Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 13/11/2013 20:48'(GMT+7)

Quản lý thương lái nước ngoài mua nông sản trái phép

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

"Kịch bản" mà các thương lái thu mua nông sản lần này cũng giống như những năm trước họ đã áp dụng khi mua khoai lang, dứa, dừa, lá sắn, rễ hồ tiêu... Với phương châm mua giá cao, không phân biệt chất lượng tốt, xấu... các thương lái nước ngoài đã thu hút nông dân ồ ạt bán sản phẩm cho họ. Hệ lụy của việc mua, bán này là người  dân chạy theo phong trào trồng các loại nông sản để bán cho thương lái nước ngoài; phá vỡ quy hoạch của chính quyền địa phương, tạo ra thị trường mất ổn định, gây ảnh hưởng đến giá cả trong nước cũng như giá xuất khẩu của một số mặt hàng... Tuy nhiên, điều nguy hại hơn là sau  khi nông dân nước ta đổ xô trồng các loại nông sản để bán cho thương lái nước ngoài, thì lúc đến kỳ thu hoạch, thương lái lại... rút lui. Sản phẩm làm ra chẳng có nơi tiêu thụ, bị rớt giá và người nông dân không biết kêu ai, đành bất lực trước những mánh khóe mà thương lái nước ngoài "giăng bẫy".

Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ về việc cấm thương lái nước ngoài trực tiếp mua nông sản của Việt Nam. Nhưng thực tế thời gian qua ở ĐBSCL nói riêng, trên cả nước nói chung, tình trạng thương lái nước ngoài tự do mua bán nông sản của người dân nước ta diễn ra khá phổ biến, trên diện rộng, với nhiều mặt hàng khác nhau. Điều bất bình thường nữa là nhiều mặt hàng không bình thường như ốc bươu vàng, lá sắn, lá điều, đỉa… lại được thương lái nước ngoài đặc biệt quan tâm, mua với giá rất cao, thu hút nhiều người tham gia làm trung gian cho họ. Việc mua bán bất thường này gây hoang mang, bất ổn trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Để xảy ra tình trạng trên, chứng tỏ việc tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương lái nước ngoài tại nước ta chưa chặt chẽ, thậm chí còn "bỏ ngỏ". Thực tế cho thấy, chỉ đến khi thương lái nước ngoài gây “bất ổn” xong, người nông dân đã lãnh hậu quả nặng nề thì chính quyền địa phương mới vào cuộc. Sự can thiệp của chính quyền địa phương cũng ở mức hạn chế, chưa tìm ra được nguyên nhân, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

Mới đây, các tỉnh ĐBSCL đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người nông dân trong sản xuất và buôn bán với thương lái nước ngoài, đó là: Tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với các nhà máy trong khu vực, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tổ chức nhiều lớp tập huấn về thâm canh tăng vụ, sản xuất nhiều sản phẩm, nhiều chủng loại khác nhau; tăng cường thông tin cho người nông dân về giá cả thị trường các mặt hàng nông sản trong nước và trên thế giới... Những cách làm trên bước đầu đã tạo lòng tin cho người nông dân về  thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm mang tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, để nông sản không còn bấp bênh trên thị trường và giảm tình trạng thương lái nước ngoài hoạt động mua bán trái phép trên thị trường trong nước, gây thiệt hại cho người nông dân và nền kinh tế nước ta, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành từ Trung ương  đến địa phương cùng chung tay vào cuộc. Có vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống./.

Nguyễn Bá (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất