Nhìn lại hai năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU ĐÚNG HƯỚNG, ĐÚNG LỘ TRÌNH
7 mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TU đã được tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời và đạt kết quả tích cực, bám sát định hướng phát triển kinh tế- xã hội và dự kiến hoàn thành đúng lộ trình đề ra. Trong đó, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các khu nông nghiệp, trung tâm thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở Đông Triều, Đầm Hà đang được đẩy mạnh thực hiện, trong đó: (1) Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều) do Công ty TNHH VinEco, thuộc Tập đoàn Vingroup đầu tư đã đi vào hoạt động với quy trình sản xuất tự động hoàn toàn, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của các nước có nền nông nghiệp phát triển, hàng tháng cung cấp ra thị trường mỗi gần 200 tấn nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. (2) Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại huyện Đầm Hà do Tập đoàn Việt Úc làm chủ đầu tư, ngày 27/3/2019 đã sản xuất được mẻ tôm giống đầu tiên với sản lượng 10 triệu tôm giống/tuần. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đang đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: Công ty NG nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh tại Cẩm Phả, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đầm Hà,...
Đã có 433 tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ tiên tiến (tăng 71,8% so với năm 2015 và đạt 85,9% mục tiêu Nghị quyết). Trong đó: 133 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và công cụ tiên tiến; 238 cơ quan hành chính nhà nước, 62 cơ quan, tổ chức (do ngành dọc quản lý) thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.
Xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn II và triển khai mô hình thành phố thông minh được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương, trở thành một bước đột phá mạnh mẽ, quan trọng trong công tác hiện đại hoá nền hành chính của tỉnh. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 81; hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đã quản lý và điều hành tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử. Hai năm liền (2017, 2018), tỉnh dẫn đầu cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đặc biệt, năm 2018, Quảng Ninh được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Châu Đại dương (ASOSIO) trao tặng Giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số sau những nỗ lực và thành công xây dựng chính quyền điện tử.
Xây dựng thành phố thông minh trên một số lĩnh vực (giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông thông minh,...) đã đạt những kết quả tích cực. Năm 2017, tỉnh đã hoàn thành đầu tư 3 dự án; năm 2018, đã triển khai thực hiện 15 dự án, nhiệm vụ, trong đó, đã phê duyệt 7 dự án/nhiệm vụ, 1 dự án thực hiện theo hình thức xã hội hoá đang thực hiện, 3 dự án đang trình thẩm định, 4 dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư.
Tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu của 30 sản phẩm; xây dựng và phát triển thêm 20 nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh, loại hình dịch vụ có thế mạnh của tỉnh; trong đó có 11 sản phẩm đã được cấp văn bằng, 9 sản phẩm được chấp nhận đơn hợp lệ. Đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho 504 đối tượng sở hữu công nghiệp (vượt hơn 68% mục tiêu Nghị quyết), trong đó 7 sáng chế, giải pháp hữu ích (vượt hơn 40% mục tiêu). Chương trình “Quảng Ninh: Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, được Chính phủ quyết định là Chương trình quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo.
Lực lượng cán bộ KH&CN của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành một bước về chất lượng, thích nghi dần với nền kinh tế thị trường và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN của tỉnh. Tỉnh đã thu hút được 18 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ về làm việc tại trường Đại học Hạ Long. Tính đến hết tháng 5/2018, toàn tỉnh có 1.119 thạc sĩ và 25 tiến sĩ.
Tổng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, tỉnh và huyện) đầu tư cho KH&CN giai đoạn 2017-2018 là 1.640 tỷ đồng (bằng 7,8% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh, gần gấp đôi so với mục tiêu Nghị quyết). Ngoài ngân sách địa phương, Quảng Ninh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng chuyển giao KH&CN, kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Đặc biệt ngành Than, riêng năm 2018 tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN là 195 tỷ đồng. Nhiều địa phương bố trí kinh phí dành riêng cho hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN: Năm 2018, huyện Tiên Yên bố trí 3,2 tỷ đồng, Uông Bí bố trí trên 1 tỷ đồng, Đầm Hà 500 triệu đồng,...
ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất thông qua chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đã hình thành 2 Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ về lĩnh vực dược và gốm sứ theo mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý và vận hành hoạt động. Phê duyệt khu công viên CNTT tập trung tại tại phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, các chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ cao từng bước hình thành nền hệ sinh thái nội dung số của tỉnh, qua đó, tăng cường năng lực tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi cấp tỉnh về sáng tạo KH&CN, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN tiếp tục được tăng cường. Phương thức đầu tư cho KH&CN được vận hành theo tư duy mới, hiệu lực, hiệu quả hơn đảm bảo khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tỉnh đã thực hiện khoán kinh phí nhiệm vụ; rút ngắn quy trình, thủ tục trong quá trình phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; phân cấp, ủy quyền cho các ngành, địa phương quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.
Các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KH&CN tiếp tục được quan tâm triển khai, gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Trong 2 năm, toàn tỉnh hiện có tổng số 71 nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có 41 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và 30 nhiệm vụ đang triển khai. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KH&CN được ứng dụng vào thực tiễn, mang hiệu quả thiết thực.
Chú trọng hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN tiên tiến và tận dụng có hiệu quả từ cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, Quảng Ninh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KH&CN. Các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong quản lý và sản xuất tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát huy truyền thống "kỷ luật và đồng tâm", Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục thực hiện chủ đề công tác các năm trước và thống nhất chọn chủ đề công tác năm 2019 là: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ" và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, tập trung phát triển khoa học công nghệ, xây dựng thành phố thông minh, trọng tâm là:
Thứ nhất, chú trọng phát triển khoa học và công nghệ theo hướng nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh; trong đó khuyến khích sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần thuộc "Đề án thành phố thông minh” bảo đảm đồng bộ, hiện đại với mục tiêu lấy người dân, du khách làm trung tâm - vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp, phát triển các dịch vụ thông qua việc sử dụng, phản hồi, cung cấp thông tin. Rà soát, nâng cấp trung tâm tích hợp và lưu trữ cơ sở dữ liệu toàn tỉnh, trên cơ sở đó phần mềm hoá các tiện ích để người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác ứng dụng trên điện thoại thông minh, thiết bị công nghệ thông tin.
Thứ ba, tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính theo mục tiêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, lập, phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư các nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa; tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ 04 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và địa phương.
Thứ tư, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI. Triển khai hiệu quả Đề án thành phố thông minh, ưu tiên thành phố Hạ Long và các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục...
Thứ năm, thực hiện các chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong KH&CN; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường; xã hội hóa đào tạo, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động để phát huy hiệu quả đào tạo. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân vùng sâu, vùng xa gắn với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; khuyến khích vào làm tại các KKT, KCN. Triển khai hiệu quả Đề án 293 theo hướng sát thực tiễn yêu cầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; cụ thể hóa chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Đầu tư đồng bộ và tăng cường năng lực đào tạo của Trường Đại học Hạ Long, tiếp tục quan tâm các trường dạy nghề chuyên nghiệp theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với những định hướng phát triển của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng và thực tiễn của xã hội.
Nguyễn Nhàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh