Một đạo diễn kể với tôi, anh đã xúc động đến nghẹt thở khi đặt chân đến gian bếp nhỏ nằm dưới tầng hầm của khách sạn Omni Parker House ở Boston (Mỹ)- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm công việc của người thợ làm bánh những năm 1911-1913.
Tâm trạng đó, cảm xúc đó, dường như có ở tất cả những người VN khi đến những nơi ngày xưa Bác Hồ từng làm việc, từng sống trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Trong thời gian 30 năm hoạt động ở nước ngoài và sau này là những chuyến đi thăm hữu nghị các nước anh em, Bác Hồ đã đặt chân lên 42 nước trên thế giới ở các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Người. Không chỉ là niềm yêu kính của người dân VN, Bác Hồ còn là niềm tự hào của những người lao động trên toàn thế giới. Tác giả Mary Billngsley trong bài viết về khách sạn Omni Parker House trên trang Web của tổ chức các quốc gia “những khách sạn được tín nhiệm trong lịch sử Hoa Kỳ”, đã viết: “Trong suốt thời gian dài của những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại tiệm bánh của khách sạn Omni Parker House. Cũng trong thời gian này, người còn theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)... Người thợ làm bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở Boston, ngày ngày đi bộ mấy dặm đường để đến MIT gần bờ sông Charler”. Nhà văn Susan Wilson, phóng viên tờ Boston Glole, thì viết trong một cuốn sách nói về khách sạn Omni Parker House: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng dành thời gian làm việc như một người thợ làm bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House. Người thợ đặc biệt đó đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này”.
Trong ký ức của ông Henry Prutnier - một thành viên của biệt đội Con Nai (nhóm OSS” - tiền thân của CIA, hình ảnh về Bác luôn hiện hữu với niềm thành kính: “Hồ Chí Minh chỉ có một và mãi mãi là con người lý tưởng”. Còn ông Pierre Brocheux - một trong những nhà sử học Pháp, nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam, tác giả cuốn chuyên khảo về Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000 tại Pháp thì khẳng định: “Hồ Chí Minh luôn là nhân vật cuốn hút tôi vì những phẩm chất và đạo đức của ông. Ông là một người rất nhân đạo. Điều đó thể hiện trong quan hệ của ông với mọi người, không chỉ với đồng bào của mình mà còn với nhân dân toàn thế giới. Điều mà ông quan tâm trước hết là con người chứ không phải là hệ thống tư tưởng, chính trị”...
Thời gian lắng đọng trên từng trang ký ức. Sự xúc động và niềm kính yêu đối với Bác luôn hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam khi nhớ về Người. Với thế giới, thì hai từ Việt Nam luôn gắn liền với hình tượng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ thực tế này, khi xây dựng kế hoạch hành động cho Năm Ngoại giao Văn hoá – năm 2009, Bộ Ngoại giao đã xếp đề án “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở vị trí số 1. Tôn vinh Người, cũng là cách đem hình ảnh VN đi xa hơn, đến với nhân dân trên toàn thế giới. Xuất phát điểm của Đề án chính là những công việc mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và đang làm từ nhiều năm nay- sưu tầm, bảo tồn, phát huy tác dụng các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Mặc dù Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng từ vài tháng nay, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài vào cuộc. Trên cơ sở kiểm tra thực tế các công trình trong danh mục của Bảo tàng Hồ Chí Minh để khẳng định sự tồn tại, hiện trạng thực tế và đính chính những chi tiết đã thay đổi do thời gian, các cơ quan đại diện của VN cũng tìm kiếm, phát hiện những địa chỉ mới và vận động chính quyền sở tại cho đặt công trình tưởng niệm Bác. Chỉ trong một thời gian ngắn, tin vui tới tấp bay về. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, trợ lý Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO cho biết: “Chúng tôi mới nhận được tin, ở Bắc Italia có một nhà hàng mang tên “Quán ăn cổ phố Hàng Cân”- Antica Trattoria della Pesa, có gắn 1 tấm biển 40 x60 cm với nội dung ghi bằng tiếng Italia, rằng nơi đây Hồ Chí Minh đã từng có thời gian làm phụ bếp trong thập niên 30”.
Cũng theo ông Thắng, ở Ulanbato của Mông Cổ có Trường trung học số 14. Từ tháng 5.1980 trường này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại, họ muốn xây dựng một Trung tâm Hồ Chí Minh trong khuôn viên của Trường để lưu giữ những kỷ vật về Người. Còn ở Bungari có một một vườn trẻ mang tên Hồ Chí Minh trong 20 năm (1970-1990), sau đó đổi tên thành Zvưntche và bây giờ lại có nguyện vọng được mang tên cũ và lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho con phố trước mặt vườn trẻ. Chính quyền Mexico thì quyết định sẽ đặt tượng Bác ở công viên Trung tâm Thủ đô Mexico và trên đại lộ Miguel Aleman của thành phố Acapulco để thể hiện tình cảm với vị lãnh tụ đã được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hoá của thế giới. Sự chuyển động đáng khích lệ này phải ghi công cho các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài.
Và như thế, trong năm 2009, khi Đề án “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” được triển khai trên thực tế, chúng ta- những người con của VN sẽ có cơ hội nhìn lại những địa chỉ mà Bác đã đi qua trong hành trình 30 năm hoạt động ở nước ngoài của Người. Đó là ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17 Paris- nơi Bác từng ở 20 tháng (từ 14.7.1921 đến 14.3.1923). Tại đây, Người đã tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và được bầu làm uỷ viên thường trực của Hội. Người đã khởi thảo Tuyên ngôn điều lệ và lời kêu gọi của Hội. Đây là một tổ chức yêu nước và cách mạng có tổ chức và quy mô đầu tiên hoạt động hợp pháp ở Paris. Hoặc, ngôi nhà số 248 và 250 đường Văn Minh- nơi Bác tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các thành viên yêu nước trong thời gian từ đầu 1926 đến 4.1927. Còn khách sạn Nam Dương ở Liễu Châu là nơi Bác ở từ cuối năm 1943 đến tháng 9.1944 sau khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng. Hiện nay, khách sạn là nhà số 2 đường Liễu Thạch thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc...
Trở lại khách sạn Omni Parker House, dễ nhận ra nơi đây đã từng là địa điểm hội tụ của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ, trong đó có nhà thơ Ralple Waldo Emernon...Omni Parker cũng là khách sạn của những Chính khách. Gian bếp nằm dưới tầng hầm khách sạn, nơi Bác làm việc 98 năm trước là một căn phòng nhỏ ( khoảng 20m2). Chiếc bàn đá dài màu trắng xám, vẹt 1 góc, đặt ở giữa phòng như một chứng nhân lịch sử. Phập phồng cảm giác thời gian lắng đọng trên 4 bức tường vàng nhạt. Đạo diễn Nguyễn Thước, người đã 2 lần đặt chân đến gian bếp này, cho biết: “ Khi được nếm thử loại bánh mà Bác Hồ từng làm khi xưa ở ngay chính gian bếp đó, nhiều người tham gia chuyến tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ chính thức năm 2005 đã ứa nước mắt. Trong mỗi chúng tôi lúc đó, hình ảnh người đầu bếp mảnh khảnh vượt nửa vòng trái đất đến Boston chấp nhận cuộc sống cực khổ mà canh cánh trong lòng vẫn là vận mệnh của đất nước và tương lai của người dân Việt đã gây xúc động mạnh. Nghe nói, Hội người Việt Nam ở Pháp đã từng đề đạt nguyện vọng mua lại chiếc bàn đá để giữ lại một kỷ vật quý liên quan đến Bác nhưng chủ khách sạn đã không đồng ý. Với họ, gian bếp và chiếc bàn làm bánh là một chứng tích lịch sử đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách từ nhiều quốc gia và khách sạn đã gìn giữ với một sự trân trọng”.
Xuân mới, nhớ về ký ức và dạo bước trên con đường ký ức theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ đến Đường Hồ Chí Minh ở Thủ đô Bucarét (Rumani), đến Đại lộ Hồ Chí Minh ở Thủ dô PhnômPênh (Campuchia), Trường cấp II Hồ Chí Minh ở huyện Jarugo (Cuba), Công viên Hồ Chí Minh ở Pét, tỉnh Boronho (Hungari), Quảng trường Hồ Chí Minh ở Maxcơva, Nhà hợp tác tại Làng Bản Mạy (Thái Lan)... để biết sự ngưỡng mộ của thế giới đối với Bác. Đến những địa danh xưa kia Bác từng sống và làm việc để nghiêng mình trước những hy sinh của Người vì vận mệnh của dân tộc. Và chúng ta hy vọng, trong năm 2009, với sự nhập cuộc của Bộ Ngoại Giao, Bộ VHTT&DL sẽ biết và có thêm những địa chỉ mới, những công trình mới tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó sẽ là những địa chỉ để người Việt ở nước ngoài hội tụ tưởng nhớ Bác trong những dịp Tết, lễ Quốc gia./.
(Theo: Chu Thu Hằng/Báo Văn hoá)