Thứ Bảy, 14/12/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 26/3/2023 14:57'(GMT+7)

Quản trị thông điệp về tư vấn tuyển sinh đại học trên báo điện tử ở Việt Nam hiện nay

THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ THÔNG ĐIỆP VỀ TƯ VẤN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ HIỆN NAY

Hiện nay, ở các tòa soạn báo điện tử, việc quản trị thông điệp về TVTSĐH đều có sự tham gia ở các cấp quản lý. Hầu hết, các báo đều có quy trình quản trị rõ ràng, phân cấp quản lý, sử dụng nhiều hình thức như kiểm tra, giám sát, thưởng phạt rõ ràng, nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật,… để việc quản trị được tốt nhất.

Khảo sát trên 3 báo điện tử điển hình là: Dân trí, Tuổi trẻ Online, Vnexpress trong hai mùa tuyển sinh 2021-2022 và 2022-2023 cho thấy: Các thông điệp về TVTSĐH trên 3 báo chủ yếu ở 4 nội dung: (1) Thông điệp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo, định hướng phát triển ngành nghề và tuyển sinh, định hướng phát triển các trường đại học; đề án và chủ trương tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và đào tạo. (2) Thông điệp về tuyển sinh của các trường đại học: đề án tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, học phí, học bổng, cơ hội việc làm, điểm sàn, điểm chuẩn. (3)Thông điệp về việc lựa chọn ngành đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp: cách chọn nghề, chọn trường phù hợp với bản thân và xu thế xã hội, cách đặt nguyện vọng phù hợp với điểm thi,... (4) Thông điệp từ các tấm gương học sinh đạt điểm cao, thủ khoa, vượt khó trong học tập, người thành công ở các lĩnh vực.

Mặc dù phản ánh đầy đủ các nội dung của thông điệp TVTSĐH, nhưng phần lớn số lượng tin bài thể hiện nội dung thông điệp lại là các tin tức chung về chính sách, tin về điểm sàn, điểm chuẩn, hướng dẫn cách đặt nguyện vọng,… Nội dung thông điệp mang đúng tính chất TVTSĐH (chọn ngành, chọn nghề) chiếm tỷ lệ rất ít.

Hình thức về các thông điệp về tư vấn tuyển sinh trên 3 báo chủ yếu được đưa ra dưới dạng tin và các dạng bài báo. Trong thể loại bài báo, hình thức phổ biến là bài dạng tường thuật, lấy ý kiến, phỏng vấn. Trên báo Vnexpress, xuất hiện dạng bài Podcast (bài báo chỉ bao gồm âm thanh), Infographic. Không xuất hiện các thông điệp được thể hiện dưới dạng Mega Story hay Long Form để truyền tải thông điệp về tư vấn tuyển sinh đại học. Do đặc thù là báo điện tử, nhờ công nghệ phát triển mà các báo có cơ hội áp dụng công nghệ để tổ chức các buổi phát trực tiếp (livestream) tư vấn tuyển sinh. Livestream không phải là một thể loại báo chí, nhưng nó cũng là một hình thức mới xuất hiện trên báo điện tử và không thể phủ nhận nó có tác dụng tốt trong tư vấn trực tiếp, truyền tải thông điệp tư vấn một cách hiệu quả).

Một hình thức khác được sử dụng là tư vấn tuyển sinh trực tuyến, nhưng thực chất thể hiện thông điệp vẫn là dạng bài báo, bởi phóng viên và biên tập viên sẽ gõ những câu hỏi từ độc giả và câu trả lời từ khách mời, biên tập và cho lên mặt báo.
Ngoài ra, thông điệp còn được phản ánh dưới dạng thức video như một bài báo độc lập, hoặc video bổ sung thông tin cho bài viết. 

Ở dạng thức này, báo Tuổi trẻ Online có nhiều tin dưới dạng video với thông điệp về ngày hội tư vấn tuyển sinh tạo thành một chuỗi tin video, và các video mang tính chất thương mại (quảng cáo cho các trường đại học). 

Báo Dân trí cũng có mục riêng về video và có video chèn trong bài viết. Tuy nhiên, những video này chưa được đầu tư, mà thường chỉ có video đơn giản quay từ một góc máy, của một phóng viên, hoặc video do đơn vị khác cung cấp. Ví dụ như Video hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển được cung cấp bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Video Những điểm mới trong Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2022 (quay phần trả lời của Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải); Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng đột biến? (quay hình ảnh Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời). Qua khảo sát hai mùa tuyển sinh 2021-2022 và 2022-2023, báo VnExpress chưa có video mang thông điệp TVTSĐH, chỉ có video trong mục Giáo dục mang nội dung dạy phát âm nói tiếng Anh.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ THÔNG ĐIỆP TƯ VẤN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC TRÊN BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ

Quản trị thông điệp về tư vấn tuyển sinh đại học trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn những hạn chế. Những nội dung thông điệp được đăng tải trên báo mạng điện tử mặc dù phản ánh được các mặt khác nhau, bao quát gần như toàn bộ các khía cạnh của thông điệp, tuy nhiên chiều sâu của vấn đề vẫn còn thiếu. Nhiều tin bài mới chỉ nêu vấn đề, chưa đi sâu vào nội dung. Các nội dung về TVTSĐH vẫn chỉ là một mảng nhỏ của mục Giáo dục của các báo, trong khi nhu cầu tìm hiểu thông tin TVTSĐH là rất lớn.

Một số báo có lượng tin bài liên quan đến TVTSĐH khá lớn, nhưng thực chất vẫn là đưa tin thông thường: tin điểm chuẩn, điểm sàn. Khía cạnh “tư vấn” còn ít được quan tâm đầu tư. Những hạn chế đó xuất phát một phần từ việc các báo chưa thực sự xác định và quan tâm đến nhu cầu của công chúng về tin tức TVTSĐH. 

Các hình thức quảng cáo tuyển sinh xuất hiện dưới nhiều hình thức: quảng cáo trực diện (đi thẳng vào vấn đề, có thể ghi rõ đây là tin bài quảng cáo), quảng cáo gián tiếp (thông qua các tin bài, chương trình tư vấn)…

Để quản trị thông điệp về TVTSĐH hiệu quả, nội dung thông điệp cần đi sâu vào tư vấn - hướng nghiệp chứ không nên chỉ đưa tin đơn thuần. Để làm được điều này, cần có chính sách từ cấp quản lý. Lãnh đạo các tòa soạn cơ quan báo chí cần nâng cao nhận thức về vai trò, mục đích của việc quản trị thông điệp về TVTSĐH. Từ đó, xác định nội dung, nhiệm vụ, phương pháp, và hình thức phổ biến, tuyên truyền. Từ cấp cao hơn, các cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan cần phải coi việc quản trị thông điệp về TVTSĐH là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng liên quan đến lực lượng lao động tương lai của đất nước. Khi cần thiết, phải có những chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn, giám sát việc truyền thông về TVTSĐH trên các cơ quan báo chí.

Đối với thông điệp về tư vấn tuyển sinh, cần phải đề ra những yêu cầu như: thông tin cần rõ ràng, khách quan, trung thực; khuyến khích thông tin đa chiều, thông tin phản biện. Thể hiện được hình ảnh các trường đại học, bức tranh về các ngành nghề hiện ra rõ nét, trung thực. 

Về phía các tòa soạn, đội ngũ phụ trách chuyên mục, phóng viên, biên tập viên cần ý thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình khi thực hiện tin bài giáo dục nói chung, tin bài TVTSĐH nói riêng. Các tòa soạn cần nghiêm cấm mọi hình thức viết ẩu, tư vấn cẩu thả, qua loa. Các bài quảng cáo tuyển sinh nếu vẫn được phép sản xuất thì cần ghi rõ là “bài quảng cáo” và số lượng bài quảng cáo cần được kiểm soát; không để bài quảng cáo xuất hiện liên tục. Tuyệt đối không để xuất hiện các tin bài quảng cáo trá hình (bài không ghi rõ “quảng cáo” nhưng nội dung quảng cáo cho ngành A, trường B với chủ đích thu hút thí sinh). 

Các hình thức đưa thông điệp về TVTSĐH cũng cần đa dạng hơn, bên cạnh bài với text đơn thuần, nên tăng cường các bài dưới dạng video, infographic, phóng sự ảnh, các bài có minh họa bằng đồ họa,... Thế hệ gen Z thích ngôn từ ngắn gọn, hình ảnh bắt mắt. Việc thể hiện tin bài với những hình ảnh sinh động sẽ gây chú ý với các bạn trẻ, khiến việc truyền thông điệp đạt hiệu quả tốt hơn.

Các cơ quan báo chí và các trường đại học cần phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực đẩy mạnh truyền thông TVTSĐH, mang lại hiệu quả truyền thông cao nhất.

Nguyễn Thị Hoài Hương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất