Với công nghệ không gian hàng đầu thế giới, JAXA cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh như MODIS, ALOS, phục vụ cho việc quan sát rừng ở Việt Nam. JAXA cũng tổ chức nhiều khóa huấn luyện xử lý ảnh vệ tinh cho các cán bộ của Cục Kiểm Lâm với sự trợ giúp của trường Đại học Tokyo, Nhật Bản và Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan.
Các cán bộ Cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với JAXA tổ chức nhiều chuyến đi thực địa tới các tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đắk Nông, để thu thập thông tin thực tế phục vụ cho việc kiểm chứng kết quả xử lý bằng dữ liệu ảnh vệ tinh.
Thông qua dự án này, bằng việc kết hợp kinh nghiệm quản lý rừng lâu năm với các kỹ thuật tiên tiến, các cán bộ của Cục Kiểm lâm đã có thể làm chủ công nghệ mới để trích xuất nhiều thông tin hữu ích, rút ngắn thời gian, giảm chí phí cho việc cập nhật thông tin, qua đó nâng cao đáng kể hiệu quả trong việc quản lý nguồn tài nguyên rừng.
Sử dụng dữ liệu vệ tinh là một giải pháp đã được rất nhiều nước lựa chọn để triển khai song song với các phương pháp quản lý truyền thống. Dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh cho phép theo dõi và kiểm soát nhiều loại thông tin khác nhau về rừng một cách thường xuyên với những thông tin mới nhất như: theo dõi tình trạng phát triển của rừng, phân loại rừng, phát hiện sớm các điểm bị chặt phá hoặc cháy rừng, tính toán diện tích rừng…
Theo phương pháp truyền thống, để quản lý rừng (đo đạc, phân loại rừng, kiểm soát sự phát triển cũng như thay đổi của rừng dưới tác động của các hoạt động kinh tế, xã hội…), cán bộ Kiểm lâm phải xuống địa bàn, tiếp cận trực tiếp tới các vùng rừng cần điều tra để đo đạc và thu thập thông tin. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí, vì vậy, các thông tin về hiện trạng rừng thường không được cập nhật thường xuyên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc quản lý rừng, đặc biệt khi tình hình xâm hại tài nguyên rừng đang ngày càng diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay.
Mới đây, trong cuộc họp báo cáo kết quả triển khai dự án quản lý rừng bằng dữ liệu vệ tinh, JAXA đã đánh giá rất cao những kết quả mà dự án đạt được, đặc biệt là hiệu quả của dự án với công tác quản lý rừng tại Việt Nam. Kết quả của dự án đã được báo cáo tại nhiều hội nghị lớn tại nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Australia… Dự án này cũng là tiền đề cho cho hàng loạt dự án hợp tác khác của JAXA và các cơ quan, tổ chức có sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh tại Việt Nam; trong đó có dự án Viện điều tra trữ lượng cacbon rừng ngập mặn Việt Nam do Viện Điều tra Quy hoạch rừng đề xuất.
TS Nguyễn Phú Hùng, Phó Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết: “Từ trước tới nay công tác điều tra đánh giá rừng tại nước ta mới chỉ quan tâm đến trữ lượng gỗ. Trong bối cảnh biển đổi khí hậu hiện nay, việc điều tra đánh giá trữ lượng cácbon và sinh khối rừng là rất quan trọng. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung đánh giá trữ lượng cacbon rừng ngập mặn”.
Theo Monre.gov.vn