Hàng chục hộ dân sống dưới chân núi RaPon, thôn 2, xã Nghĩa Sơn, huyện
Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, luôn thường trực nỗi lo sạt lở núi, đặc biệt
là vào mùa mưa lũ.
Theo báo cáo của xã Nghĩa Sơn, tình trạng sạt lở núi xảy ra từ năm 2000
đến nay. Hiện phía Tây ngọn núi RaPon xuất hiện vết nứt núi gây ra một
điểm sạt lở với chiều dài 20m, chiều rộng 6m.
Cùng với đó, trên đỉnh núi còn có một tảng đá lớn có nguy cơ ập xuống
khu dân cư khi có mưa lũ, đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của 38/54 hộ
dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Phùng cho hay sạt lở
núi đã gây tâm lý bất an cho người dân, khiến họ không thể tập trung vào
sản xuất. Khi có mưa lớn là họ chủ động chạy lánh nạn.
Chính quyền cũng đã giải quyết bằng phương án đối phó trước mắt là cho
dân vào Ủy ban Nhân dân xã ở tạm. Tuy nhiên, về lâu dài địa phương đề
nghị huyện, tỉnh sớm quan tâm bố trí nguồn vốn để xã xây dựng khu tái
định cư Gò Thần bố trí cho 54 hộ dân ở, nhằm giúp bà con ổn định cuộc
sống và phát triển kinh tế.
Cách đây 4 năm, một trận lở núi với khối lượng lớn đã vùi lấp hoàn toàn 4
căn nhà nơi đây, khiến đời sống các nạn nhân rất khó khăn.
Bà Phạm Thị Mục, một trong 4 nạn nhân trong vụ lở núi vùi lấp nhà năm đó
vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện với phóng viên: “Sạt lở
núi xảy đến bất ngờ nên mình chỉ biết cùng gia đình tháo chạy để giữ lấy
thân, còn nhà cửa, tài sản, chìm sâu dưới đáy bùn đất. Sợ lắm!."
Sau đợt đó, bà được chính quyền địa phương hỗ trợ 6 triệu đồng để xây
dựng lại nhà ở tại vị trí mới cách nơi ở cũ khoảng 100m. Ngôi nhà nhìn
có vẻ kiên cố hơn, nhưng nỗi lo của bà chưa lúc nào nguôi vì núi RaPon
vẫn còn nằm án ngữ phía sau chốn ở, không biết lúc nào lại “hung hăng.”
Trong khi đó, người con của bà, do khó khăn về kinh tế nên bất chấp nguy
hiểm đã dựng lại nhà ngay khu vực sạt lở trước đây để có chỗ cư trú. Bà
Mục tâm sự: “Giờ mình chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện cho mình về nơi
an toàn hơn để yên tâm làm ăn”./.
Vĩnh Trọng (TTXVN/Vietnam+)