Lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời đại. Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định điều đó trước cộng đồng quốc tế. Thực tế Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo này, khi mà nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và đã liên tục thực hiện, thực sự chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đó. Điều khẳng định mang tính pháp lý mạnh mẽ này được minh chứng bởi các bằng chứng rõ ràng về việc thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các thời kỳ lịch sử.
Qua rất nhiều tài liệu có thể kết luận chắc chắn rằng Nhà nước Việt Nam trước kia là những người đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu, quản lý, khai thác trên danh nghĩa nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi mà quần đảo đó chưa hề nằm trong hệ thống địa lý hành chính của một nước nào. Sự chiếm hữu này là thực sự, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Nhiều tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước đã ghi rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam, nằm trong hệ thống địa lý hành chính của Việt Nam. Quần đảo Hoàng sa nằm ở khoảng giữa vĩ tuyến 16o - 17o vĩ Bắc và kinh tuyến 111o- 113o kinh Đông. Quần đảo Trường Sa ở vào khoảng 6o 50 - 12o vĩ Bắc và 111 o 20 20” - 117 o 20 kinh Đông.
Trong bản đồ Biển Đông của nhà hàng hải Méccato in năm 1633, đã vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành một dải liền nhau, hình lá cờ đuôi nheo nằm dọc theo bờ biển Việt Nam từ khoảng ngang Đà Nẵng tới cuối đồng bằng Nam Bộ. Nhà nghiên cứu Đuy-mu-chi-ê (M.G. Dumoutier) đã đề cập đến một tập bản đồ Việt Nam vẽ vào cuối thế kỷ XV gồm 24 mảnh, trong đó có mảnh thứ 19 đã thể hiện rõ ràng ở ngoài khơi Tỉnh Quảng Nghĩa có một bãi cát trải dài, mang tên Bãi Cát Vàng. Trong nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam cũng ghi chép rõ hai quần đảo trên thời đó được gọi chung là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa, hoặc Đại Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, nằm trong hệ thống địa lý hành chính của Việt Nam.
Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn (1726-1784) viết năm 1776 đã ghi chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) thuộc Phủ Quảng Nghĩa: “ Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi 3 gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa”.
Hơn nữa, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo đã được nhiều nhà hàng hải và giáo sĩ phương Tây xác nhận. Trong một bức thư của một giáo sĩ phương Tây đi trên con tàu I’Amphitri te từ Pháp qua Trung Quốc năm 1701, có đoạn viết: “ Tàu đi thuận gió và chẳng bao lâu lên đến ngang tầm quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Paracels là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một khối đá dễ sợ dài hơn trăm dặm, mang tiếng xấu vì những vụ đắm tàu ở đó từ trước đến nay”.
Năm 1816, Hoàng đế Gia Long chính thức thực hiện chủ quyền đối với quần đảo ấy và đã thân chinh vượt biển để đến thăm quần đảo Hoàng Sa và đã long trọng treo tại đó lá cờ thể hiện đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo. Ngoài ra, còn nhiều tài liệu khác của các nhà nghiên cứu phương Tây đã góp phần xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam nhiều thế kỷ trước, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã liên tiếp tiến hành điều tra, khảo sát địa hình và tài nguyên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã mô tả tỉ mỉ hình thế địa lý, tài nguyên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “ Huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều đảo, núi linh tinh trên 110 hòn. Giữa núi là biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc một vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có nước ngọt. Trong các đảo, có cồn Cát Vàng 2 (Hoàng Sa Chử) dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số tổ yến, các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh, trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc hoa thì có ốc tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai, vỏ có thể đẽo làm tấm bài, lại có thể nung vôi làm nề; có ốc xà cừ, làm đồ trang sức, lại có ốc hương. Thịt các thứ ốc đều có thể ướp muối để làm thức ăn. Có đồi mồi lớn, có ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn...”. Số lượng các hòn đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo các tài liệu khảo sát của ông cha ta cách đây hơn hai thế kỷ cũng trùng hợp với các số liệu trên các bản đồ hàng hải hiện đại ngày nay.
Trong những năm 1821-1848, sử ký Nhà Nguyễn đã ghi chép những đợt điều tra khảo sát liên tiếp ở hai quần đảo: năm 1815 Vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc. Năm 1816 Vua Gia Long lệnh cho thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển. Năm 1833, vua Minh Mệnh chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị thuyền để năm sau sẽ phái tới Hoàng Sa dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối. Năm 1834, vua Minh Mệnh cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ. Sau khi hoàn thành công việc và trở về, Trương Phúc Sĩ đã tâu với vua rằng “Hoàng Sa là những bãi cát giữa biển, man mác không bờ bến”. Năm 1836, chuẩn y lời tâu của Bộ Công, Vua Minh Mệnh sai suất Đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ.
Hơn nũa, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc gia làm chủ. Nhà Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến (Bãi Cát Vàng) lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn.
Phủ biên tạp lục kể lại chi tiết: "Trước họ Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh, sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng giêng nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu ra biển, 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy, rồi ở lại đó…Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, ngựa bằng đồng, bạc vụn, tiền bạc, vòng bạc, súng ống, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên dạ cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về vào cửa Eo (nay là cửa Thuận An) đến Thành Phú Xuân để nộp. Kế tiếp các chúa Nguyễn, Triều Tây Sơn tuy phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, nhưng vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Nhà vua sai cai Hội Đức Hầu đội Hoàng Sa dẫn bốn chiếc thuyền câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ".
Đi đôi với việc thăm dò, khảo sát và khai thác hải đảo, nhà nước phong kiến Việt Nam còn chăm lo đảm bảo an toàn cho tàu thuyền các nước qua lại, và củng cố chủ quyền của mình đối với hai quần đảo. Quần đảo Hoàng Sa lúc đầu còn là những đảo san hô trơ trụi. Các triều vua nhà Nguyễn đã cho người ra xây miếu, trồng cây, dựng bia, thiết lập các công trình nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền các nước qua lại, và củng cố chủ quyền của mình đối với các đảo. Tuy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khảo sát và vẽ thành bản đồ ngay từ những thế kỷ trước, nhưng qua từng thời gian, nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn tiến hành đều đặn việc đo đạc, khảo sát lại một cách tỉ mỉ, toàn diện. Năm nào không phái binh thuyền ra Hoàng Sa được thì phải được nhà vua cho phép. Năm 1847 dưới thời Vua Thiệu Trị, Thượng thư Bộ Công có tờ sớ tâu lên Vua Thiệu Trị: “ Xứ Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta. Theo lệ hàng năm có phái binh thuyền ra xem xét để thông thuộc đường biển. Năm nay công việc nhiều, bận, xin hoãn để năm sau ”. Trên tờ sớ có bút tích châu phê bằng son đỏ của Vua Thiệu Trị ghi chữ “ Đình”.
Theo các tài liệu lịch sử, đã có nhiều tàu biển nước ngoài qua lại bị đắm ở Hoàng Sa. Các thủy thủ và hành khách trên tàu còn sống sót đều được nhân dân và Triều đình Việt Nam giúp đỡ lương ăn và phương tiện để trở về nước.
Đô đốc Pháp, Bá tước Đe-xtanh (comte d'Estaing), người đã tham gia cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa của Pháp ở Viễn Đông trong những năm 1758-1862, ghi nhận là ông ta đã gặp những chiến thuyền Việt Nam thường xuyên tuần tiễu vùng quần đảo Hoàng Sa và nói rằng có tới 400 khẩu pháo đúc bằng gang, trong đó phần lớn là loại pháo của Bồ Đào Nha thu được từ các tàu đắm ở quần đảo Hoàng Sa".
Qua các tài liệu lịch sử nói trên là cơ sở chắc chắn để khẳng định rằng: Từ lâu và liên tục suốt mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc chiếm hữu và khai thác hai quần đảo của Nhà nước Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX trở về trước, chưa bao giờ gặp sự chống đối của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Điều đó là một bằng chứng đanh thép để khảng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo tập quán và luật pháp quốc tế. Sau khi ký với triều đình nhà Nguyễn bản Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi ký xong hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở trên đất liền và trong vịnh Bắc Bộ, triều đình Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến chuyện bành trướng xuống Đông Nam Á. Ngày 6/6 /1909, Đô đốc Lý Chuẩn được lệnh đưa hai tàu chiến nhỏ ra quần đảo Hoàng Sa bắn súng, kéo cờ mở đầu cuộc tranh chấp quần đảo đã có chủ này. Sau sự kiện đó nhà cầm quyền Pháp cho các pháo hạm tăng cường tuần tiễu trên các vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Năm 1933, chính phủ Pháp đã phái những đơn vị hải quân đổ bộ và dựng bia chủ quyền trên các hòn đảo chính trong quần đảo.
Ngày 30/3/1938, Vua Bảo Đại đã ký dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi Tỉnh Nam Ngãi để sáp nhập vào Tỉnh Thừa Thiên. Đạo dụ này cũng nhắc lại rằng “ quần đảo Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam từ lâu đời ”.
Năm 1938, nhà cầm quyền Pháp đã dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, xây dựng một đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa. Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, nhà cầm quyền Pháp đã nhiều lần phản kháng những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là hành động của chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc mượn cớ giải giáp quân Nhật, cuối năm 1946 cho quân ra chiếm đóng hai hòn đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính phủ Bảo Đại. Cùng thời gian này, do sự đấu tranh kiên quyết của Pháp trước đó, Chính quyền Trung Hoa dân quốc đã rút quân chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về Đài Loan.
Tại Hội nghị San Fran-ciscô về việc ký hòa ước với Nhật Bản, tháng 9 năm 1951, Trần Văn Hữu, Thủ tướng Chính phủ của Chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời khẳng định này được đưa ra trước Hội nghị có đại biểu của 51 nước tham dự, nhưng không có đại biểu nào lên tiếng phản đối hoặc bảo lưu.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, ngày 28/4/1956 Quân đội Viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn vẫn duy trì lực lượng đồn trú bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1957 các lực lượng Thủy quân lục chiến của Quân đội Sài Gòn đã được đưa ra quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ các quần đảo thay thế cho các đơn vị đồn trú trước đây. Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã cho dựng các bia chủ quyền trên các đảo Trường Sa, An Bang, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây.
Tháng 1 năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Sài Gòn lúc đó đã ra tuyên bố lên án Bắc Kinh dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Từ ngày 14/4/1975 đến ngày 29/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa do Quân đội Sài Gòn đóng giữ gồm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và An Bang. Sau đó các đơn vị Hải quân Việt Nam tiếp tục tổ chức việc bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này.
Một bằng chứng rõ rét nhất là mới đây ngày 1/8/2012 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã đã chính thức trưng bày tấm bản đồ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Triều Thanh - Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904. Tấm bản đồ, do chính Triều Thanh - Trung Quốc đo đạc và xác định, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Có thể nói: đây là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa của Việt Nam; một minh chứng hùng hồn nhất, bởi chính Triều đại Nhà Thanh cũng đã tự khảng định điều đó qua tấm bản đồ do họ vẽ và xuất bản.
Như vậy, qua nghiên cứu chứng cứ lịch sử, kể từ chế độ phong kiến đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương và đến ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), Nhà nước Việt Nam qua các thời đại đã tiến hành những hoạt động thực hiện chủ quyền Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự và liên tục. Với những tài liệu và chứng cứ lịch sử đã nêu ở trên chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định dứt khoát và chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, cần phải được tôn trọng và thực thi theo tập quán, thông lệ và luật pháp quốc tế.
Thật tiếc thay, những ngày vừa qua Trung Quốc đã ngang nhiên trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và cũng là sự vi phạm nghiêm trọng và thô bạo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết với ASEAN. Không những thế, Trung Quốc còn triển khai nhiều tàu hải quân, trong đó có cả tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu khu trục tên lửa, tàu quét mìn hoạt động xung quanh khu vực giàn khoan và liên tục gia tăng các tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, nâng tổng số lên 127 chiếc. Máy bay của Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở độ cao 300 - 500 mét trên khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để gây sức ép và uy hiếp các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn cho tàu vây ép, đâm va, dùng vòi rồng phun nước áp lực cao làm nhiều tàu Việt Nam bị móp vỏ và hư hỏng trang thiết bị, một số kiểm ngư bị thương trong các va chạm. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã đã bấp chấp luật pháp quốc tế và đạo lý; ngang ngược và hung hãn đâm chìm 1 tàu cá của Việt Nam khi đang hoạt động bình thường trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm đã và đang đe dọa trực tiếp đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đồng thời làm ngơ trước số phận của 10 ngư dân bị đe dọa tính mạng khi tàu chìm, đã bộc lộ bản chất vô nhân đạo, thiếu nhân tính của đội tàu Trung Quốc. Hành động này cần được lên án trước cộng đồng quốc tế.
Chúng ta kịch liệt phản đối những hành động gây hấn, trắng trợn, thô bạo của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ủng hộ lời tuyên bố hết sức thẳng thắn và có trách nhiệm cao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc…”. Đây là lời tuyên bố đanh thép của người đứng đầu Chính phủ, đã đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đã đập tan âm mưu xâm lược của nhiều đội quân hùng hậu có giã tâm xâm lược. Ngày nay, chúng ta có lẽ phải, có đông đảo bạn bè quốc tế đã từng ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. Chúng ta kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, rút hết giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không được tái phạm bằng bất cứ hình thức nào. Bằng sức mạnh tổng hợp cả chính trị, tinh thần, ngoại giao, pháp lý; bằng sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Giáo trình Luật Quốc tế- Đại học Luật Hà Nội, 1994.
Lưu Văn Lợi- Cuộc tranh chấp Việt Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Công An Nhân dân, 1995.
Nguyễn Q Thắng- Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế, Nhà xuất bản Tri thức, 1998.
Hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa- bộ phận lãnh thổ Việt Nam, Vũ Phi Hùng, nhà xuất bản Quân Đội Nhân dân, 1988.
TS. Nguyễn An Tiêm - Đại tá Vũ Xuân Phác