Thứ Bảy, 7/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 18/7/2019 9:50'(GMT+7)

Quảng Ninh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020

Thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh.

Thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh.

Trước thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh là tỉnh nghèo, chủ yếu dựa vào trợ cấp của Trung ương. Với tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, hiện nay Quảng Ninh đã tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục, trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh của khu vực phía Bắc, là trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn, dẫn đầu trong nhiều chỉ số của cả nước và khu vực.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, CHỌN HƯỚNG ĐI ĐÚNG

Trước đây, Quảng Ninh là một vùng kinh tế với trụ cột chủ đạo là than cùng một số ngành công nghiệp khác như nhiệt điện, xi măng,... Nhưng trong 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh quyết tâm giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng địa bàn tạo nên những bước đột phá quan trọng cả trong tư duy, lý luận và thực tiễn. Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đề xuất với Trung ương về các cơ chế, chính sách đặc thù; đồng thời tiến hành các khâu đột phá trong kinh tế như đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng, cải cách hành chính, xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kêu gọi đầu tư...

Nhờ đó, Quảng Ninh đã nhanh chóng xác lập và khẳng định vị thế, giá trị mới trong tương quan khu vực, quốc gia và quốc tế. Kinh tế liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình 9,3 %/năm; giai đoạn 2015-2018 đạt trên 10%, năm 2018, đạt 11,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.110 USD/người/năm. Năng suất lao động bình quân đạt 199,5 triệu đồng/người/năm. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được tăng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,2%, dự kiến đến năm 2020 đạt 85%. Kết quả đó là bước đầu của quá trình phát triển kinh tế chuyển sang phát triển theo hướng bền vững, dần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp của Quảng Ninh.

Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện hằng năm đạt trên 98%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 20 năm 2012 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay; năm 2015 đứng thứ ba, năm 2016 đứng thứ hai, đặc biệt liên tiếp dẫn đầu toàn quốc trong năm 2017 và 2018. Năm 2018, tỉnh đã đạt Giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương trao tặng. Đứng đầu cả nước trong xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 và năm 2018.

Những thành quả đạt được đó, có một phần quan trọng trong quyết tâm chọn hướng đi đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng, vận hành theo quy luật thị trường, phù hợp với thực tiễn địa phương. Phát triển CNTT đã đem đến cho Quảng Ninh những lợi ích thiết thực, tạo động lực bứt phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Bám sát Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, nhờ những hướng đi đúng và quyết liệt trong thực hiện, đến nay, ứng dụng, phát triển CNTT đã được Quảng Ninh triển khai đồng bộ và rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực.

Ngay thời kỳ đầu, giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ trong cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được coi trọng thực hiện. Nhờ đó, Dự án xây dựng chính quyền điện tử và đào tạo công dân điện tử được Quảng Ninh triển khai từ năm 2012 đã đạt được những kết quả rõ rệt. Năm 2018, tỉnh nghiệm thu đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư Dự án giai đoạn I với tổng mức đầu tư 386 tỷ đồng. Dự án đã góp phần hoàn thiện hạ tầng nền tảng cho chính quyền điện tử, gồm: Trung tâm tích hợp dữ liệu tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế (Tier và TIA-942); 239 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã; xây dựng Đề án khung về xây dựng mô hình thành phố thông minh, hình thành nền tảng các cơ sở dữ liệu cốt lõi để xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể Chính quyền số giai đoạn 2019 - 2025.

ĐỘT PHÁ THÀNH LẬP TRUNG TÂM PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG

Với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đi đầu trong cả nước, đột phá thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Đến nay bộ thủ tục hành chính (TTHC) của ba cấp chính quyền đã được hoàn thiện, chuẩn hóa. 100% các TTHC cấp tỉnh và cấp huyện đủ điều kiện được đưa vào thực hiện tại các trung tâm phục vụ hành chính công theo nguyên tắc 5 tại chỗ: “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại Trung tâm” thuận tiện, công khai, minh bạch; trong đó ứng dụng CNTT được xác định là một trong những giải pháp cốt lõi. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã cung cấp tại tất cả các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh cung cấp dịch công mức độ 3 và 4 là 1.009 trung tâm hành chính, đạt 80,7%; cấp huyện là 3.599 trung tâm hành chính/14 địa phương, đạt 83,8%. Đã hoàn thiện việc kết nối, tích hợp giữa phần mềm hệ thống chính quyền điện tử với hệ thống bưu điện trong việc tiếp nhận và trả kết quả tại nhà; cung cấp công cụ để người dân thực hiện thanh toán bằng thẻ hoặc trực tuyến đối với những thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí; thực hiện trả kết quả bằng văn bản điện tử áp dụng chữ ký số, giúp công dân và tổ chức có thể sử dụng để giao dịch, giải quyết công việc thông qua môi trường mạng. Quảng Ninh cũng là Cổng dịch vụ công thứ 2 được công bố, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng thông tin của Chính phủ. Hiện nay, 186/186 bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư trang thiết bị CNTT hiện đại; cơ bản đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin của chính quyền điện tử tỉnh.

Nhờ liên tục quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, đến nay, 100% các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên đã được trang bị máy tính, kết nối mạng LAN, Internet để thực hiện nhiệm vụ. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai cấp phát, đưa vào sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã. Hiện có 222 đơn vị, 14 UBND cấp huyện, 186 UBND cấp xã đã kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, đạt tỷ lệ 100%. Triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đều khai thác sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có kết nối liên thông văn bản điện tử, hệ thống thư điện tử của tỉnh. Việc sử dụng chứng thư số được đẩy mạnh triển khai rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh và thuộc nhóm đầu cả nước về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Quảng Ninh cũng là địa phương có số lượng trao đổi văn bản điện tử cao nhất toàn quốc. Trong 3 năm (2016 - 2018), tỉnh Quảng Ninh duy trì vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông Việt Nam. Năm 2018, đứng thứ ba toàn quốc trong bảng xếp hạng ứng dụng CNTT. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) được đánh giá cao; tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

ỨNG DỤNG CNTT TRÊN  CÁC LĨNH VỰC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ, có hiệu quả CNTT trên các lĩnh vực, Quảng Ninh đã cho xây dựng hệ thống các website quảng bá và kinh doanh du lịch, cập nhật các thông tin về hoạt động của ngành, cũng như giới thiệu quảng bá hình ảnh của tỉnh. Hệ thống Wifi miễn phí đã được lắp đặt trên địa bàn thành phố Hạ Long và tỉnh đang nghiên cứu mở rộng việc triển khai hệ thống wifi công cộng tại các đô thị khác. Tỉnh đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ứng dụng CNTT đồng bộ trong ngành than. Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử; ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT và Ngân hàng Vietcombank để cung cấp dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công thông qua các dịch vụ thanh toán thương mại điện tử, như mạng internet, máy POS hay ứng dụng trên điện thoại di động. Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện..., không dùng tiền mặt. Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, đến nay tỉnh đã có trên 100 gian hàng, với 300 mặt hàng, đăng tải trên 2.000 thông tin về thương mại, hằng năm thu hút trên 1.000.000 lượt truy cập. Ngoài ra, ứng dụng CNTT còn thể hiện ở việc hỗ trợ cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiến thức, kỹ thuật công nghệ cao, phòng chống dịch bệnh; cung cấp cơ sở dữ liệu xây dựng nông thôn mới, hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đáng chú ý, tỉnh đã đồng bộ hệ thống quan trắc tự động môi trường nước, không khí tại 105 điểm thuộc 8 địa phương, nhờ đó đã cải thiện đáng kể chất lượng môi trường và ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

100% trong các đơn vị thuộc ngành giáo dục đã thực hiện trao đổi văn bản điện tử, kê khai thuế và bảo hiểm xã hội điện tử. Các hội nghị của ngành được truyền hình trực tuyến đến 14/14 phòng giáo dục và đào tạo và 60 trường học các cấp; đã đầu tư xây dựng hệ thống quản lý bài giảng E-learning; triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, xây dựng 551 phòng học tiên tiến, thông minh tại 46 trường học.

Dành nguồn lực thỏa đáng đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, giai đoạn năm 2011-2015, tỉnh bố trí 1.457,8 tỷ đồng cho lĩnh vực KHCN, công nghệ thông tin và Đề án Chính quyền điện tử, gấp hơn 10 lần giai đoạn 2006-2010; bình quân đạt 4% tổng chi thường xuyên ngân sách. Giai đoạn 2016-2018 là 1.398 tỷ đồng. Năm 2016 là 1,9%, năm 2017 là 5,5%, năm 2018 là 6,8% tổng chi ngân sách thường xuyên cho chi thường xuyên và chi đầu tư cho KHCN, công nghệ thông tin, chính quyền điện tử và chính quyền số...

Hiện nay 100% bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh đã sử dụng các phần mềm ứng dụng chuyên ngành. 100% đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh và trạm y tế tuyến xã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, chuyển dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế sang Cổng tiếp nhận của bảo hiểm xã hội đúng quy định. Một số bệnh viện của tỉnh đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh thay cho sổ khám bệnh (bệnh viện Sản Nhi); áp dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý khám, chữa bệnh.

Hệ thống camera giám sát giao thông tại các đô thị trung tâm và các tuyến cao tốc, đèn tín hiệu giao thông thông minh tự động điều khiển chu kỳ để giảm thiểu ùn tắc giao thông đã được lắp đặt. Hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải đều gắn thiết bị giám sát hành trình. Khu công viên CNTT tập trung tại phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long đã được xây dựng.

Quảng Ninh xác định đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2016 đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng Thành phố thông minh và chính quyền số. Đến nay, đã xây dựng được Đề án khung về xây dựng mô hình thành phố thông minh tập trung vào các lĩnh vực: trường học, bệnh viện, giao thông, an ninh, quản lý nhà nước,.... xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng dịch vụ chất lượng cao là nhân dân, du khách, bệnh nhân và học sinh… Theo đó, các mục tiêu số hóa 100% dữ liệu; triển khai mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng, kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đang triển khai. Tỉnh đang tích cực triển khai 3 dự án: xây dựng 37 trường học, 3 bệnh viện thông minh, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh. Hiện, tỉnh đang cùng với Tập đoàn FPT nghiên cứu, xây dựng Chính quyền số.

Những kết quả quan trọng trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là cơ sở tiền đề để Quảng Ninh thực hiện cải cách nền hành chính, phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra: “Đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ”./.

Phạm Văn Điệp

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất