(TG) - Sau 15 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả nhất định: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng y học cổ truyền và xây dựng Hội Đông y các cấp vững mạnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân; cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, theo phương châm “Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, với y học hiện đại” .
Đến đầu năm 2023, tuyến tỉnh có 1 bệnh viện y học cổ truyền và phục hồi chức năng, 2 bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền(tăng gấp 3 lần so với trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị); với 55 giường bệnh tăng 1,83 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị và chiếm 5,6 % tổng số giường bệnh toàn tỉnh. 9/10 trung tâm y tế tuyến huyện có khoa đông y (tăng 01 đơn vị so với trước khi thực hiện Chỉ thị); 216 giường bệnh y học cổ truyền, tăng 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, chiếm 1,82 % tổng số giường bệnh. Các trung tâm y tế đều có phòng và trang thiết bị cho hoạt động đông y, như: máy sắc thuốc tự động, máy xoa bóp, máy điều trị tần phổ, đèn hồng ngoại, máy điện châm... 125[1] trạm y tế có cán bộ, 86 xã có triển khai khám chữa bệnh bằng đông y, trong đó 70 đơn vị xã có khám chữa bệnh đông y được thanh toán BHYT.119 trạm y tế cấp xã có vườn thuốc nam. Toàn tỉnh có 124/125 (99,2 %) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều trạm y tế được trang bị máy điện châm và có thuốc đông dược phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Toàn tỉnh hiện có 99 cơ sở chẩn trị đông y và kinh doanh thuốc thành phẩm đông y, tăng 1,76 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Về cơ bản, hệthống khám chữa bệnh bằng đông y từng bước được sắp xếp, kiện toàn, mở rộng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền ở các tất cả các tuyến.
Hội Đông y tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 1990. Năm 2017, Hội Châm cứu được sáp nhập vào Hội Đông y. Sau gần 33 năm hoạt động, Hội Đông y các cấp trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện tại, Hội Đông y tỉnh Quảng Trị có 14 đơn vị trực thuộc (5 chi hội và 9 hội cấp huyện); 39 chi hội cấp xã. Toàn tỉnh có 613 hội viên, trong đó, Lương y: 104 hội viên chiếm tỉ lệ 18%, Lương dược: 32 hội viên chiếm tỉ lệ 6%, Bác sỹ YHCT: 86 hội viên chiếm 14%, Y sỹ YHCT: 150 hội viên chiếm 25% và trình độ khác: 241 hội viên chiếm 37% . Hội Đông y Quảng Trị được tỉnh công nhận là một trong 16 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Bám sát tôn chỉ, mục đích, Hội Đông y các cấp đã tập hợp những người có trình độ, tâm huyết, kinh nghiệm...tham gia chữa bệnh bằng YHCT; động viên hội viên, gia đình hội viên làm tốt công tác bảo tồn, trồng và chăm sóc các cây thuốc nam; sưu tầm và biên soạn, phổ biến các bài thuốc dân gian, bài thuốc gia truyền chữa bệnh trong Nhân dân từ đó lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Hội đã tuyển chọn 50/409 phương thuốc hay của các lương y giỏi để in trong tập san phổ biến đến các hội viên và cộng đồng. Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn cho các trạm y tế, các hộ gia đình trồng một số cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Hàng năm hoặc hai năm một lần, Hội Đông y Quảng Trị và hội Đông y các cấp tổ chức hội thảo khoa học “bài thuốc hay cây thuốc quý, bài thuốc tâm đắc”; tập huấn về điện châm, mảng châm, các quy trình kỹ thuật về đông y và các phác đồ đông y chữa các bệnh thường gặp cho hàng trăm lượt hội viên và cán bộ y tế làm công tác Đông y trên toàn tỉnh.
Nguyễn Trí Ánh
[1] Giảm 16 xã theo Nghị quyết số 382/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.