoài với 30 thí sinh tham gia, trong đó có 16 Việt kiều). Hội thi chung khảo toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 17, 18-10-2008 với 15 thí sinh được chọn lọc từ các hội thi khu vực. Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Hội thi Trung ương, trong toàn quốc đã có 19.097 hội thi được tổ chức, huy động được 234.858 người tham gia kể chuyện. Những thí sinh dự thi ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, cả những vị trong các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Các hội thi đã thu hút được hàng triệu quần chúng nhân dân, trực tiếp tham dự, cổ vũ, động viên. Đây thực sự là một sinh hoạt chính trị rộng lớn, là hình thức tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động; có sức lan tỏa ở nhiều ngành, địa phương. Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đã chọn Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kiện nổi bật số 1 trong 10 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội năm 2008.
Công tác tuyền truyền về Cuộc vận động
Ban Chỉ đạo các cấp đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, cả tuyên truyền miệng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động đã thu hút sự quan tâm của xã hội, cả trong nước và nước ngoài, góp phần tạo nên sự thống nhất nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Lễ phát động ở Trung ương trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng (3- 2-2007) được truyền hình trực tiếp tại các địa phương, tạo khí thế chung, ban đầu cho Cuộc vận động. Một số cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, như báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các báo của các ngành, đoàn thể chính trị và địa phương... đã thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ, vừa tổ chức tốt Cuộc vận động trong phạm vi của cơ quan, đơn vị mình, vừa hoàn thành trách nhiệm tuyên truyền về Cuộc vận động, mở và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục...
Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, về những tập thể, cá nhân điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai mạnh mẽ. Các hội Văn học, Nghệ thuật, Hội Nhà báo ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, động viên và tạo điều kiện để hội viên sáng tác. Đã có hàng ngàn tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo phục vụ tuyên truyền cho Cuộc vận động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức rà soát các chương trình giáo dục chính khóa, các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, đặc biệt và các môn khoa học xã hội và nhân văn, chính trị, giáo dục công dân trong nhà trường, để đề xuất phương án bổ sung hoặc tích hợp các nội dung của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa. Bộ đã chỉ đạo một số tỉnh, thành phố thí điểm các phương án nêu ra. Nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo làm thí điểm (như Hà Nội, Ninh Bình...) và đạt kết quả tốt. Những việc làm trên tạo cơ sở cho việc biên soạn tài liệu giảng dạy tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo các cấp
Cuối năm 2007, Ban Chỉ đạo Trung ương đã triển khai đợt kiểm tra tại các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phụ trách chỉ đạo điểm đã có những đợt trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được phân công. Năm 2008, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 04 hội nghị giao ban kết hợp kiểm tra các ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo các cấp cũng tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị trực thuộc để thúc đẩy triển khai Cuộc vận động ở địa phương, cơ sở. Công tác kiểm tra đã góp phần thúc đẩy triển khai Cuộc vận động đúng tiến độ và có chất lượng. Hình thức kiểm tra cũng đã từng bước được đổi mới. Việc tổ chức giao ban, kết hợp với kiểm tra vào cuối năm 2008 được dư luận đánh giá là thiết thực, hiệu quả.
Sau hai năm thực hiện Cuộc vận động, chúng ta có thể đánh giá chung trên một số mặt sau:
Trước hết, Cuộc vận động đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Các cấp ủy đã nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết triển khai Cuộc vận động, coi đây là Cuộc vận động lớn, thông qua đó để xây dựng Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội. Đã hình thành nhận thức chung, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng thực hiện thành công Cuộc vận động trước hết là trách nhiệm của tổ chức đảng trong giai đoạn hiện nay. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân coi việc phát động Cuộc vận động là sự lựa chọn “đúng” và “trúng”. Các chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hai năm qua đã có tác động tích cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nguyện vọng của nhân dân, thu hút được sự đồng tình ủng hộ, tự giác tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kể cả chức sắc tôn giáo, người tu hành. . . Đây là cơ sở đảm bảo cho việc tiếp tục triển khai sâu rộng Cuộc vận động. Thông qua Cuộc vận động ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đông đảo cán bộ, đảng viên được nâng lên, biểu hiện qua các hành động tự giác hàng ngày, trong các mối quan hệ đối với cá nhân, gia đình, với công việc, tập thể và cộng đồng.
Thứ hai, Cuộc vận động đã góp phần thiết thực tạo nên sự chuyển biến bước đầu trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong những công việc hàng ngày của mỗi người đã diễn ra trên phạm vi rộng và ở các cấp độ khác nhau. Tuy chưa đều và chưa trở thành phong trào rộng lớn, nhưng ở tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực công tác đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đã góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kết quả thống kê bước đầu cho thấy, các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng của cán bộ, đảng viên, công chức xảy ra trong năm 2008 giảm so với trước. Các cấp ủy đã quan tâm đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm. Tinh thần tự giác, tự phê bình, nhận khuyết điểm, phấn đấu khắc phục các yếu kém của cán bộ, đảng viên có tiến bộ. Việc xử lý các vụ việc vi phạm được đẩy mạnh hơn.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một nội dung cơ bản của Cuộc vận động năm 2008, đã có chuyển biến rõ nét, ở cả Trung ương và địa phương. Hầu hết ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đều có những kết quả cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả đó đã góp phần thiết thực vào việc khắc phục những khó khăn mới nảy sinh trong năm 2008, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; ý thức trách nhiệm trong công tác của cán bộ, công chức được nâng cao hơn. Trong nhân dân, những phong trào xã hội được đẩy mạnh; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn... thể hiện đậm nét hơn.
Bên cạnh những kết quả quan trọng thực hiện Cuộc vận động chúng ta cũng nhận thức rõ những hạn chế, bất cập. Đó là:
- Việc triển khai Cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đều, hiệu quả chưa cao; trong triển khai Cuộc vận động, sự chỉ đạo của các cấp uỷ còn lúng túng, thiếu sự thống nhất, kịp thời và đồng bộ, chưa thực sự sâu sát, cụ thể; nhiều đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt, đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kể cả các cơ quan Trung ương, chưa thực sự chủ động, tích cực tham gia Cuộc vận động, chưa nêu gương trong nói và làm, tích cực tham gia tuyên truyền về Cuộc vận động.
Nói chung, ở các địa phương việc triển khai Cuộc vận động tích cực, kịp thời, đồng bộ hơn Trung ương; các cơ quan đảng, đoàn thể làm tốt hơn các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước. Việc triển khai Cuộc vận động trong công nhân các doanh nghiệp tư nhân, khu công nghiệp còn lúng túng, khó khăn, chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
- Kết qủa chuyển biến về nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức chưa đồng đều. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc viết thu hoạch, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, đề ra phương hướng phấn đấu của cá nhân còn mang tính hình thức. Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hiện nguyên tắc trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau. . . chưa tốt.
- Kết quả làm theo còn chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn, tự giác làm theo tấm gương của Bác. Chuyển biến về hành động chưa nhiều, chưa đều, nhất là chống tham nhũng, lãng phí. Các điển hình tiến tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác còn chưa nhiều, chưa tạo nên sự biến đổi về chất.
Năm 2009, với mục tiêu tiếp tục triển khai và đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, tạo ra những kết quả cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chúng ta cần quan tâm, chú ý những nội dung sau:
- Đẩy mạnh Cuộc vận động đi vào chiều sâu, trở thành nội dung quan trọng trong mọi hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở mọi cấp mọi ngành. Tiếp tục cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương...
- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo ra môi trường xã hội tốt đẹp để mỗi tập thể, cá nhân tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, góp phần đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Đề cao sự nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị trước Đảng, trước nhân dân.
- Các cấp uỷ cần triển khai đồng bộ các hoạt động đẩy mạnh Cuộc vận động, như tổ chức hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí tôn vinh các gương điển hình tập thể, cá nhân; nâng cao vai trò của các đơn vị chỉ đạo điểm, tạo ra những điểm sáng có sức lan toả ra diện rộng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo các cấp./.