Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 13/6/2015 14:19'(GMT+7)

Quảng Bình: Tọa đàm kỷ niệm 90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày các ấn phẩm báo chí của Thông tấn Xã Việt Nam tại Hội báo Xuân Ất Mùi 2015. (Ảnh min họa: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày các ấn phẩm báo chí của Thông tấn Xã Việt Nam tại Hội báo Xuân Ất Mùi 2015. (Ảnh min họa: TTXVN)

Ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ôn lại truyền thống và những đóng góp của báo chí Cách mạng Việt Nam trong tiến trình lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; biểu dương những thành tích và đóng góp của báo chí Quảng Bình trong thời gian qua, nêu những tích cực và hạn chế giữa quan hệ mạng xã hội và báo chí.

Trước sự phát triển và cạnh tranh không ngừng của báo chí, Phó Cục trưởng Cục Báo chí mong muốn các nhà báo, phóng viên cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đưa tin chính xác, tôn trọng sự thật và cần “tỉnh táo” trước những thông tin tràn lan trên mạng xã hội; hoàn thành và phát huy tốt hơn nhiệm vụ của người làm báo, góp phần vào công cuộc xây dựng Đảng, Nhà nước và phụng sự nhân dân.

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Cách mạng Việt Nam đã đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do cho nước nhà và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Báo chí tỉnh Quảng Bình đã có bước trưởng thành về mọi mặt, cả về số lượng lẫn chất lượng. Với 8 cơ quan báo chí, gần 100 nhà báo và hơn 30 cơ quan báo chí Trung ương có phóng viên thường trú, cộng tác viên hoạt động báo chí tại tỉnh, đội ngũ hoạt động báo chí đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Chia sẻ về một số kinh nghiệm hoạt động báo chí, nhà báo Trần Quốc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Báo Nhân dân bộc bạch, trong bom đạn ác liệt, điều kiện và phương tiện tác nghiệp khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn có ý thức rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Những người làm báo trong chiến tranh thuộc thế hệ chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng là “những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa” của Đảng như Bác Hồ đã dạy.

Theo nhà báo Trần Quốc Vinh, nhiệm vụ của người làm báo có thể thay đổi do yêu cầu của cách mạng từng thời kỳ có khác nhau, quá trình tác nghiệp của người làm báo có thể thay đổi do sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thể hiện ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, tính trung thực và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, tác phong cẩn thận, chu đáo là không bao giờ thay đổi.

Ông vui mừng, tự hào trước sự trưởng thành của các đồng nghiệp trẻ, đồng thời cũng mong muốn, trong thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mỗi người làm báo phải tự đấu tranh để vượt qua chính mình, không bẻ cong ngòi bút viết sai sự thật, thương mại hóa báo chí và không quên người làm báo cũng là người công dân Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã nghe các ý kiến có giá trị, ý nghĩa về truyền thống cách mạng vẻ vang của ngành Báo chí qua 90 năm phấn đấu, trưởng thành; tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp hoạt động báo chí của các nhà báo lão thành.

Các nhà báo, phóng viên cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở trong nghề báo hiện nay và trao đổi một số nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin tuyên truyền, báo chí trong thời gian tới, từng bước xây dựng môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, phát triển, khẳng định giá trị truyền thống báo chí cách mạng của Đảng trong thời đại bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng chúc mừng, biểu dương những đóng góp của các nhà báo, phóng viên đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương trong thời gian qua.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên trên địa bàn lưu ý một số vấn đề như đảm bảo công tác thông tin trung thực, chính xác; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tập trung nhiều hơn nữa trong công tác phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; phản ánh những mặt tiêu cực, hạn chế của xã hội.

Các nhà báo cần tham gia, phát huy vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương, đất nước…/.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất