Xu hướng tội phạm sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh và đánh cắp thông tin đang một ngày gia tăng và đáng quan ngại.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Trọng Đường - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại hội thảo An toàn an ninh thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0 do (VNCERT) phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức chiều 25/4, tại thành phố Long Xuyên (An Giang).
Theo VNCERT, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ dựa trên nền tảng internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo... là xu thế tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng nhiều ứng dụng và thiết bị được sử dụng rộng rãi trên môi trường mạng internet, hơn nữa các thiết bị và các dịch vụ công nghệ thông tin còn được tích hợp vào các hệ thống điều khiển công nghiệp. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin, có thể gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng so với các nguy cơ trong môi trường truyền thống.
Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo nguy cơ Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0 như: theo dõi, nghe lén trên các mạng viễn thông; tấn công vào các mạng điều khiển công nghiệp và các hệ thống điều khiển, quản lý, vận hành, khai thác quan trọng; tấn công vào các hệ thống hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin; từ chối dịch vụ DoS/DDoS; tấn công lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc...
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức trở nên tinh vi, có quy mô gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, đe dọa về an ninh, ổn định chính trị; trong khi đó, công tác bảo vệ an toàn, an ninh thông tin hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như nhận thức, nguồn nhân lực, hạ tầng... Thực trạng trên dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin không chỉ đối với cá nhân, doanh nghiệp mà còn đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp là hết sức quan trọng.
Giám đốc VNCERT Nguyễn Trọng Đường cho biết: Thời gian qua, các hình thức tấn công có chủ đích (APT), mã độc gián điệp, mạng botnet, DDos, Deface, Phising... nhằm vào các cơ quan nhà nước, hệ thống tài chính, các hệ thống hạ tầng trọng yếu, các website của cơ quan, tổ chức... đang ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Theo Giám đốc VNCERT, hiện nay đã xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dùng qua internet, qua mạng di động...
Thống kê của VNCERT, năm 2018 Việt Nam ghi nhận 9.344 sự cố tấn công mạng; trong đó có hơn 5.000 sự cố tấn công Deface, gần 2.500 sự cố Phising và gần 1.800 sự cố Malware. VNCERT cũng cảnh báo, hiện nay sự cố mã độc tống tiền Ransomewere đang gia tăng phức tạp; xu hướng tội phạm tấn công vào các thiết bị IoT như: Camera, Smart T đang ngày một tăng mạnh... Tuy các thiệt hại do mất an toàn thông tin chưa được thống kê, tính toán chi tiết nhưng các sự cố và tấn công mạng đã và đang gây ra thiệt hại là không hề nhỏ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, hiện nay, công tác quản lý, điều phối bảo đảm an toàn thông tin mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước còn nhiều bất cập. Trong đó, người dùng chưa nhận thức đúng về bảo mật thông tin; quy trình hợp tác, phối hợp ứng cứu, xử lý, ngăn chặn khi có sự cố còn lỏng lẻo, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp, tổ chức chưa biết để đăng ký tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia. Nhiều tập đoàn lớn của nhà nước, tổ chức tài chính, ngân hàng chưa quan tâm tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia...
Nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong công nghiệp 4.0, bà Dương Thị Ngọc Chiến, chuyên gia Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần tập trung đảm bảo an toàn cho các hệ thống điều khiển công nghiệp; tập trung quản lý các thiết bị IoT và hệ thống nhúng; tập trung bảo vệ thông tin bí mật, sở hữu trí tuệ và cần chuẩn bị trước, phát hiện kịp thời và có phản ứng nhanh khi xảy ra nguy cơ...
Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; Quốc hội cũng đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Chính phủ chuẩn bị ban hành các nghị định hướng dẫn các luật này. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tích cực xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin mạng.../.
Theo TTXVN