Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 13/10/2012 9:18'(GMT+7)

Quảng Ninh: Chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị kiểm tra, đánh giá và trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ công tác giáo dục lý luận chính trị giữa các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành uỷ và đảng ủy trực thuộc tỉnh.

Chương trình làm việc được tổ chức tại 2 đơn vị: Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hải Hà (khu vực miền Đông) và Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Hạ Long (khu vực miền Tây). Tại hai khu vực tổ chức hội nghị đều diễn ra các hoạt động: lên lớp, dự giờ; kiểm tra chéo việc mở, quản lý các loại sổ sách giữa các Trung tâm bồi dưỡng chính trị; trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp giảng dạy giữa các đại biểu, các đồng chí giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các đơn vị và hơn 30 ý kiến phát biểu, trao đổi thảo luận của các đại biểu dự hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nhận xét, đánh giá khái quát kết quả làm việc và bổ sung một số nội dung, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện của tỉnh.

Thứ nhất, vềGiải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” theo Thông báo Kết luận số 372-KL/TU ngày 26/9/2011, của Thường trực Tỉnh ủy: Sau một năm thực hiện Thông báo kết luận của Tỉnh uỷ, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các địa phương, đơn vị đã được cấp ủy các cấp quan tâm tạo điều kiện hơn về mọi mặt để Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao như: Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được đầu tư kinh phí để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang sắm thiết bị phục vụ cho yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Nâng mức kinh phí hoạt động hàng năm của các Trung tâm; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức; thực hiện đồng bộ chế độ, chính sách hỗ trợ cho học viên...tiêu biểu là các đơn vị Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Hải Hà.

Thứ hai, vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại, như nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa gắn sát yêu cầu thực tiễn công tác của cán bộ ở cơ sở (nhất là các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể). Phương pháp giảng dạy còn áp đặt một chiều, chưa phát huy được tính chủ động, tích cực sáng tạo của học viên, đặc biệt là sức thuyết phục của bài giảng chưa cao…cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sự chuyển biến thái độ, tình cảm, trách nhiệm của học viên sau mỗi khóa học chưa thật sự rõ nét. Việc quản lý hồ sơ sổ sách tại các Trung tâm đã có nhiều cố gắng, song ở một số đơn vị chưa được đầy đủ và thống nhất theo quy định.

Thứ ba, về vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện của tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

Một là, về nội dung, chương trình giảng dạy, học tập: Cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Hai là, về đổi mới phương pháp dạy - học: Khuyến khích áp dụng phương pháp dạy học tích cực, nhằm khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả giảng viên và học viên. Xác định học viên đặt ở vị trí trung tâm, giảng viên đóng vai trò định hướng, tổ chức; các phương tiện bổ trợ được khai thác hợp lý, hiệu quả nhằm chinh phục chân lý, sáng tạo tri thức mới trên cả 3 phương diện: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Trên cơ sở phát huy và sử dụng có hiệu quả phương pháp truyền thống (thuyết trình) giảng viên các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cần chủ động cập nhật thông tin, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực chuyên môn (tri thức rộng, sâu; kỹ năng thuần thục, linh hoạt); căn cứ nội dung bài giảng và trình độ học viên để lựa chọn, áp dụng một số phương pháp mới, phù hợp (chia tổ thảo luận, phát vấn, xử lý tình huống, đóng vai, chuyên gia…) để thay đổi không khí buổi học và tạo sự hưng phấn cho học viên; lấy đổi mới phương pháp làm tiêu chí đánh giá thi đua đối với giảng viên và đơn vị.

Ba là, về sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy: Để đổi mới phương pháp theo hướng dạy học tích cực, ngoài việc vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, mỗi giảng viên cần sử dụng tốt một số công cụ hỗ trợ phù hợp với nội dung, yêu cầu của bài giảng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết; khi sử dụng phương tiện hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, bảng phấn… cần lưu ý:

Sử dụng giáo án điện tử làm công cụ hỗ trợ giảng dạy, nhưng vẫn phải có giáo án giấy. Không để máy tính và máy chiếu chỉ đơn thuần thay cho viết bảng. Mặt khác, thuộc giáo án, nắm chắc nội dung bài giảng sẽ giúp giảng viên không bị bất ngờ, mất chủ động khi xảy ra các sự cố như mất điện, máy tính bị treo, lỗi kỹ thuật...

Thiết kế giáo án điện tử phải đơn giản, dễ nhìn; mỗi trang (slide) trình bày ít chữ (từ 64-70 chữ, dùng cỡ chữ 28-32) và chủ yếu là hình ảnh, video minh họa. Không lạm dụng quá nhiều âm thanh, hình ảnh, màu sắc làm phân tán sự chú ý của người học đối với nội dung giảng viên đang trình bày. Thực tế, ở Hải Hà khi sử dụng máy chiếu, các học viên lớn tuổi thường tập trung xem hình ảnh, ít chú ý vào nội dung mà giảng viên đang trình bày.

Các Trung tâm cần có kế hoạch từng bước đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại các thiết bị về âm thanh, máy tính, máy chiếu, màn hình, thiết bị điều khiển từ xa và kết nối internet,… để phục vụ cho việc áp dụng phương pháp dạy - học tích cực.

Bốn là, về công tác chiêu sinh, mở lớp: Để áp dụng tốt phương pháp giảng dạy tích cực, các Trung tâm cần phối hợp với các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm tốt việc lựa chọn, giới thiệu học viên có chất lượng cao về các mặt phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, tinh thần trách nhiệm. Bố trí số lượng học viên hạn chế, mỗi lớp không qúa 70 người. Thông thường các lớp áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực có hiệu quả, sĩ số khoảng 20-30 người.

Thực hiện phân tích, đánh giá chất lượng học viên, giúp cho giảng viên có thông tin, cơ sở để lựa chọn phương pháp dạy - học phù hợp, hiệu quả.

Năm là, về quản lý hồ sơ, sổ sách: Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị phải có đầy đủ hệ thống hồ sơ, sổ sách theo quy định. Hằng năm, thực hiện rà soát, kiểm tra, bổ sung dữ liệu kịp thời./.

Hoàng Đại Dương

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất