Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 14/7/2016 20:28'(GMT+7)

Quán triệt thực hiện Luật báo chí 2016

Đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu (Ảnh DP)

Đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu (Ảnh DP)

Sáng ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016; Triển khai xây dựng và thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam.

Dự Hội nghị có đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, đồng chí Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng dự còn có đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Luật báo chí sửa đổi (2016) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ 1/1/2017. Khi Luật Báo chí 2016 được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.

Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả và nặng nề cho những người làm báo Việt Nam. Luật có 6 chương, 61 điều, trong đó có tới 32 điều mới và 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật Báo chí 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm, việc liên kết để sản xuất các ấn phẩm báo chí; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo khi báo chí đưa tin sai, đồng thời luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo...

Đồng chí Thuận Hữu khẳng định, trong những năm qua, đại bộ phận nhà báo, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất các quy định của Pháp luật nói chung, Luật báo chí nói riêng. Những người làm báo đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội... thực sự góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mới mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội.

Đồng chí Thuận Hữu cũng nhận thấy, bên cạnh những mặt tích cực của báo chí trong thời gian qua. Hiện nay, những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hoá trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là: Hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí; hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật.

Điều 8 Luật Báo chí 2016 quy định rất cụ thể về chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam: ''... đại diện, bảo vệ các quyền và lợ ích hợp pháp của nhà báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ báo chí cho hội viên; giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thông tin - báo chí, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo việt Nam ''.

Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X và kế hoạch công tác năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.

Đợt sinh hoạt này gồm hai nội dung quan trọng là: Tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí 2016, những điểm mới, điểm nhấn so với Luật Báo chí 1999. Đây là luật thiết thân với những người làm báo, vì vậy chúng ta phải cần phải học tập, quán triệt, nắm vững các Điều luật để phục vụ tốt hơn công việc của mình, tránh sai sót trong quy trình tác nghiệp.

Cũng trong dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam triển khai, phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Hội, thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016.

Hội nhà báo Việt Nam cũng sẽ quán triệt đến các địa phương việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm với những nội dung đã được luật hóa trong Luật báo chí 2016 và quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Đây là hoạt động chính trị quan trọng của những người làm báo Việt Nam.

Đây là một hoạt động chính trị, nghiệp vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam, của giới báo chí, lắng nghe những nội dung cơ bản của Luật Báo chí 2016; đồng chí Thuận Hữu đề nghị các đại biểu quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Báo chí để tiếp tục quản triệt ở cơ quan, đơn vị mình; đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí tích cực thông tin, tuyên truyền sâu, đậm, bằng nhiều loại hình báo chí, bằng nhiều hình thức về Luật Báo chí 2016 cũng như Qui định đạo đức Người làm báo Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, góp phần thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016.

Cũng trong hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã kêu gọi hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất