- Xin Ngài Thủ tướng cho biết đánh giá về phát triển quan hệ hữu
nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga trong các lĩnh vực chính trị, xã
hội, kinh tế, thương mại thời gian qua?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan
hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát
triển tích cực và ngày càng tốt đẹp. Quan hệ chính trị có độ tin cậy rất
cao với hàng loạt các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp
cao và nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, hiệu quả giữa hai nước.
Hai bên đẩy mạnh tiếp xúc trên tất cả các kênh đảng, chính quyền,
quốc hội, địa phương... với nhiều cơ chế đối thoại và hợp tác được thiết
lập và duy trì. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2018 và chuyến thăm chính thức Việt
Nam của Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga
Vyacheslav Volodin vào cuối năm 2018 đã tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác
hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, hai nước sẽ tổ chức Năm chéo Việt - Nga trong năm 2019-2020,
với nhiều hoạt động giao lưu, kỷ niệm và quảng bá, xúc tiến có ý nghĩa
nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ
hữu nghị Việt - Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
(1950-2020); góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó giữa hai dân
tộc, đưa hợp tác.
Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Lễ Khai
mạc sự kiện trọng đại này do hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Nga đồng
chủ trì sẽ sớm diễn ra tại Thủ đô Moskva.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có
hiệu lực đã tạo chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế-thương mại
giữa Việt Nam và Liên bang Nga, với kim ngạch thương mại hai chiều năm
2017 đạt 3,55 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016; năm 2018 đạt 4,57 tỷ
USD, tăng 28,6% so với năm 2017.
Kim ngạch thương mại 3 tháng đầu năm 2019 đạt 1,13 tỷ USD, tăng
10,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư giữa hai nước tiếp tục được mở
rộng với nhiều dự án lớn quan trọng (dầu khí, điện...) được triển khai
thời gian qua.
Cùng với hợp tác truyền thống về giáo dục-đào tạo và khoa học công
nghệ, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch...
Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được mở rộng, góp phần
làm phong phú thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov
duyệt Đội danh dự tại lễ đón ở sân bay Vnukovo 2. (Ảnh: TTXVN)
- Trong chuyến thăm này, Ngài và Thủ tướng Medvedev dự kiến trao đổi những vấn đề hợp tác song phương nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao thời gian qua đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này, tôi và Thủ tướng
Medvedev sẽ cùng nhau rà soát tình hình quan hệ hai nước thời gian qua,
trong đó có việc triển khai các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai
nước; trao đổi ý kiến về phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ
vướng mắc, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nga trên tất cả các lĩnh
vực, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hai bên sẽ tập trung trao đổi về một số dự án hợp tác quan trọng, như
xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ và hạt nhân, các dự án
dầu khí, hạ tầng năng lượng và giao thông tại Việt Nam; việc hỗ trợ
Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử... Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi về
một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hy vọng rằng chuyến thăm lần này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác
chiến lược toàn diện Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả,
đáp ứng lợi ích thiết thực của hai nước.
- Theo Thủ tướng, những lĩnh vực nào trong quan hệ hợp tác toàn
diện Việt - Nga đạt được nhiều tiến bộ nhất và lĩnh vực nào tiềm năng
chưa được khai thác?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt
Nam và Liên bang Nga có nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực. Hai
nước đã và đang tiếp tục hợp tác rất hiệu quả về năng lượng và dầu khí,
với nhiều dự án quy mô được triển khai tại cả Việt Nam và Liên bang Nga.
Giáo dục và đào tạo cũng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, ngày càng có
nhiều sinh viên Việt Nam tin tưởng, chọn Nga là địa chỉ du học theo cả
diện học bổng nhà nước cũng như tự túc.
Một điểm sáng khác trong hợp tác song phương thời gian qua là du
lịch, với lượng du khách Nga đến Việt Nam năm 2018 đạt 606 ngàn người,
đưa Nga trở thành thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam tại
châu Âu.
Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận hợp tác Việt-Nga trên nhiều
lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước.
Điển hình như nông nghiệp, đây là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng về cả
thương mại và đầu tư, điển hình là dự án sản xuất sữa quy mô lớn 2,7 tỷ
USD của Tập đoàn TH tại tỉnh Kaluga.
Dù mới được các doanh nghiệp thực sự quan tâm thời gian gần đây,
nhưng đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các lĩnh vực công
nghệ cao như năng lượng sạch, công nghệ thông tin, điện tử viễn
thông... cũng rất tiềm năng, với nhiều dự án được đề xuất, triển khai
thời gian qua.
Ngoài ra, hợp tác lao động là lĩnh vực mà Việt Nam và Nga có thế mạnh
và nhu cầu bổ sung hiệu quả cho nhau. Hiện Chính phủ hai nước đang khẩn
trương thúc đẩy nhằm sớm ký kết Hiệp định về tuyển chọn lao động có tổ
chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trên lĩnh vực nhiều triển
vọng này.
- Việt Nam và Nga có kinh nghiệm hợp tác lâu dài và thành công
trong lĩnh vực năng lượng và kỹ thuật quân sự. Xin Thủ tướng nhận định
về những nhiệm vụ mới trong các lĩnh vực này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năng lượng và kỹ thuật quân sự là những trụ cột quan trọng của quan hệ tin cậy Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Về năng lượng, bên cạnh hợp tác truyền thống về thăm dò và khai thác
dầu khí tại Việt Nam và Nga, hai bên đang tích cực mở rộng các phương
hướng hợp tác mới như: cung cấp dầu thô của Nga cho các nhà máy lọc dầu
của Việt Nam, triển khai các dự án tích hợp điện khí, sản xuất động
cơ...
Bên cạnh đó, hai bên đang nghiên cứu, triển khai các dự án về năng
lượng sạch như điện mặt trời và điện gió, bước đầu thu được kết quả tích
cực. Đặc biệt, không thể không nhắc đến việc triển khai dự án Trung tâm
Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, có ý nghĩa chiến lược quan
trọng đối với ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình tại
Việt Nam.
Về kỹ thuật quân sự, hai bên tiếp tục hợp tác trên cơ sở các thỏa
thuận được ký kết phù hợp với luật pháp quốc tế, vì an ninh, hòa bình và
ổn định tại khu vực và trên thế giới./.
(TTXVN)