Xây dựng Đảng là môn học rất quan trọng trong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân; trang bị cho người học những tri thức về Đảng, đặc biệt là những kiến thức, kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng công tác cho cán bộ lãnh đạo, giúp cho cán bộ, đảng viên giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề trước mắt cũng như những vấn đề cơ bản, chiến lược đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng nội bộ Đảng.
Bước vào thời kỳ mới, cách mạng nước ta vừa đứng trước thời cơ, vận hội lớn, vừa phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn. Nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên mạnh mẽ, đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chúng ta hiện nay. Tình hình đó hơn bao giờ hết đòi hỏi phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngang tầm với những yêu cầu của thời kỳ mới.
Những năm học qua, thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị (khoá IX) về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X ) về thành lập và xây dựng Học viện Xây dựng Đảng thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ có chất lượng cao về xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu mới, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện Xây dựng Đảng đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các mặt công tác.
Học viện đã triển khai có kết quả bước đầu nhiều nhiệm vụ, biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy môn Xây dựng Đảng; trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực tư duy cho học viên, tăng cường các hoạt động tự học, tự nghiên cứu, thảo luận và khảo sát thực tế. Nghiên cứu, thảo luận những quan điểm mới trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, để từ đó làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong từng bài giảng là yêu cầu và là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ giảng dạy ở Học viện Xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào những vấn đề cốt lõi: bản chất của Đảng; các nguyên tắc tổ chức của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; những vấn đề về tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát; công tác tư tưởng; công tác dân vận; công tác cán bộ; về kỷ luật đảng và thi hành kỉ luật trong Đảng…
Qua một buổi làm việc khẩn trương, Hội nghị đã nghe hơn 10 ý kiến trao đổi, tranh luận của các nhà khoa học. Các ý kiến đều tập trung khẳng định những vấn đề mới về xây dựng Đảng thể hiện qua các văn kiện của Đại hội XI, tập trung vào những vấn đề chính sau đây:
Về bản chất của Đảng, bổ sung vào Cương lĩnh cách diễn đạt bản chất của Đảng đã được Đại hội XI thông qua: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.
Khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”; nhấn mạnh vai trò Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Bổ sung, hoàn chỉnh hơn phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị; Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội chỉ rõ cần thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Những bổ sung, sửa đổi trong Điều lệ Đảng: Về tiêu chuẩn đảng viên: bổ sung cụm từ “nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” vào khoản 1, Điều 1 để diễn đạt đầy đủ là: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” cho phù hợp với diễn đạt về Đảng. Quy định về những điều đảng viên không được làm: bổ sung vào khoản 2, Điều 2 nội dung đảng viên phải: “Chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm”. Về tính tuổi đảng của đảng viên: bổ sung, sửa đổi khoản 4, Điều 5: “Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp”. Quy định về thí điểm một số chủ trương mới: bổ sung Điều 16 quy định: “Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới”.
Những sửa đổi, bổ sung về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng: Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 36, Điều lệ Đảng về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm: “Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên”.
Nội dung mới được bổ sung ở đây là đã giao cho cấp ủy từ cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiện vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao) cho phù hợp với khoản 1 Điều 36: “Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao). Đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp uỷ viên cấp dưới. Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền quyết định khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 42, 43 Điều lệ Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng: “Đảng đoàn lãnh đạo, thuyết phục các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng”.
“Ban cán sự đảng lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng”.
Nội dung mới được sửa đổi, bổ sung là không quy định ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng mà chỉ lãnh đạo công tác kiểm tra.
Đình Phú/Tc Xây dựng Đảng