Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 18/10/2016 10:44'(GMT+7)

Quảng Bình: Ngành Giáo dục nỗ lực khắc phục hậu quả sau mưa lũ



Mưa lũ đi qua, nước đã rút hẳn, nhưng nhiều ngôi trường tại những điểm ngập sâu ở Quảng Bình trong cảnh tan hoang. Những lớp bùn dày đặc vương vãi khắp sân trường, phòng học, đồ chơi, đồ dùng dạy và học... Với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, nên tại nhiều trường, cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh cùng với sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã tích cực, khẩn trương tổ chức làm vệ sinh, cào bùn đất tại các phòng học và sân trường; sắp xếp, lau chùi bàn ghế, sách vở...

Là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của huyện Quảng Trạch, xã Phù Hóa có tới 876 ngôi nhà bị ngập trong biển nước, có nơi ngập sâu gần 4m; hàng trăm hécta hoa màu, nhiều gia cầm... bị ngập úng và cuốn trôi. Sau mưa lũ, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở xã Phù Hóa ngổn ngang bùn đất, thiệt hại nghiêm trọng.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nghẹn ngào nói: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua, 14 phòng học và 3 phòng nội trú của trường chìm trong mênh mông nước lũ từ 2-3m. Mưa lớn đã làm sập đổ 200m tường rào bảo vệ, hơn 60 bộ bàn ghế học sinh cùng toàn bộ hệ thống biểu bảng trang trí, cây trồng trong khuôn viên trường bị ngập, cuốn trôi và hư hỏng nặng. Đồ dùng sinh hoạt, sách vở, giáo án...tại khu nội trú của giáo viên cũng ngập sâu trong nước; rất may là không có thiệt hại về người. Ngay khi nước rút, từ ngày 16-17/10, Trường Trung học cơ sở Phù Hóa đã huy động cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường và các đoàn tình nguyện nỗ lực, tích cực tổng vệ sinh, cào lớp bùn đất...Theo Thầy Hoàng Quốc Nga, đến thời điểm này, công việc khắc phục vẫn đang được tiến hành, nhưng do thiếu nước để rửa trôi những lớp bùn đặc quánh, hệ thống điện bị mất nên công việc dọn dẹp của thầy cô và các đoàn viên trở nên khó khăn hơn và mất nhiều sức lực. Chúng tôi cố gắng tới thứ 4, ngày 19/10, việc dạy và học sẽ trở lại bình thường.

Anh Trần Minh Đông, Phó Bí thư Huyện Đoàn Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Mưa lớn đã khiến nhiều trường học, trạm y tế và các công trình dân sinh trên địa bàn huyện ngập sâu và hư hại nặng. Ngay khi nước tại các chỗ ngập lụt cơ bản rút hết, trong hai ngày 16-17/10, Huyện Đoàn Quảng Trạch đã huy động hơn 100 đoàn viên, thanh niên kịp thời có mặt tại các điểm trường bị thiệt hại nặng như Trường Mầm non Phù Hóa, Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Phù Hóa, Trạm y tế xã Phù Hóa và Trường Trung học cơ sở Cảnh Hóa..., tiến hành tổng dọn vệ sinh trường lớp, hỗ trợ nhà trường, để học sinh nhanh chóng trở lại học bình thường. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ nỗ lực trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm hướng về miền Trung – Quảng Bình ruột thịt để ủng hộ, cứu trợ, giúp đỡ bà con nhân dân sớm khắc phục khó khăn và chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão số 7 sắp tới.

Mặc dù nhà cửa bị ngập trong nước lũ nhưng để sớm có phòng học sạch sẽ, an toàn cho con em mình trở lại học tập, các cán bộ, giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu học số 1 Ba đồn, Thị xã Ba Đồn đã tích cực có mặt, tham gia dọn dẹp, vệ sinh, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Thầy Đoàn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Ba Đồn, Thị xã Ba Đồn cho biết: Trường có một dãy nhà Hiệu bộ, 3 dãy nhà hai tầng với 22 phòng học, 640 học sinh. Ngày 14/10, địa phương xảy ra mưa lớn, ngay trong buổi chiều, chúng tôi đã chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, nhà trường huy động cán bộ, giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh chủ động phòng chống mưa lũ bằng cách cho kê cao bàn ghế, chuyển toàn bộ máy tính, sách vở, đồ dùng và thiết bị dạy học từ tầng 1 lên tầng 2 tại các dãy phòng học, thư viện và dãy hiệu bộ. Tuy đã chủ động phòng chống mưa lũ nhưng mưa lớn đã gây ngập toàn bộ tầng 1 của 3 dãy phòng học và dãy nhà Hiệu bộ (ngập khoảng hơn 1m), toàn bộ bàn ghế bị ngập sâu trong nước và hư hại khá nhiều.

Với sự cố gắng, nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, đến sáng nay, 17/10, việc dạy và học của thầy và trò Trường Tiểu học số 1 Ba đồn, Thị xã Ba Đồn đã trở lại bình thường. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ này, để chủ động phòng chống cơn bão số 7 sắp tới, nhà trường đã cho chặt, tỉa bớt cành to những cây cao trong khuôn viên trường có khả năng đổ gãy; đồng thời, kê cao sách vở, máy tính, đồ dùng dạy và học; lên phương án trực và chủ động cho học sinh nghỉ học nếu có những diễn biến xấu của thời tiết...

Đến ngày 15/10, mưa lớn liên tiếp đã khiến tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngập sâu trong nước, từ 2-4m; có 3 học sinh bị chết, mất tích trong dòng nước lũ. Tận lốc xoáy ngày 14/10 đã làm trường mầm non Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) bị tốc mái, thiệt hại 30%; Trường Trung học cơ sở Liên Trạch (huyện Bố Trạch) bị sập 20m tường rào, 85 phòng học bị ngập nước; thị xã Ba Đồn có 250 phòng học bị hư hại một phần. Đặc biệt, tại huyện Minh Hóa, Trường mầm non Trọng Hóa bị lốc xoáy và tốc mái; 10 trường bị ngập lụt, như trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Tân Hóa; Trường Tiểu học Bãi Dinh, Mầm non Dân Hóa; Mầm non số 1 Thượng Hóa; Mầm non số 2 Trọng Hóa; Tiểu học và Trung học cơ sở bán trú số 2 Trọng Hóa; Trường Mầm non, Tiểu học Hóa Thanh. Trong đó, ngập sâu nhất là Trường Mầm non Tân Hóa (sâu hơn 4m). Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các trường này cũng bị hư hại nghiêm trọng. Hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã duy trì việc dạy học trở lại. Một số trường học bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra thì công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh... vẫn đang được tiến hành, cố gắng để các em trở lại trường học sớm nhất.

Mỗi năm, mảnh đất nghèo Quảng Bình lại phải oành mình gánh chịu biết bao trận mưa bão và những thiệt hại nghiêm trọng mà thiên tai để lại. Nhân dân Quảng Bình và ngành giáo dục tỉnh vẫn luôn kiên cường, cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức. Trận mưa lịch sử những ngày qua chỉ vừa đi qua, thì bão số 7 sắp đổ bộ. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Quảng Bình vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố và chủ động các phương án phòng chống bão lũ. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ngay lúc này đây, Quảng Bình – mảnh đất miền Trung ruột thịt rất cần sự chia sẻ, chung tay, góp sức hỗ trợ của cộng đồng, xã hội để bà con nhân dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.

Võ Dung/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất