Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa học
Thứ Tư, 24/4/2019 22:49'(GMT+7)

Hội thảo: Phòng chống bệnh liên quan đến Amiăng tại Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Để có các góc nhìn đúng đắn, khách quan về tác hại của Amiăng đối với sức khỏe con người và lộ trình cấm sử dụng Amiăng, thông qua chuyến đi học tập tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo: “Phòng chống bệnh liên quan đến amiang tại Việt Nam”, nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến Amiăng và lộ trình cấm sử dụng Amiăng của một số nước trên thế giới và ứng xử của Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công thương, các bộ ngành, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực y học lao động và vệ sinh môi trường; một số địa phương có sự quan tâm, cùng một số cơ quan báo chí trong nước và quốc tế... Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc, Tổ chức Công đoàn Úc APHEDA tại Việt Nam, Đoàn đại biểu của Bộ Y tế Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.   

Các đại biểu tham luận

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe trao đổi các báo cáo: Giới thiệu về Hội nghị Rotterdam và lộ trình đưa Amiăng vào Phụ lục 3 (Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc); Báo cáo về quan điểm của Việt Nam về Amiăng trắng tại Hội nghị Công ước Rotterdam (Cục Hoá chất, Bộ Công thương); Kinh nghiệm cấm sử dụng Amiăng trắng tại Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua đợt học tập kinh nghiệm do WHO tổ chức (Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng); Ảnh hưởng của Amiăng trắng đối với sức khoẻ, kết quả đợt học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản do WHO tổ chức (Viện SKNN và Môi trường); Vai trò của các tổ chức Chính trị Xã hội trong việc loại bỏ Amiăng trắng tại Việt Nam (Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng); ý kiến tham luận của Đoàn đại biểu Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các báo cáo đều nhận định, Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất. Theo đó, các báo cáo cho biết, ước tính Amiăng gây ra ½ số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Amiăng theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2017 là hằng năm có hơn 200.000 người chết. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều Amiăng trong quá khứ. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành rà soát trên 400 nghiên cứu và các tạp chí trên thế giới và khẳng định trên Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012: “tất cả các loại Amiăng, bao gồm cả Amiăng trắng, đều gây ung thư” và “không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư”.

Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá khách quan tác hại của Amiăng đối với sức khỏe của người dân; đồng thuận với chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng “Lộ trình dừng sử dụng Amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023”; mong rằng các bộ, ngành chức năng nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ra quyết định sớm nhất về ngừng sử dụng Amiăng trắng tại Việt Nam để bảo vệ sức khỏe người dân.

Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn Amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% Amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp. Ngoài ra, Amiăng có trong một số vật liệu, sản phẩm cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần... Những công việc có thể phát sinh bụi Amiăng chủ yếu trong quá trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn... PGS, TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết sợi Amiăng xâm nhập vào cơ thể gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động hít phải sợi Amiăng phát tán trong môi trường. Ngoài ra, chất này có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa. "Phơi nhiễm với Amiăng, kể cả Amiăng trắng, gây ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô và bệnh bụi phổi Amiăng tức xơ hóa phổi".

 

Tin và ảnh: PV

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất