Cùng dự có: Nguyên Phó Chủ
tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn
Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ
quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
10 ĐIỂM SÁNG TRONG NĂM HỌC 2023 - 2024
Năm học 2023 - 2024 đánh dấu 10 năm toàn ngành Giáo dục triển khai
thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố
gắng đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện
thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29; tham mưu trình Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế
hoạch về phát triển giáo dục, đào tạo; đang tích cực hoàn thiện Dự án
Luật Nhà giáo.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung
học cơ sở và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Mạng
lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được đầu tư; các địa phương thực hiện
rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập
trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; quan tâm đầu tư mua sắm trang
thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai chương trình giáo
dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học
sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa
học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ, các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện
trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế
cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức
tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã phát
triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi
dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ
trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông
tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và
học, với 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ
thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư và bảo hiểm. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công
các giải thể thao học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo
dục toàn diện về đức - trí - thể - mĩ.
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách
nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, với 12 nhiệm vụ trọng
tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo;
đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; phát triển
đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm
đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
và đào tạo.
Cùng với đó, toàn ngành Giáo dục sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước
và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác giáo
dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với
cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên,
học viên; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường hội nhập quốc
tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong
toàn ngành…
NGƯỜI HỌC LÀ CHỦ THỂ, THẦY CÔ LÀ ĐỘNG LỰC, NHÀ TRƯỜNG LÀ BỆ ĐỠ, GIA ĐÌNH LÀ ĐIỂM TỰA, XÃ HỘI LÀ NỀN TẢNG
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận,
đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng
hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong
việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo
bứt phá.
Nêu 10 điểm sáng nổi bật trong kết quả năm học 2023 - 2024, Thủ tướng
Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển
giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ
sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển. Đổi
mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định,
bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Công tác phổ cập giáo
dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ
tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định;
đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ
rệt về chất lượng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp
tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo
quy định. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công
nghệ thông tin...
Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết
quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, thể
hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng
góp vào thành tựu chung của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng
thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành
Giáo dục, nhất là trong đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục
phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ...
Chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm,
phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm
học 2024 - 2025 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, toàn
cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ
lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang
lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho
phát triển giáo dục và đào tạo.
Theo Thủ tướng, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91
của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do
đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các bộ,
ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện
cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không
khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp
tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về
đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quang cảnh Hội nghị.
Cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung
học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu
cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương
chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm
túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho
học sinh.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng
đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách
nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận
lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm
công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác
công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời,
xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối
với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội
ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu
giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải
có giáo viên đứng lớp” và phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm
non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục
đại học và cao đẳng sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa
phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây
dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị
hóa, dịch chuyển dân số.
Nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo
động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính
phủ nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại học thì cần kết hợp
lý luận khoa học với thực hành...; Trung học thì cần đảm bảo cho học
trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; Tiểu học thì cần
giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động,
yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ
của các cháu”; “Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà
trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành
mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.
Thủ tướng phân tích và yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương
châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; Thầy cô giáo là
động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền
tảng”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, địa
phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực
hiện hiệu quả phương châm nêu trên; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp
cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá
rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong
thời gian tới.
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát
huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó
khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân
dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ
tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước. Thủ tướng chúc năm học mới 2024
- 2025 thành công tốt đẹp; các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc,
đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; học sinh, sinh viên
luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công những ước mơ, hoài
bão, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.
TTXVN