Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 11/5/2016 20:36'(GMT+7)

Quản lý chặt các dự án đầu tư công

Đó là một trong những nội dung tại văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ và các công việc thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cũng tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công; thực hiện nghiêm chủ trương và pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công; kịp thời rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ chi tiêu công theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; phối hợp thẩm định, giám sát chặt chẽ việc bán tài sản công, định giá giá trị doanh nghiệp có lợi thế về đất đai, thương hiệu, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

* Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế đất nước. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; ưu tiên những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá chủ trương, chính sách và tình hình triển khai thực hiện các dự án BOT, PPP; trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư của xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường quản lý hệ thống phân phối bán lẻ trong nước...

* Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án trọng điểm thuộc Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án quy định tại Khoản 5 Mục III Điều 1 Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ thành 1 dự án chung: Dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần:

Hợp phần 1: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia.

Hợp phần 2: Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hợp phần 3: Bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế.

Hợp phần 4: Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hợp phần 5: Xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, hiệp hội liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện dự án trên theo quy định tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương, chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả những nội dung, giải pháp và nhiệm vụ thực hiện Đề án được giao tại Quyết định số 706/QĐ-TTg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất